Khoa học & Công nghệ

Xua đuổi rắn bằng chế phẩm rẻ tiền

Xua đuổi rắn bằng chế phẩm rẻ tiền là ý tưởng của ThS Nguyễn Trọng Tín, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) và các cộng sự. Chế phẩm sử dụng bột hùng hoàng (Sulfur Asen), lưu huỳnh (S), chất kết dính, phụ gia hữu cơ…

Các nhà khoa học đang quét chế phẩm xua đuổi rắn vào những vị trí rắn hay ẩn nấp, bò qua…

Tương kỵ với rắn

ThS Nguyễn Trọng Tín cho biết, mấy năm gần đây, tình trạng rắn độc nói chung và rắn lục xanh đuôi đỏ (trimeresurus albolabris) nói riêng bất ngờ bùng phát. Ngay tại Thanh Hoá, rắn lục xanh đuôi đỏ cũng đã xuất hiện nhiều khu vực, cụ thể, tại nhà máy xi măng Nghi Sơn (Hải Thượng, Tĩnh Gia), rắn ẩn nấp trong gầm giường, rắn đeo trên nóc nhà, rắn ngụ trong nhà ăn, phòng tắm… gây hoang mang, lo lắng.

Điều đáng nói các giải pháp kỹ thuật để phòng trừ rắn lại rất ít. Chủ yếu vẫn là phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo, trồng cây sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh… để xua đuổi rắn, sử dụng các bài thuốc chữa – trị rắn cắn trong dân gian…

Từ thực trạng này, ThS Nguyễn Trọng Tín và các cộng sự đã bắt tay thử nghiệm sản xuất chế phẩm xua đuổi rắn. Tác giả cho biết, hầu hết các sinh vật bậc cao, trong đó có rắn đều có cơ quan khứu giác để nhận biết các loại mùi khác nhau trong tự nhiên. Có mùi hấp dẫn với loài này nhưng lại rất khó chịu với loài kia.  Dựa theo đặc điểm sinh học đó và kinh nghiệm phổ biến trong nhân dân, tác giả đã tạo ra sản phẩm thử nghiệm Cr.12 để chống rắn.

Cr.12 không phải để tiêu diệt loài rắn theo bất kỳ cơ chế nào. Đặc điểm duy nhất của nó là tạo ra phản xạ “tương kị” với loài rắn nói chung, do vậy chúng sẽ không tiếp cận đến hoặc chủ động tránh xa. Nghĩa là Cr.12 được áp dụng theo nguyên lý “chống tiếp cận chủ động” với loài rắn. Sản phẩm là sự kết hợp giữa bột hùng hoàng, lưu huỳnh, chất kết dính, phụ gia hữu cơ…

Tác giả cho hay, hùng hoàng và lưu huỳnh đã được người dân sử dụng từ lâu để phòng trừ rắn. Các chất này có tính chất “kị” với loài rắn. Tuy nhiên, cả hai đều có tính độc, riêng hùng hoàng chứa Asen (As) vốn là một kim loại nặng, vì thế ở dạng bột, các nhà khoa học không khuyến cáo áp dụng trong điều kiện gia đình, văn phòng, công sở.

Tuy nhiên, khi sản xuất thành Cr.12, tác giả đã biến chúng thành “dạng keo”, có tính kết dính cao, không mùi, khó phát bụi, khó bị rửa trôi, khó gây độc cho người, vật nuôi, môi sinh và nguồn nước. “Do cấu tạo ở dạng bột nhão và có tính “kết dính” cao nên Cr.12 đã khắc phục được các nhược điểm hết sức quan trọng như:  khuyếch tán bụi, khuyếch tán hơi, sự rửa trôi, bảo đảm được tính an toàn tối đa khi sử dụng trong điều kiện gia đình, công sở”, ThS Nguyễn Trọng Tín khẳng định.

ThS Nguyễn Trọng Tín khẳng định, “xua đuổi” hay chủ động “chống tiếp cận”, là một biện pháp kỹ thuật mới, đã được tác giả nghiên cứu – phát triển (R&D) từ kinh nghiệm lâu đời trong dân gian.

Rẻ

Tác giả cho biết, cách dùng Cr.12 cũng khá đơn giản. Theo đó, dùng chổi quét sơn lắp cán dài, quét “đánh dấu” Cr.12 vào các vị trí rắn thường ẩn náu như: góc gầm giường, góc tủ, góc buồng, góc bếp, chuồng lợn, tóm lại là những nơi kín, tối, tĩnh lặng và ẩm ướt, mát.

Ngoài ra, rắn cũng thường ở các bờ bụi, hang hốc, trên các giàn hoa, cây bụi và cây cảnh như giàn hoa lý, hoa giấy… Dùng chổi vẩy Cr.12 vào gốc cây, lên tán cây, các hang, hốc, bờ bụi nói trên.

Trong điều kiện bóng tối và không bị rửa trôi, Cr.12 có thể duy trì hiệu lực tối đa 12 tháng, còn bình thường, Cr.12 có thể sử dụng 6- 8 tháng/lần.

Cr.12 đã được đưa vào thử nghiệm diện rộng tại Thanh Hóa, Quảng Nam… với tổng khối lượng 1,603.1kg, tương ứng với quy mô áp dụng 195,260m2. Ở tất cả các địa bàn áp dụng thử nghiệm đều cho kết quả tốt: Sản phẩm Cr.12, hiệu quả, dễ áp dụng, và có giá thành rẻ, khoảng 200.000đ/kg dung dịch dẻo.

Đặc biệt, Cr.12 không tiêu diệt hoặc gây độc cho loài rắn theo bất kỳ cơ chế nào. Kết quả này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học với các động vật hoang dã.

Đức Anh

BẢN DESKTOP