Khoa học & Công nghệ

Xử lý tảo độc Hồ Gươm thế nào?

Việc xuất hiện tảo độc ở Hồ Gươm thời gian gần đây đang đe dọa hệ sinh thái hồ. Làm thế nào để xử lý loại tảo độc này để không hủy hoại môi trường sinh thái hồ.

Tôm, cá chết vì tảo nở hoa

Sáng ngày 17/4 đến nay, người dân và du khách bất ngờ phát hiện mặt Hồ Gươm có màu xanh lam khác thường. Màu xanh này chỉ xuất hiện ở ven hồ, nhiều nhất là chỗ giáp đường Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay. Lượng tảo lam phát triển khá rộng khắp mặt hồ. Để vớt tảo, nhiều công nhân đã dùng lưới vớt rác để trục vớt tảo, tuy nhiên việc này không mấy tác dụng do tảo lam có kích thước rất nhỏ, các phương tiện trục vớt rác như lưới thông thường không thể xử lý được.

Cũng trong mấy ngày nay, GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Ứng dụng KH&CN vào đời sống đã trực tiếp quan sát thực tế quá trình phát triển của tảo lam ở Hồ Gươm. Vừa đi quan sát về, ông đã chia sẻ ngay với KH&ĐS. Theo ông, tình trạng tảo lam ở Hồ Gươm đang phát triển rất mạnh, đe dọa hệ sinh thái hồ rất nghiêm trọng.

Đây là một loài tảo độc, phát triển rất mạnh, chiếm hết oxy trong hồ nên theo quan sát của ông, một số cá, tôm, cóc trong hồ đã bị chết. Trước đây, Hồ Gươm có tảo lục tạo ra màu nước hồ đặc trưng là màu xanh lục giống như lá cây. Nhưng sau này, tảo lam phát triển lấn át tảo lục. Hơn nữa, tảo lục không nổi lên trên mặt nước như tảo lam nên người ta chỉ quan sát được tảo lam.

“Vào các thời điểm giao mùa, tảo lam sẽ nở hoa rất mạnh. Không chỉ ở Hồ Gươm mà ở tất cả các hồ khác, vào thời điểm này, tảo lam cũng nở hoa phát triển với tốc độ rất mạnh. Tảo lam là một loại tảo độc, chúng hô hấp và thải ra khí CO2, khiến nước thiếu O2 và gây nguy hại đến những loài sinh vật khác sống dưới nước. Vì loại tảo này khá nhỏ (khoảng 3-5 micromet) nên các nhân viên môi trường phải dùng loại lưới có mắt rất nhỏ từ 1-2 micromet mới có thể vợt bắt được chúng.

Tảo lam thực chất là các vi khuẩn lam khi nở hoa tạo thành các vết bẩn loang trên mặt hồ. Do tế bào của chúng có chứa cấu trúc nhân điển hình, trong tế bào có không bào khí nên dễ nổi lên mặt nước, chỉ cần gió thổi là chúng dạt về theo vệt. Nếu không tiến hành vớt, nước Hồ Gươm sẽ ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa sự sống của hệ sinh thái trong hồ”, GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết.

Nên vớt thủ công

Theo GS.TSKH Dương Đức tiến, trên thế giới có nhiều công nghệ để xử lý tảo lam. Người ta thường dồn tảo về một diện tích nhỏ rồi sử dụng sóng siêu âm để làm vỡ tế bào tảo. Nhưng khi tảo bị chết, độc tố trong tảo cũng sẽ vỡ ra và hòa vào nguồn nước hồ. Hay nói cách khác, khi tế bào tảo bị vỡ ra, độc chất sẽ chui ra hòa vào nước hồ, đồng nghĩa chỉ diệt được tảo mà không làm sạch được môi trường.

Ngoài ra người ta có thể sử dụng sunfat đồng để diệt tảo. Nhưng với Hồ Gươm, phương pháp này cũng cần phải rất cẩn trọng vì đây là một loại hóa chất, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi Hồ Gươm vừa được đầu tư nhiều tỉ đồng để làm sạch thì đây là một giải pháp khôn được ưu tiên.

“Tôi được biết ở Đại học Quốc gia Hà Nội có người đã nghiên cứu thành công dùng vi khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn tảo lam. Tuy nhiên, khi làm ở phòng thí nghiệm sẽ khác xa với làm trên thực tế. Vì Hồ Gươm rất rộng, nếu hòa nước để đổ vi khuẩn vào hồ thì nhiều khả năng sẽ ngập hồ. Do đó cũng rất khó khăn để áp dụng”, GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết.

Cách tốt nhất là trục vớt thủ công. Tuy nhiên không phải là cách trục vớt như hiện nay các công nhân đang làm. Vì nếu sử dụng lưới trục vớt rác thì chỉ làm sạch rác chứ không vớt được tảo. Vì tảo là vi khuẩn có kích thước vô cùng nhỏ nên phải có lưới chuyên dụng để vớt. Đây là cách tốt nhất để làm sạch nước hồ, không làm hỏng hệ sinh thái trong hồ, giữ gìn sự sạch sẽ, trong lành của Hồ Gươm sau khi được cải tạo.

Cũng theo GS.TSKH Dương Đức Tiến thì theo kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thì loài tảo lam này có thể gây ra bệnh tiêu chảy, hại gan, gây ra các bệnh thần kinh cho con người nếu ăn phải.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP