Y học và đời sống

Y học cổ truyền điều trị chứng mất ngủ

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Mất ngủ thường là hệ quả của suy tư quá độ dẫn đến tâm lý hư yếu, can thận âm hư, tâm đởm hư hoặc vị bất hòa. Điều trị ngoài việc “hư phải bổ, nhiệt phải thanh, đờm phải tiêu đạo” thì liệu pháp tâm lý rất quan trọng.

Suy tư quá độ gây hại can, tâm, đởm, vị

Theo y học hiện đại, mất ngủ thường xảy ra ở những người có rối loạn chức năng thần kinh hoặc tâm lý không ổn định.

Theo y học cổ truyền mất ngủ còn gọi là “thất miên” là chứng bệnh khó ngủ, không ngủ được. Có thể là không ngủ ngay được, thường nửa đêm hoặc về sáng mới chợp mắt được, hoặc khi đi ngủ thì dễ nhưng trong đêm thức giấc lại không ngủ được; hoặc lúc ngủ, lúc tỉnh, có khi thức suốt đêm không chợp mắt.

Khi mất ngủ cơ thể mệt mỏi, uể oải, thường kèm theo đau đầu, váng đầu, hay lo nghĩ, chóng quên, tim đập hồi hộp…làm chất lượng cuộc sống suy giảm.

Theo y học cổ truyền mất ngủ thường là hệ quả của suy tư quá độ dẫn đến tâm lý hư yếu, can thận âm hư làm tướng hỏa vượng; hoặc do lo lắng, mệt nhọc quá độ làm tâm đởm hư hoặc đàm thấp ứng trệ là cho vị bất hòa.

Theo y học cổ truyền chữa mất ngủ thì “hư phải bổ, nhiệt phải thanh, đờm phải tiêu đạo”. Ngoài việc dùng thuốc thì liệu pháp tâm lý nội tâm có vai trò rất quan trọng. Vì thế người bệnh phải tự giải tỏa những vướng mắc về tâm lý thực hiện lối sống lành mạnh, yên vui.

Thuốc thích ứng theo cơ chế sinh bệnh

Y học cổ truyền chữa chứng mất ngủ ra các thể bệnh khác nhau trên cơ sở triệu chứng lâm sàng và cơ chế sinh bệnh và sử dụng các phương thuốc thích ứng để điều trị như sau:

Mất ngủ do tâm tỳ huyết hư: Có khi cả đêm không ngủ được, hoặc lúc ngủ lúc tỉnh, ngủ mơ nhiều, người mệt mỏi, ăn không ngon tim đập hồi hộp, hay quên, sắc mặt nhợt nhạt. Phép trị là bổ dưỡng tâm tỳ, sinh huyết với bài thuốc “quy tỳ hoàn”. Bài thuốc gồm các: Bạch truật 12g, Hoàng kỳ 16g, Phục thần 12g, Đảng sâm 16g, Đương quy 12g, Mộc hương 12g, Viễn chí 8g, Long nhãn 12g, Toan táo nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Mất ngủ do tâm huyết âm hư: Hư phiền, mất ngủ, tâm thân mệt mỏi dễ mộng tình, lở loét quanh mồm, lưỡi. Phép trị là bổ ích tâm âm với bài thuốc “Thiên vương bổ tâm đan” gồm các vị thuốc: Sinh địa 16g, Đan sâm 12g, Đảng sâm 12g, Huyền sâm 12g, Đương quy 12g, Bạch linh 12g, Thiên môn 12g, Mạch môn 12g. Bá tử nhân 10g, Toan táo nhân 10g, Ngũ vị tử 10g, Cát cánh 10g, Viễn chí 8g, Cát cánh 10g, Đại táo 3 quả, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Mất ngủ do âm hư tâm hỏa vượng: Khó ngủ, vừa mới ngủ lại tỉnh giấc, tâm phiền, miệng khô, đầu váng, tai ù, lưỡi đỏ. Phép trị là thanh hỏa an thần. Dùng bài thuốc với các vị sau: Đậu đen sao chín 20g, Vừng đen sao chín 20g, Lá vông 20g, Lạc tiên 20g, Lá dâu non 20g, Thảo quyết minh sao (hạt muồng) 10g, Vỏ núc nác 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Mất ngủ do tâm đởm khí hư: Có cảm giác nhút nhát, ngại việc, tim đập hồi hộp, ngủ không yên, dễ tỉnh giấc, mơ nhiều khi ngủ. Phép trị là ích khí trấn kinh, an thần, định chí. Dùng bài thuốc “định chí hoàn” với các vị thuốc: Viễn chí 10g, Bạch linh 12g, Đảng sâm 16g, Phục thần 10g, Xương bồ 8g, Đại táo 3 quả, Cam thảo 6g, Long nhãn 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Mất ngủ do vị bất hòa: Ngủ không được vì bụng ngực căng tức, ợ hơi khó chịu, đầy bụng, đại tiện bí. Phép trị là tiêu đạo hòa vị. Dùng bài thuốc “bảo hòa đan”gồm các vị thuốc: Thần khúc 8g, Sơn tra 12g, Trần bì 10g, Bán hạ 10g, Bạch linh 12g, La bạc tử 8g, Mạch nha 12g, Chỉ thực 12g, Trúc nhự 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Mất ngủ do tâm thận bất giao: Mất ngủ, hư phiền, tai ù, đầu váng, họng khô, mỏi lưng, gối yếu, người nóng, ra mồ hôi trộm (khi đi ngủ) tiểu tiện đỏ. Phép trị là giao hòa tâm thận. Dùng bài thuốc “lục vị gia giảm” gồm các vị thuốc: Hoài sơn 12g, Sơn thù 12g, Trạch tả 12g, Đan bì 12g, Thục địa 12g, Bạch linh 12g, Cam thảo 6g, Hoàng liên 6g, Nhục quế 6g.  Sắc uống ngày 1 thang.

 Cách sắc thuốc: Cho thang thuốc vào ấm sắc thuốc, đổ 1 lít nước sạch. Đun thuốc đến sôi, rồi đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn trong vòng 45 phút. Chắt nước ra (được khoảng 300ml) chia uống 3 lần trong ngày.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP