Dữ liệu y khoa

Xót xa 22 năm chịu đựng bệnh vẩy nến

  • Tác giả : Bạch Dương
(khoahocdoisong.vn) - Bị mắc bệnh từ khi lọt lòng, chàng trai Nguyễn Xuân An đã phải chịu đựng các mảng vẩy nến trên khắp cơ thể suốt 22 năm ròng.
Báo Khoa học & Đời sống tặng quà cho gia đình Trung tá Nguyễn Xuân Hà

Báo Khoa học & Đời sống tặng quà cho gia đình Trung tá Nguyễn Xuân Hà

Sinh ra đã mắc bệnh

Nhân dịp tổ chức chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” cho các chiến sĩ Lữ đoàn 171 hải quân, Báo KH&ĐS đã đến thăm và tặng quà cho vợ con Trung tá Nguyễn Xuân Hà – chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1.

Trong căn nhà đơn sơ, chị Đoàn Thị Hoa, vợ Trung tá Nguyễn Xuân Hà chia sẻ, khi mới sinh, Xuân An đã nổi những vết lạ trong miệng nhưng lúc đó bác sĩ nói là bị tưa lưỡi. Mấy năm sau, các nốt bắt đầu nổi nốt trên tay, chân và bệnh trở nặng khi bé học lớp 7 với các mảng da đỏ nổi khắp người. Suốt từ đó cho đến nay, gia đình đã đưa con đi khắp các bệnh viện, thử qua đủ các loại thuốc Đông, Tây y nhưng tình trạng vẩy nến của Xuân An không thuyên giảm. Có lúc bị dùng sai thuốc khiến da của con nứt nẻ, các đầu móng tay đều tróc vảy, tổn thương.

Vẩy nến lan từ chân tay

Vẩy nến lan từ chân tay

Vẩy nến bám từng mảng từ chân lên đến mặt Xuân An khiến chàng trai có phần mặc cảm. TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, vẩy nến là bệnh da mãn tính, hay tái phát, biểu hiện bệnh là đỏ da, tróc vảy một số vùng da tì đè nhiều (đầu gối, cùi chỏ, da đầu, nếp mông, lưng) hoặc toàn thân. Vẩy nến còn làm tổn thương móng tay, chân, làm cho móng sù sì, tăng sừng, đổi màu nhìn rất xấu. Đặc biệt sẽ có 10-30% người mắc vảy nến diễn tiến sang viêm khớp vảy nến (đau, sưng, cứng các khớp).

Lan khắp mặt và đầu bệnh nhân

Lan khắp mặt và đầu bệnh nhân

Quảng cáo chữa khỏi hoàn toàn bệnh vẩy nến là lừa đảo

Bệnh vẩy nến gặp ở cả nam, nữ và ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, có hai đỉnh tuổi phát bệnh nhiều là trước 20 tuổi (khởi phát lúc trẻ) và khi 40-60 tuổi (khởi phát lúc già). Vẩy nến khởi phát ở người trẻ thường nặng hơn so với người lớn tuổi và khó kiểm soát, khó điều trị do liên quan đến di truyền nhiều hơn.

Đến nay y học chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng bệnh khởi phát do có sự tương tác giữa yếu tố di truyền và một số yếu tố bên ngoài. Mối tương tác này tạo ra sự rối loạn hệ thống miễn dịch của người bệnh, khiến hệ thống này bị kích thích, làm cho da tăng sản xuất vẩy.

Bình thường khoảng 4 tuần da người sẽ thay mới một lần, khi đó vẩy trên da sẽ bong ra nhưng ta không thấy được. Nhưng ở người vẩy nến, tốc độ sản xuất vảy nhanh gấp nhiều lần người bình thường khiến lớp da trước bong ra chưa hết thì lớp da sau đã tróc ra và tích tụ lại tạo ra vẩy, kết hợp với quá trình viêm, làm cho da bị đỏ hồng lên.

Khi bị vẩy nến, tùy theo mức độ nặng nhẹ và thể bệnh, bác sĩ da liễu sẽ chỉ định phương pháp, thuốc điều trị thích hợp. Nếu nhẹ chỉ dùng thuốc bôi, nặng thì thuốc uống và bôi, có khi kết hợp chiếu tia cực tím, thuốc tiêm. Gần đây có thêm nhóm thuốc sinh học có tác dụng kiểm soát vẩy nến tốt hơn.

“Dù là phương pháp gì, người bệnh cần xác định phải kiên trì điều trị lâu dài, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Xong điều trị tấn công phải đến điều trị duy trì cho đến khi bệnh ổn mới dừng thuốc. Nếu được điều trị hợp lý và người bệnh tuân thủ tốt, có thể kiểm soát lâu dài vẩy nến, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh” - TS Hào lưu ý.

Theo TS Hào, do là bệnh mãn tính, chưa có thuốc điều trị dứt hẳn nên người bị vẩy nến cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu hướng dẫn, tư vấn kỹ để hiểu rõ bệnh, hợp tác điều trị tốt. Nếu không được tư vấn đầy đủ, người bệnh dễ chán nản và tìm đến nơi điều trị không chính thống, quảng cáo chữa dứt hẳn bệnh nhưng thực chất là cho người bệnh dùng thuốc có thành phần corticoid (dạng bôi, chích, uống) không đúng và không có kiểm soát.

Da nứt nẻ do dùng thuốc sai

Da nứt nẻ do dùng thuốc sai

Corticoid sẽ ức chế miễn dịch làm cho bệnh giảm ngay nhưng được một thời gian bệnh sẽ bùng phát dữ dội, làm cho vảy nến lan rộng nhiều hơn, xuất hiện thể vảy nến nặng, cấp tính hơn như vảy nến mủ, vảy nến đỏ da toàn thân, vảy nến khớp. Về lâu dài gây ra hiện tượng teo da, giãn mạch, hội chứng cushing, rối loạn chuyển hóa...

“Dù y học rất phát triển, có nhiều thuốc mới trị vẩy nến nhưng bệnh này hiện chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn hoàn toàn. Cơ sở nào, cá nhân nào quảng cáo là trị dứt điểm vẩy nến đều không tin được” - TS Nguyễn Trọng Hào khẳng định.

Về trường hợp của Nguyễn Xuân An, TS Nguyễn Trọng Hào cho biết, hiện đã có phác đồ điều trị khá hiệu quả, có thể làm sạch toàn bộ lớp vẩy trên da và ngăn ngừa tái phát. Bệnh viện Da liễu TPHCM khẳng định sẽ hỗ trợ hết sức trong việc điều trị căn bệnh này cho Xuân An để bạn tự tin hơn trong cuộc sống, đồng thời phần nào giúp Trung tá Nguyễn Xuân Hà yên tâm bám biển, thực hiện tốt nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1.

Bạch Dương

BẢN DESKTOP