KINH TẾ

Xuất nhập khẩu hóa chất giữa Việt Nam - EU khó tăng trưởng nhanh

  • Tác giả : Minh Lâm
(khoahocdoisong.vn) - EVFTA được cho là cú hích quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong vòng 5 -10 năm tới. Tuy nhiên, có nhiều mặt hàng, ngành sản xuất dù được hưởng ưu đãi vẫn khó có cơ hội tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EU.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 2,18 – 3,25% vào năm 2025 (giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), tăng 4,57 – 5,3% vào năm 2030 và 7,07 – 7,72% vào năm 2035 so với kịch bản cơ sở năm 2020.

Một trong những ngành hàng được kỳ vọng thay đổi tích cực nhờ EVFTA là hóa chất và các sản phẩm hóa chất do các mặt hàng này đóng vai trò quan trọng cho hoạt động sản xuất công nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu hóa chất và các sản phẩm hóa chất. Năm 2019, giá trị nhập khẩu mặt hàng hóa chất và các sản phẩm hóa chất của Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 3,2 tỷ USD,

Tính đến 15/10/2020, giá trị nhập khẩu các mặt hàng hóa chất và sản phẩm hóa chất đạt 8,1 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường EU đến nay mới cung ứng cho Việt Nam khoảng 4 – 5% tổng giá trị nhập khẩu. Trung Quốc, Đài Loan chiếm tỷ trọng chủ yếu với trên 50% tổng kim ngạch.

Ở chiều nguợc lại, kim ngạch xuất khẩu đối với các mặt hàng hóa chất (bao gồm hóa chất cơ bản, chất giặt rửa…) tại thời điểm 15/10/2020 là 2,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp với 1,6%.

Tháng 8/2020, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hóa chất sang EU tăng trưởng mạnh 73% so với tháng 7/2020, đạt gần 4,4 triệu USD.

Tăng trưởng tốt chủ yếu xuất phát từ nhu cầu gia tăng của hai thị trường Đức và Italia. Tại thời điểm cuối tháng 8/2020, xuất khẩu các mặt hàng hóa chất sang EU đã được cải thiện, tăng nhẹ lên 2,43%, với giá trị 49,7 triệu USD.

Theo thỏa thuận của EVFTA, khoảng 70% loại sản phẩm hóa chất sẽ được loại bỏ thuế quan. Những mặt hàng còn lại sẽ giảm thuế về 0% sau thời gian tối đa là 7 năm. Mặc dù được hưởng ưu đãi về thuế, xuất khẩu hóa chất và các sản phẩm hóa chất Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc về quy tắc xuất xứ.

Hơn nữa, thị trường cung ứng châu Á (chủ yếu là Trung Quốc) vẫn có nhiều lợi thế hơn về chi phí, vị trí địa lý. Các mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu đa phần là phân khúc chất lượng cao, mà thị trường nội địa chưa thể sản xuất được, do đó rất khó để cạnh tranh trực tiếp với các mặt hàng thuộc phân khúc thấp hơn của các thị trường châu Á. Chính vì vậy, xuất nhập khẩu mặt hàng này giữa Việt Nam – EU khó có thể tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn.

Minh Lâm

BẢN DESKTOP