Ông tổ thuốc Nam là Tuệ Tĩnh từ đầu thế kỷ 17 đã có phương châm “Nam dược trị Nam nhân” nghĩa là Thuốc Nam chữa bệnh người Nam có hiệu quả hơn cả. Để mọi người nhớ đến Nam dược, ngày đầu năm các thầy thuốc thường kể về các vị thuốc có tên theo biểu tượng năm đó.
Năm 2023 là năm Giáp Thìn, xin kể về các cây thuốc, vị thuốc có tên Long và Rồng trong kho tàng thiên nhiên Việt Nam
Rồng có nguồn gốc thực vật
Du long thái (Rau dừa nước, Thủy long), phát triển ở vùng ngập nước, Việt Nam tỉnh nào cũng có. Bộ phận dùng: Toàn cây hái lúc ra hoa, làm thuốc lợi tiểu , tiêu viêm, giải độc.
Long châu quả (Lạc tiên, Hồng tiên) dùng toàn thân (trừ rễ) để an thần gây ngủ.
Long cóc (Sấu), họ đào lộn hột, được trồng hoặc mọc hoang dại từ ở miền Bắc và Miền Trung để lấy bóng mát và lấy quả ăn. Quả làm thức ăn và làm thuốc chữa ho, đau họng, say rượu, ngứa cổ: cùi quả sấu 10g ngâm với chút muối rồi sắc nước thêm đường đủ ngọt ngày dùng 2-3 lần.
Long đởm thảo dùng thân rễ và rễ phơi khô giúp: an thần, kích thích tiêu hóa (làm thuốc bổ đắng), chữa thấp nhiệt, hoàng đản, đau mắt đỏ.
Long huyết (Huyết dụ, Thiết thụ, Phất rũ) được trồng làm cảnh và lấy lá làm thuốc chữa ho ra máu, đái ra máu, lỵ ra máu, băng huyết, sốt xuất huyết, khí hư bạch đới ...
Long kén (Dây mật, Dây ruốc cá) mọc hoang ở các vùng núi thấp và trung du, được lấy rễ làm thuốc. Rễ long kén có độc nhưng hoạt chất của nó thử trên ống nghiệm có tác dụng độc mạnh với các dòng tế bào ung thư phổi, ung thư ruột, ung thư vú. Hiện nay, mới dùng làm thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, rất hiệu quả lại không độc cho người
Long não, lá và gỗ long não để cất long não bột và tinh dầu long não làm thuốc.
Long nha thảo (Cỏ răng rồng, Tiên nha thảo) là loại cỏ sống lâu năm, mọc hoang trên các bãi đất ở độ cao từ 800m trở lên trên các vùng núi phía bắc Việt Nam từ Thanh Hóa trở ra. Phần cây trên mặt đất (thu hái lúc cây xanh tốt nhất) phơi khô chữa: ho ra máu, đái ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, băng huyết. Ngoài ra còn dùng chữa các bệnh gan, mật.
Long nhãn, dùng phối hợp với các vị thuốc khác chữa các bệnh: suy nhược thần kinh, hay quên, mất ngủ, tim đập hồi hộp, đại tiện ra máu
Long quỳ (Lu lu đực, Cà đen, Nụ áo, Thù lu đực), là cỏ dại mọc khắp nơi kể cả núi cao lấy toàn cây chữa: cảm sốt, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm họng, viêm thận cấp, viêm tiền liệt tuyến, viêm vú, chín mé, áp xe, lở loét ngoài da, bỏng, vẩy nến. Chú ý: có độc dùng thận trọng.
Long tu (Nha đam. Lưỡi hổ, Lô hội), cây nhỏ, gốc hóa gỗ, sống nhiều năm, lá mọng nước nhầy đặc(gọi là gel). Gel tươi Nha đam có nhiều công dụng quý như làm thuốc uống chữa nhiều bệnh. Thuốc bôi ngoài chữa: bỏng, sát trùng vết thương, mụn nhọt, mẩn ngứa, chống khô da, nứt nẻ. Ngậm trên răng chữa đau nhức răng, áp xe răng. Chế mỹ phẩm và thức uống bổ dưỡng. Lô hội làm thuốc chữa táo bón cấp tính
Thanh long y là vỏ quả Hồ đào (Óc chó, Hạnh đào) để chữa trẻ em chốc đầu.
Tử kim long (Củ Cốt khí), chữa các chứng xương khớp đau nhức, phế nhiệt gây ho, mụn nhọt lở loét.
Tổ rồng (Cốt toái bổ, hộc quyết), thân rễ phơi khô chữa: thận hư, tiêu chảy kéo dài, các khớp xương đau tê liệt, đau lưng, mỏi gối, ù tai, chấn thương, bong gân, tụ máu, ngã gẫy xương.
Vẩy rồng (Kim tiền thảo, Đồng tiền lông) lấy phần trên mặt đất, chữa các loại sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, đái rắt, đái buốt, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng.
Xương rồng bà (Tiên nhân chưởng), mọc hoang trên bãi cát ven biển và 1 số đảo, lấy toàn cây, cành già cạo bỏ gai, nướng chín rồi giã nát, đắp ngoài da chữa các bệnh: mụn nhọt, đầu đinh, sưng vú, viêm tuyến mang tai, sai khớp, rắn cắn. Cành non 40-80g phối hợp với lá mồng tơi, lá ớt, sắc nước uống chữa: đau vùng thượng vị, lỵ cấp tính.
Xương rồng ông (Bá vương tiên, Hóa ương lặc, rồng ba cạnh) mọc hoang khắp nơi hoặc thường được trồng làm hàng rào; nhựa, thân (không có kinh nghiệm không dùng thuốc có xương rồng ba cạnh, nhựa có độc nếu bắn vào mắt sẽ nguy hiểm): chữa đau lưng cứng xương sống: cành non giã nát sào nóng chườm hoặc đắp chỗ đau.
Cây vẩy rồng |
Thuốc nguồn gốc động vật
Cao ban long: được nấu từ gạc hươu, nai để bồi bổ cơ thể suy nhược. Chữa các bệnh chảy máu nội tạng như: ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu dạ dày, băng huyết, kinh nguyệt nhiều...Ngày dùng 5-10g.
Địa long (Giun đất, Trùn hổ) cả con giun đất đã chế biến rồi phơi hoặc sấy khô có nhiều công dụng quý, được phối hợp với các vị thuốc khác tạo thành nhiều loại thuốc hay.
Hải long (Cá ngựa, Hải mã, Thủy mã) cả con bỏ ruột, phơi khô có tác dụng ấm thận, tráng dương, kích thích sinh dục, giảm đau.
Long diên hương: (Long duyên, Long phúc hương, Long tiết), là sản phẩm tiêu hóa trong ruột 1 loài cá voi Physeter macrocephalus L khi cá bài tiết ra nổi lên mặt biển, người ta thu về làm hương liệu và làm thuốc, tên khoa học là Ambra grisea. Công dụng: Sát trùng lợi khí, trị hen suyễn, trị ho, hoạt huyết, giảm đau, chữa đau bụng, đau tim
Long y (Xà thoái), là vỏ xác lột của 1 số loài rắn lớn như: rắn ráo, hổ mang, cạp nong, cạp nia. ...có tác dụng: sát khuẩn, chống viêm, giải độc.
Thuốc nguồn gốc khoáng vật
Long cốt (Long sỉ, Hoa long cốt, Phấn long cốt, Thổ long cốt), là hóa thạch của xương một số động vật thời cổ đại như: tê giác, voi mamút, hươu, lợn rừng,.. có tác dụng chữa mồ hôi trộm, thần trí không yên, mất ngủ
Phục long can (đất lòng bếp), là đất chỗ đặt bếp đun củi hoặc rơm rạ, lâu ngày làm cho đất bị nung khô cứng có màu vàng sẫm. Công dụng: Cầm nôn, chữa phụ nữ có thai nôn mửa, cầm máu, chữa băng huyết, thổ huyết, đái ra máu.