Dữ liệu y khoa

Y bác sĩ TPHCM chi viện cho các bệnh viện dã chiến

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - Hàng trăm y bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp… hối hả lên đường chi viện các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn TPHCM, với quyết tâm sớm chặn đứng dịch bệnh.

Nữ bác sĩ về hưu quay lại bệnh viện trong mùa dịch

Mới đây, 65 nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy lại khẩn trương lên đường đến hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện dã chiến khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Được biết, đây là bệnh viện dã chiến được TPHCM cấp tốc xây dựng với quy mô hơn 16.000 giường.

Những bác sĩ đã về hưu tình nguyện quay lại giúp đỡ bệnh viện trong đại dịch Covid-19, trong đó có nữ bác sĩ của Khoa Thận Nhân tạo - BS Nguyễn Thị Kim Tùng.

Những bác sĩ đã về hưu tình nguyện quay lại giúp đỡ bệnh viện trong đại dịch Covid-19, trong đó có nữ bác sĩ của Khoa Thận Nhân tạo - BS Nguyễn Thị Kim Tùng.

Trước đó, hàng trăm y bác sĩ thuộc các đội chi viện của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã lên đường hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi và Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh.

Và cũng trong những ngày này, những bác sĩ đã về hưu tình nguyện quay lại giúp đỡ bệnh viện, trong đó có nữ bác sĩ của Khoa Thận nhân tạo - BS Nguyễn Thị Kim Tùng, người đã có gần 30 năm gắn bó với “đại gia đình” Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng, TPHCM cũng như cả nước đang chung tay chống dịch một cách triệt để. Lực lượng của Bệnh viện Chợ Rẫy được điều phối đi nhiều nơi để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh. Dù biết vai trò của mình cũng chỉ là rất nhỏ, nhưng tôi vẫn muốn đóng góp một chút công sức. Mong sao dịch bệnh qua nhanh và không để lại những hậu quả quá nặng nề”, BS Nguyễn Thị Kim Tùng trải lòng.

Hàng trăm y bác sĩ thuộc các đội chi viện của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã lên đường hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Hàng trăm y bác sĩ thuộc các đội chi viện của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã lên đường hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TPHCM. 

Mỗi ngày, tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, các đồng nghiệp trẻ lại được thấy một bác sĩ nhiều kinh nghiệm tỉ mẫn đi thăm khám cho các bệnh nhân. Ở khoa này, những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng kém, lớn tuổi và nhiều nhiều bệnh lý nền kèm theo. Họ là những đối tượng rất dễ gặp biến chứng nặng nếu chẳng may nhiễm phải SARS-CoV-2. Vì thế, ngoài việc thăm khám, theo dõi sức khỏe, BS Nguyễn Thị Kim Tùng còn dành nhiều thời gian để cùng đồng nghiệp động viên, hướng dẫn và nhắc nhở các bệnh nhân chạy thận bảo vệ mình trước những nguy cơ.

Lên đường chung tay vì thành phố thân yêu

4 bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 gồm 6, 7, 8, 9 dự kiến được thành lập trong khu tái định cư 38,4ha tại phường Bình Khánh (TP Thủ Đức). Trong đó, bệnh viện 6, 7 công suất khoảng 6.000 giường; bệnh viện 8, 9 mỗi bệnh viện công suất khoảng 3.000 giường. Về mặt nhân lực, cứ 6.000 bệnh nhân sẽ bố trí 600 nhân viên phục vụ với 200 nhân viên y tế. Các bệnh nhân sẽ được điều trị trong 21 ngày. Trường hợp bệnh nhân nặng sẽ được chuyển xuống phòng cấp cứu chờ chuyển đến các bệnh viện chuyên sâu hơn.

90 y, bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) do PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện, đã lên đường chi viện bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19.

90 y, bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) do PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện, đã lên đường chi viện bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn khi tham gia Bệnh viện Dã chiến số 8 với nhiệm vụ điều trị, hỗ trợ cho những người mắc Covid-19. Ông đã đề nghị các nhân viên y tế của Bệnh viện Thống Nhất phải làm tốt công tác phòng bệnh cho chính mình mới có thể làm tốt nhiệm vụ được giao.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn khi tham gia Bệnh viện Dã chiến số 8 với nhiệm vụ điều trị, hỗ trợ cho những người mắc Covid-19.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn khi tham gia Bệnh viện Dã chiến số 8 với nhiệm vụ điều trị, hỗ trợ cho những người mắc Covid-19.

Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đã chuẩn bị 120 bác sĩ, 250 điều dưỡng, 10 kỹ thuật viên theo yêu cầu của Bộ Y tế trong công tác chống dịch Covid-19. Ngoài ra, bệnh viện còn chuẩn bị thêm 30 bác sĩ, 60 điều dưỡng, 30 kỹ thuật viên là lực lượng dự phòng sẵn sàng cho các trường hợp cần thiết.

80 nhân viên y tế Bệnh viện Bình Dân cũng đã nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 8 tại Thủ Thiêm, quận 2 với 6.000 giường bệnh!

Để sẵn sàng cho nhiệm vụ hỗ trợ ngành y tế TPHCM trong cao điểm chống dịch đợt này, đội ngũ cán bộ y tế tham gia đoàn hỗ trợ chi viện của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã được tập huấn chi tiết về phác đồ điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19, các biện pháp phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn trong khu cách ly, quy trình mang tháo phương tiện phòng hộ cá nhân, phòng ngừa phơi nhiễm với dịch tiết sinh học của người bệnh.

Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cũng đã xuất quân chi viện cho ngành Y tế TPHCM.

Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cũng đã xuất quân chi viện cho ngành Y tế TPHCM. 

Thiếu tướng, TTND PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, nhấn mạnh, đây là lần xuất quân đặc biệt trong điều kiện đặc biệt, khi Bệnh viện 175 đang tổng lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm thu dung, cấp cứu, điều trị trước diễn biến dịch bệnh rất phức tạp tại thành phố. Bệnh viện đã quyết định cử 50 bác sĩ và 100 điều dưỡng, kỹ thuật viên có chuyên môn tốt, sức trẻ, kinh nghiệm trong quá trình tham gia phòng, chống dịch Covid-19 chi viện cho ngành Y tế TPHCM.

Hầu hết các bệnh viện dã chiến đều mới được TPHCM khẩn trương thiết lập và sử dụng các tòa nhà có sẵn, nên hầu hết các các tòa nhà đều trống trơn, không có vật dụng cơ bản nào như quạt, giường, tủ lạnh, máy giặt, nồi, bát... kể cả nước.

Bệnh viện Dã chiến thu dung Covid-19 số 4 được đặt tại khu nhà tái định cư Vĩnh Lộc B, Bình Chánh. Nguồn nước sinh hoạt tại chỗ bị nhiễm phèn, áp lực kém và không ổn định. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt của nhóm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, của 3 bệnh viện hợp sức (Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Tân Phú) đang đóng tại đây, trực chiến phục vụ cho số bệnh nhân F0 đã lên tới 2.000 và dự kiến tăng nhanh tới 4.000 người.

52 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y sinh của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM lên đường chi viện cho các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

52 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y sinh của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM lên đường chi viện cho các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Một bác sĩ chia sẻ, phòng vệ sinh trường học được tận dụng làm nơi tắm giặt. Sau những giờ phục vụ liên tục trong bộ PPE kín mít, kết thúc các ca trực, nhân viên y tế không có nước tắm, hay phải chờ đợi hứng nước nên rất bất tiện và không đảm bảo an toàn phòng dịch.

Trong giây phút bão lửa này, họ cần lắm một nhà tắm hay nhà vệ sinh kiểu lưu động với bồn trữ nước trên nóc nhằm đảm bảo luôn có thể vận hành với nguồn nước không ổn định.

Bên cạnh những khó khăn, nhiều món quà hỗ trợ đã kịp thời động viên lực lượng y bác sĩ. Bệnh viện Dã chiến số 4 ở Vĩnh Lộc B - Bình Chánh đã được trao tặng 750 hộp thịt, bồi dưỡng thêm suất ăn cho các bác sĩ và đội ngũ y tế. Những chia sẻ đơn giản thế thôi cũng động viên lực lượng y bác sĩ đang vất vả chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Đặc biệt là với số lượng bùng phát và lần giãn cách xã hội khiến cho mọi thứ đều thiếu thốn, ngay cả những nhu cầu căn bản nhất.

An Quý

BẢN DESKTOP