Y học và đời sống

Xuất huyết tiêu hóa cao dễ tử vong

Xuất huyết tiêu hóa (XHTH) cao là chảy máu ở thực quản, dạ dày tá tràng và phần trên của hỗng tràng. Bệnh nhân dễ bị sốc do giảm thể tích máu đột ngột dễ dẫn đến khó thở, co giật do thiếu oxy não, huyết áp thấp và kẹt dễ tử vong nếu nếu không xử trí nhanh kịp thời.

Nội soi tiêu hóa khi bị bệnh

Có đến hơn 70 nguyên nhân khác nhau gây XHTH, trong đó nguyên nhân trực tiếp liên quan đến các tổn thương của dạ dày, tá tràng như: loét dạ dày- tá tràng, K dạ dày, viêm cấp chảy máu dạ dày do dùng thuốc, viêm trợt ở dạ dày – tá tràng, polyp dạ dày – tá tràng, thoái vị lỗ thực quản cơ hoành, u thần kinh ở dạ dày, u cơ trơn, lao dạ dày hoặc giang mai dạ dày.

Nguyên nhân XHTH do bệnh lý ngoài ống tiêu hóa như: tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan, viêm tắc tĩnh mạch trên gan, viêm tắc tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch lách…; Chảy máu đường mật ở những bệnh nhân bị bệnh sỏi mật, viêm loét đường mật…; Bệnh lý của tủy xương gây rối loạn đông máu, chảy máu như:  bạch huyết cấp và mạn, bệnh ưa chảy máu, suy tủy xương; Chảy máu ở một số bệnh lý toàn thân: urê máu cao, huyết áp cao, chấn thương bỏng rộng hoặc ngộ độc các chất hữu cơ; Bệnh của hệ thần kinh trung ương, trong rối loạn chuyển hóa…

Bệnh căn của XHTH cao rất phức tạp. Người ta chia làm hai loại: thủng động mạch và chảy máu các mao mạch. Có thể xuất huyết do kết quả của sự phá hủy thành mạch do hiện tượng viêm chảy máu cấp hoặc do sự xói mòn ở ổ loét, hoặc do chấn thương có tính chất cơ học tác động trực tiếp lên ổ loét gây chảy máu hoặc do giãn vỡ các mạch máu…

Khi bị XHTH cao người bệnh nôn ra máu: máu tươi, máu đen, máu cục, có thể lẫn với thức ăn (chú ý phân biệt với máu chảy ở răng lợi, ở họng, ở mũi và ho ra máu). Cũng có khi bệnh nhân không nôn ra máu mà chỉ đi ngoài phân đen. Vì vậy, nếu có nôn ra máu thì chắc chắn nhưng không thể chỉ dựa vào triệu chứng này. Ỉa ra máu phân thường đen như bã cà phê, mùi khắm, trường hợp chảy máu nhiều phân thường loãng, có nước màu đỏ xen lẫn với phân lổn nhổn đen mùi khắm.

Nếu chảy máu ít hơn, phân vẫn thành khuôn, màu đen giống nhựa đường, mùi khắm. Tùy theo mức độ mất máu mà toàn thân có thể có biểu hiện sốc do giảm thể tích máu đột ngột, thường xuất hiện sau khi nôn hoặc sau khi đi ngoài phân đen. Thể hiện: da xanh tái, niêm mạc trắng bệch, toát mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt, khó thở, có thể co giật do thiếu oxy não, huyết áp thấp và kẹt.

XHTH là tình trạng nặng, là cấp cứu nội khoa cần được xử lý kịp thời (hồi sức chống sốc, hồi phục lại thể tích máu, cầm máu và xử lý nguyên nhân), nếu cần thiết phải có sự phối hợp của ngoại khoa để giải quyết nguyên nhân chảy máu, tránh tử vong cho người bệnh.

BSCKII Vũ Đức Chung (Chủ nhiệm khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện 354)

BẢN DESKTOP