Bình luận

Xử tham nhũng, công – tội phải phân minh

Theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, không nên xem xét kiểu lấy tội trừ đi công, sau đó mới kết luận xử lý tội phạm tham nhũng. Công – tội phải phân minh.

Theo ông Ngô Văn Sửu, trong xử lý án tham nhũng, công – tội phải phân minh.

Có tội thì phải xử

Ngay trong những ngày đầu năm 2018 này, chúng ta đưa ra xét xử một loạt vụ án lớn, như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn 2); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank; hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ… Ở góc nhìn khác, có người cho rằng với những bị cáo đã từng có công trạng như ông Phùng Đình Thực hay ông Đinh La Thăng, thì nên xem xét giảm án. Công – tội lúc này dường như khó phân minh. Ông có đồng tình với ý kiến đó?

Khách quan mà nói, việc phân định thế nào là công, thế nào là tội rất khó. Cần đến những dữ liệu phức tạp mới cho ra kết luận được. Ví dụ như để xác định một người có công hay không thì phải xem xét cụ thể các việc làm, đặt trong bối cảnh ấy thế nào, tính toán hiệu quả từ công trạng ấy ra sao.

Trong khi đó, với tội, thì chỉ cần căn cứ vào luật là rõ. Ví dụ như ông Đinh La Thăng, dù có tự bào chữa là do nóng vội hay do áp lực từ trên xuống, từ dưới lên, thì so với các quy định của pháp luật, ông ấy vẫn vi phạm. Đã vi phạm là phải xử.

Nghĩa là ông rạch ròi giữa công và tội?

Khi một người lập công trạng, đồng nghĩa người đó cũng sẽ được khen thưởng, được hưởng thụ thành quả đó. Còn khi họ phạm tội, họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Hai cái này rất rạch ròi, tách bạch, không liên quan gì đến nhau. Đó là bản chất độc lập, phân minh của pháp luật. Có công thì được thưởng, có tội phải bị xử, cớ gì khi xét xử lại lấy tội trừ đi công, sau đó mới đưa ra hình thức xử phạt?

Nhưng pháp luật cũng phải có sự khoan hồng, giảm nhẹ?

Đó là dựa trên các yếu tố trong quá trình xét xử, chứ không phải là dựa trên việc lập được công trạng nên tội được giảm đi. Trước đây chúng ta cũng đã xét xử ông Vũ Ngọc Hải, lúc đó là bộ trưởng Bộ Năng lượng về những sai phạm khi làm đường dây 500KV. Đây là một công trình lớn, tầm vóc quốc gia, nhưng không vì thế mà người có sai phạm lại được bỏ qua.

Khi đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã vào tù thăm ông Hải vì ghi nhận những công trạng của ông ấy. Nhưng công ra công, tội ra tội.

Đúng là pháp luật phân minh, công tội phải rõ ràng?

Qua những đại án tham nhũng vừa qua cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công – tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó.

Đừng thỏa mãn

Là người luôn trăn trở về công tác phòng chống tham nhũng, ông nghĩ gì trước những vụ đại án tham nhũng được đem ra xét xử thời gian gần đây?

Phải nói rằng công tác phòng chống tham nhũng có những tiến bộ, nhưng chúng ta đừng vì thế mà thỏa mãn. Tội phạm tham nhũng vẫn còn nhiều lắm. Tham nhũng vặt, tham nhũng từ cấp dưới còn phổ biến lắm. Cán bộ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh tham nhũng không phải là ít, có điều ai là người bị lộ ra, và mức độ có thể cao thấp khác nhau mà thôi.

Nhưng việc chúng ta xử cả cán bộ cấp cao đương chức, cho thấy rõ ràng đâu còn vùng cấm nào?

Thế nên tôi mới nói làm được như thế là mừng, có tiến bộ, song cũng chưa có gì là ghê gớm quá. Trung Quốc vừa rồi họ xử hàng loạt quan chức tham ô tham nhũng, sai phạm, từ cấp trung ương xuống cấp tỉnh. Còn chúng ta cũng chưa làm được nhiều. Do đó, mừng vui đấy, nhưng không nên thỏa mãn.

Nếu xử nghiêm như thế mà những kẻ tham nhũng không chùn bước, thì tôi cũng “nể phục” họ thật, ông thì nghĩ sao?

Cái sợ ấy có lẽ không là gì so với những thứ mà nếu tham nhũng thành công, chúng được nhận. Tiền tỉ, nhà, xe, tài sản ngân hàng… toàn là những thứ vật chất có sức cám dỗ.

Hơn nữa, tội phạm tham nhũng lại thường cấu kết với nhau một cách vững chắc. Cái lợi ấy nó làm mờ mắt, thức dậy lòng tham, khiến họ bất chấp.

Ít người tham nhũng trắng trợn lắm!

Sự tinh vi của tội phạm tham nhũng chúng ta cũng nói đến nhiều, nhưng vì sao vẫn khó phát hiện?

Đó là bởi tham nhũng gắn với lợi ích, với bọn cơ hội chủ nghĩa. Bọn này không tham nhũng một cách trắng trợn đâu, mà chúng luôn núp dưới vỏ bọc của cái đúng.

Như đúng quy trình, đúng pháp luật, hợp lý. Chúng khôn ngoan lắm. Nếu tham nhũng trắng trợn thì dễ bị lộ. Còn núp bóng cơ hội thì khó phát hiện.

Có thể nhận diện những kẻ cơ hội không thưa ông?

Kẻ cơ hội thường có đặc điểm là vô nguyên tắc, dù bề ngoài thì luôn tỏ ra nguyên tắc lắm, đúng quy trình lắm, nhưng sẵn sàng bất chấp hết. Thứ nữa là thực dụng, làm cái gì cũng phải có lợi cho bản thân, phải kiếm chác được thì mới làm.

Cuối cùng là ngụy biện, chúng nói gì cũng được, gió chiều nào che chiều ấy. Do đó, cán bộ nếu không đủ trình độ thì không thể phát hiện ra được chúng.

Nhưng chúng có thể len lỏi trong bộ máy được, thì nghĩa là cán bộ của ta có nơi chưa thể nhận diện ra chúng?

Khó lắm chứ. Ví dụ như chạy chức chạy quyền, là phải đi từ quy hoạch cán bộ mà lên. Nếu cấp ủy không nhìn nhận đánh giá, đưa vào quy hoạch thì không thể được bổ nhiệm lên các cấp cao hơn.

Thế nhưng thời gian vừa qua, trong các vụ án được xử, không có ông cấp ủy nào phải chịu trách nhiệm cả. Nếu là tham ô, kiểm toán vào là phát hiện ra ngay. Còn cơ hội, len lỏi như thế này, khó mà tìm được.

Đó là lý do để chúng ta luôn cảnh giác và phải quyết tâm mạnh mẽ phòng chống tham nhũng?

Tôi cho rằng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn còn rất gian nan và mệt mỏi. Phải xác định đây là cuộc đấu tranh còn kéo dài  lắm. Những kẻ cơ hội vẫn len lỏi, chúng thậm chí còn nguy hiểm hơn cả tội phạm tham nhũng.

Nhiều vụ chúng kiếm chác một cách tinh vi, nhiều thủ đoạn, mánh lới, chứ không tham nhũng một cách thô thiển. Bên ngoài chúng vẫn núp dưới những cái đúng như đúng quy trình, đúng pháp luật, nhưng bên trong lại bắt tay cấu kết với nhau. Do đó, đây là cuộc chiến trường kỳ.

Xin cảm ơn ông!

Tham nhũng càng phát triển thì càng ảnh hưởng đến an nguy của dân tộc, đất nước sẽ càng nghèo đói. Xã hội sẽ ngày càng bất công, người giàu rất giàu, người nghèo rất nghèo nếu tham nhũng hoành hành. Các các bộ phải nhận thức sâu sắc được tác hại của tham nhũng để nâng cao ý thức của chính mình, trả lời câu hỏi làm cái gì và làm thế nào để chống tham nhũng. Tất nhiên không thể mong có một bộ máy trong sạch hoàn toàn, không có tham nhũng lãng phí. Nhưng ít nhất với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống thì sẽ gặt hái được những thành quả nhất định.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP