Vấn đề - Sự kiện

Xuất hiện nhiều cuộc tấn công giả mạo cơ quan chức năng để lừa đảo

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Kẻ xấu dựa vào dữ liệu có được, dựng lên các kịch bản dành riêng cho từng mục tiêu, đồng thời sử dụng Deepfake để giả mạo hình ảnh, giọng nói, khiến cho nạn nhân rất khó phát hiện.

Cụ thể, thống kê từ hệ thống Viettel Threat Intelligence, trong năm 2023, đã phát hiện gần 5.900 tên miền lừa đảo, con số gấp 1,3 lần so với năm 2022 và gấp 6,2 lần so với năm 2020. Các kịch bản lừa đảo được xây dựng chi tiết, tinh vi hơn, hướng chủ đích tới nạn nhân, giúp tăng khả năng thành công của các nhóm lừa đảo.

Báo cáo mới công bố của Viettel Cyber Security cũng cho thấy, xét theo lĩnh vực, nhóm ngành tài chính - ngân hàng vẫn tiếp tục là mục tiêu hàng đầu các cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo, chiếm tới 54% trong tỷ lệ tấn công lừa đảo, giả mạo. Tiếp đó là ngành bán lẻ - thương mại điện tử với 16%. Đáng chú ý, năm 2023 cũng ghi nhận sự nổi lên của các cuộc tấn công giả mạo cơ quan chức năng tại Việt Nam, chiếm 9% trong tổng số các cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo.

Đồng quan điểm, các chuyên gia Bkav cho hay, theo khảo sát của doanh nghiệp này, trong năm 2023 tỷ lệ người dùng nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tiếp tục gia tăng, từ 69,6% trong năm 2022 lên 73% vào năm 2023.

Thống nhất với nhận định vấn nạn lừa đảo trực tuyến gia tăng mạnh trong năm 2023, trước đó các chuyên gia Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam – NCS phân tích, SIM rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ lọt cùng sự phổ biến của công nghệ Deepfake đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến xảy ra.

Kẻ xấu dựa vào dữ liệu có được, dựng lên các kịch bản dành riêng cho từng mục tiêu, đồng thời sử dụng Deepfake để giả mạo hình ảnh, giọng nói, khiến cho nạn nhân rất khó phát hiện.

Theo dự báo, nếu tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân vẫn xảy ra tràn lan thì các vụ lừa đảo trực tuyến vẫn có xu hướng gia tăng. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn của các cuộc gọi, tin nhắn không rõ nguồn gốc; đồng thời cần thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo cho các cơ quan chức năng khi thấy có nguy cơ lừa đảo.

Để phòng tránh hình thức lừa đảo mạo danh cơ quan chức năng, các chuyên gia khuyến nghị người dân cần giữ bình tĩnh và không bị đánh lừa bởi áp lực tâm lý và đe dọa; tự xác minh danh tính và thông tin của người gọi bằng cách gọi lại vào số điện thoại chính thức của cơ quan đó hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan qua các kênh chính thức.

Người dân còn cần tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay tiền bạc qua điện thoại, email hoặc các phương tiện truyền thông khác. Trường hợp nhận được cuộc gọi đe dọa hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP