Tư vấn

Xử lý đúng cách khi bị rắn cắn

  • Tác giả : Khánh Ly (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Khi bị rắn cắn cần phải xử lý thế nào để nọc độc không phát tác vào cơ thể?

Hỏi: Khi bị rắn cắn cần phải xử lý thế nào để nọc độc không phát tác vào cơ thể?

Phạm Huyền Trang (Hà Nội)

TS Nguyễn Văn Sáng, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật: Khi bị rắn cắn cần phân biệt rắn độc hay rắn không độc. Nếu bị rắn độc cắn, bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau rát nghiêm trọng tại vết thương trong vòng 15 - 30 phút; vết cắn sau đó có thể sưng nề và bầm tím, đôi khi lan rộng lên khắp cánh tay hoặc chân và gây hoại tử da; có dấu hiệu buồn nôn, khó thở và cảm giác cơ thể yếu dần đi, đôi khi nạn nhân còn nhận thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng. Nếu bị rắn độc cắn, cần ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu đã được dự trữ sẵn, đặc biệt khi thấy vết thương có dấu hiệu đổi màu, bắt đầu sưng hoặc đau.

Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, nên thực hiện các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn để làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể như di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn; giữ bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc; tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên; điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện; làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý; dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

Không sử dụng băng garo cột chặt vào vùng bị cắn, cách này vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử. Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây... lên vết thương hoặc uống thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Ghi nhớ màu sắc con rắn để bác sĩ có thể nhận định loài rắn khi chữa trị.

Khánh Ly (ghi)

BẢN DESKTOP