Nhiều yếu tố gây buồn nôn
Tình trạng buồn nôn kéo dài trong ung thư giai đoạn muộn thường là do nhiều yếu tố. Các loại thuốc, bao gồm một số loại thuốc thường xuyên được chỉ định khi ung thư bước vào giai đoạn muộn như opioids (thuốc giảm đau), thuốc chống viêm không steroid và các loại thuốc trầm cảm ức chế... có thể là nguyên nhân gây buồn nôn và nôn.
Trong trường hợp sử dụng opioids, buồn nôn thường tự hết khoảng vài ba ngày sau khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nó có thể kéo dài. Buồn nôn có thể là do kết quả của quá trình tích tụ các sản phẩm chuyển hóa opioids có hoạt tính (morphine-6-glucuronide) đã được chỉ định và người bệnh suy thận có thể có nguy cơ cao hơn.
Opioids cũng thường gây ra táo bón nếu không có các biện pháp điều trị dự phòng (như biện pháp sử dụng thuốc nhuận tràng thường xuyên) và táo bón là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây buồn nôn ở người bệnh ung thư giai đoạn cuối. Các rối loạn về nhu động của dạ dày – ruột do opioids gây ra có thể làm phức tạp thêm tình trạng giảm nhu động dạ dày – ruột mà nhiều người bệnh đã có do hội chứng chán ăn – suy mòn của ung thư giai đoạn muộn gây ra. Rối loạn chức năng thần kinh tự động thường đi kèm hội chứng này làm giảm nhu động dạ dày – ruột, ăn chóng no và buồn nôn kéo dài.
Các nguyên nhân khác gây buồn nôn kéo dài bao gồm: Tăng áp lực nội sọ (do u di căn não hoặc do u não nguyên phát), các rối loạn chuyển hóa như tăng canxi huyết, giảm natri huyết và tăng urê huyết, mất nước, tắc ruột ác tính và loét dạ dày tá tràng. Buồn nôn cũng như nhiều triệu chứng khác, có thể có những xu hướng tâm lý hoạc làm buồn nôn trầm trọng hơn hoặc gây buồn nôn kéo dài.
Cẩn thận khi dùng thuốc và chất xơ
Việc đánh giá tần suất và hiệu quả của nhu động ruột cũng như những thuốc nhuận tràng là cần thiết. Tập trung vào tìm các nguyên nhân cơ bản gây nôn để lựa chọn loại thuốc chống nôn cho phù hợp. Thuốc dùng phải theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo vừa giải quyết được vấn đề vừa có thể kiểm soát được triệu chứng. Bởi nhiều thuốc chống nôn có thể gây tác dụng phụ như tụt huyết áp tư thế đứng và lú lẫn... cho bệnh nhân.
Xử lý táo bón cũng cần phải chú ý. Các biện pháp can thiệp chung bao gồm: Uống thuốc nhuận tràng đều đặn, đặc biệt là những người bệnh đang được điều trị opioids và bất cứ khi nào có thể nên loại bỏ tất cả các loại thuốc dễ gây táo bón (ví dụ như ngưng sử dụng các loại thuốc không cần thiết có tác dụng táo bón). Chế độ điều trị bằng thuốc nhuận tràng dự phòng bao gồm các chất làm mềm phân như docusate và các chất kích thích ruột như sennoside. Đôi khi có thể cho thêm lactulose.
Các chế độ điều trị này cần được xem xét và điều chỉnh liều đều đặn, tùy theo nhu động ruột. Chế độ ăn giàu chất xơ có thể khó áp dụng cho người bệnh ung thư giai đoạn muộn.
Các can thiệp điều trị trong xử trí thường quy chứng táo bón có thể là các thuốc uống hoặc dùng qua đường trực tràng. Các loại thuốc nhuận tràng uống bao gồm các chất xơ, các loại thuốc thẩm thấu, thuốc xổ tiếp xúc và các loại thuốc rửa đại tràng. Các thuốc muối nhuận tràng như muối natri, muối magiê có thể hữu ích trong điều trị táo bón. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng muối natri nhuận tràng cho người bệnh suy thận hoặc suy tim.
Các dầu thụt đôi khi được sử dụng, nhưng có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ các loại vitamin tan trong mỡ và đặc biệt còn có nguy cơ gây viêm phổi ở những người bệnh bất động. Việc sử dụng thuốc thụt và các viên đạn thường chỉ dành cho điều trị cấp và ngắn hạn các đợt táo bón nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, người bệnh có các vấn đề về ruột do nguyên nhân thần kinh (ví dụ như các người bệnh bị ép tủy không hồi phục) thường cần đến các viên đại đều đặn như một phần trong quá trình chăm sóc ruột. Dùng thuốc qua đường trực tràng bị chống chỉ định khi người bệnh bị tổn thương niêm mạc/thành ruột.
BS Tuấn Anh (Bệnh viện K)