Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng qua, lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 6,67 triệu tấn, mang về hơn 3,23 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu cán mốc trên 7 triệu tấn, doanh thu ước đạt 3,55 - 3,6 tỷ USD.
Đây là kết quả đầy ấn tượng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và gạo tiếp tục là mặt hàng tỷ đô của nông sản Việt Nam.
Năm qua, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Mỹ...
Bên cạnh gạo trắng, các loại gạo thơm, gạo japonica... của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt.
Trong 11 tháng qua, lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 6,67 triệu tấn. Ảnh:thuonggiaonline |
Đột phá ở nhiều thị trường
Phân tích về những thành công trong xuất khẩu lúa gạo năm 2022, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, ngành gạo Việt Nam trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao.
Xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như: Mỹ tăng khoảng 84,8%; thị trường EU tăng 82,2%.
Dự báo xuất khẩu gạo năm 2022 vượt 6,5 triệu tấn, mức giá cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Năm 2022 là một năm có rất nhiều biến động trên thị trường khi đầu năm giá gạo đi xuống và phải đến quý III, giá gạo mới tăng.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước - Ảnh: internet. |
Tuy nhiên có thể khẳng định, năm 2022 tiếp tục là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu và sản xuất lương thực Việt Nam. Ước đến hết năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được trên 7 triệu tấn gạo.
Điểm đáng chú ý nữa là giá gạo xuất khẩu Việt Nam ghi nhận tăng mạnh ở những năm gần đây và năm 2022 duy trì ở mức cao. Theo VFA, trong năm 2022, có thời điểm giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam vượt qua Thái Lan và đứng đầu thế giới. Đơn cử, trong tháng 11-2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn, còn Việt Nam ghi nhận mức 447 USD/tấn. Với mức này, giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 7 USD/tấn.
Cố gắng phát huy, tập trung ở những thị trường lớn
Xuất khẩu sang khối các thị trường RCEP (RCEP - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand 11 tháng qua tăng 17% về lượng, tăng 9,1% kim ngạch; khối EU tăng 17% về lượng, tăng 0,4% kim ngạch...
Trong năm 2022, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, tăng 30% về lượng và 18% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 807.947 tấn. Thứ 3 là thị trường Bờ Biển Ngà tăng mạnh 83% về lượng và tăng 61,3% kim ngạch.
Giá gạo thơm xuất khẩu tới thị trường Trung Đông, châu Âu của doanh nghiệp này trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn - đây là giá xuất khẩu cao đối với mặt hàng lúa gạo trong nhiều năm nay.
Dự báo xuất khẩu gạo thời gian tới?
Xuất khẩu gạo cuối năm và đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng. Nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% cùng tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới thì đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới./.