Y học và đời sống

Xoan rừng chữa bỏng

Cây xoan rừng mọc hoang dại ở nhiều nơi vùng núi phía Bắc, cũng thường được bà con dân tộc trồng. Vỏ thân và vỏ rễ cây có tác dụng trị bỏng lửa, mụn nhọt lở loét, bệnh sa nang. Rễ, lá dùng trị tiêu hóa kém, cam tích. Hạt trị bệnh sa nang.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/cay-xoan-rung-300x225.jpg

Cây xoan rừng.

Cây xoan rừng còn có tên gọi xoan trà, xoan nhừ, lát xoan, xuyên cóc, nam toan táo. Tên khoa học Choerospondias axillaris (Roxb.) Burtt et Hill, thuộc họ Ðào lộn hột – Anacardiaceae.

Cây thân gỗ lớn cao 8 – 20m, có lá rụng vào mùa khô. Lá kép lông chim lẻ, dài 20 – 30cm, rộng 5 – 10cm; lá chét 7 – 15, mọc đối, dài 4 – 10cm, rộng 2 – 4,5cm, có cuống ngắn, tròn, màu lục. Chùy hoa cao 20cm ở ngọn cành hay nách lá; hoa nhỏ, tạp tính; cánh hoa 5, cao 3mm; nhị 10, có đĩa mật, bầu 5 ô. Quả hạch cứng; hình trái xoan dài 2 – 3cm, màu vàng, có 5 ô, chủ yếu ở phần trên.

Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ thân và quả. Xoan rừng phấn bố nhiều ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang dại ở nhiều nơi vùng núi phía Bắc, cũng thường được bà con dân tộc trồng. Thành phần hóa học của xoan rừng có tanin ở vỏ thân 13,7%; ở gỗ thân 1%; ở vỏ rễ 44,8% và gỗ rễ 1,9%; ở lá 2,5%. Vỏ thân còn chứa flavon, quinon, gôm nhựa, dầu béo.

Theo Đông y, xoan rừng quả có vị chua, ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu viêm, giải độc, chỉ huyết chỉ thống, trợ tiêu hóa. Vỏ thân có vị chua, tính hàn; có tác dụng kháng khuẩn với tụ cầu vàng và Bacillus subtilis. Vỏ rễ cũng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ huyết, chỉ thống. Hạt có tác dụng chỉ thổ.

Xoan rừng được chỉ định và phối hợp điều trị một số bệnh như: Quả trị tỳ vị hư yếu, ăn uống không tiêu đau bụng, ngoại thương xuất huyết. Vỏ thân và vỏ rễ trị bỏng lửa, mụn nhọt lở loét, bệnh sa nang. Rễ, lá dùng trị tiêu hóa bất lương (kém), cam tích. Hạt trị bệnh sa nang.

Bà con dân tộc thường dùng xoan rừng nấu cao (10kg vỏ nấu lấy 400ml cao đặc) đẻ bôi lên vết bỏng, tạo ra một màng che phủ mềm mại, không bị nứt rạn và bám chặt vết thương. Người dân ở các địa phương có xoan rừng thường dùng vỏ và quả để chữa bỏng.

Bệnh viện Bắc Thái đã nấu cao nước vỏ xoan rừng để chữa bỏng, và viện Quân y 103 đã phát triển thêm từ năm 1973. Hiện nay, vỏ xoan rừng đã được dùng ở nhiều cơ sở điều trị.

TTƯT Lê Hữu Tuấn

(Bệnh viện Y học Cổ truyền T.Ư)

BẢN DESKTOP