Y học và đời sống

Xoắn buồng trứng nguy hiểm như thế nào?

  • Tác giả : Thu Giang (T/H)
Mới đây, các bác sĩ BVĐK tỉnh Tuyên Quang vừa mổ nội soi, tháo xoắn bảo tồn thành công phần phụ (gốm buồng trứng và vòi tử cung) cho một bé gái 5 tuổi ở TP Tuyên Quang.

BSCK II Lê Minh Hải, Phó trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang (trưởng kíp mổ cho bệnh nhi) cho biết: Xoắn phần phụ là trường hợp buồng trứng bị xoắn (đôi khi xoắn cả ống dẫn trứng) gây gián đoạn sự cung cấp máu và gây thiếu máu cục bộ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây xoắn buồng trứng

Theo các bác sĩ, buồng trứng bị xoắn ở nữ giới không loại trừ độ tuổi nào, từ sơ sinh cho đến phụ nữ tiền mãn kinh đều có thể mắc phải. Tuy nhiên,phổ biến nhất là ở độ tuổi từ 20 - 40 tuổi.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như:

U nang buồng trứng, u nang bì (u quái), u nang đơn thuần, u nang xuất huyết, kích thước u càng lớn, nguy cơ càng cao.

Bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật ở vùng tiểu khung, chậu hông cũng có nguy cơ xoắn buồng trứng.

Phụ nữ được kích thích buồng trứng có nguy cơ xoắn buồng trứng cao hơn,

Phụ nữ khi mang thai có u nang buồng trứng, nồng độ hormone cao hơn bình thường làm cho các dây chằng xung quanh giãn ra, xoắn vào buồng trứng. Đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, đây cũng là thời điểm dễ bị xoắn buồng trứng.

Triệu chứng của xoắn buồng trứng

Tình trạng xoắn buồng trứng sẽ ngăn chặn máu lưu thông buồng trứng và vòi trứng, làm chết các mô xung quanh buồng trứng, dẫn đến hoại tử buồng trứng. Nhiều trường hợp hoại tử nghiêm trọng cần phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.

Xoắn buồng trứng có triệu chứng lâm sàng không rõ ràng và đa dạng phụ thuộc vào thời gian, vị trí, mức độ và tần suất xoắn. Các dấu hiệu của xoắn buồng trứng có thể kể đến như:

Cơn đau dữ dội và bất ngờ ở vùng chậu: Đau thường liên tục hoặc đôi khi là từng cơn. Triệu chứng đau thường không đỡ khi dùng các loại thuốc giảm đau thông thường. Trong các trường hợp buồng trứng tự tháo xoắn, cơn đau có thể dịu đi; Nôn và buồn nôn; Sốt thường ở giai đoạn muộn.

Tuy nhiên, các dấu hiệu này này tương tự các bệnh sỏi thận, viêm ruột thừa, viêm đường tiết niệu, viêm dạ dày ruột nên rất khó chẩn đoán.

Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng khác như khó tiêu, táo bón, phù chi dưới làm cho sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh gặp nhiều khó khăn. Vì thế, cần đến gặp bác sĩ để thăm khám mỗi khi phát hiện những triệu chứng bất thường như trên.

Xoắn buồng trứng không chỉ gây đau đớn cho người mắc phải mà còn gây nhiễm trùng nặng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thậm chí là tính mạng của phái nữ.

Biến chứng lớn nhất của xoắn buồng trứng là hoại tử buồng trứng phải phẫu thuật cắt bỏ, làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con sau này của chị em phụ nữ. Nhưng nếu không cắt ổ xoắn sẽ gây nhiễm trùng nặng hoặc gây áp xe và viêm phúc mạc.

Sau khi làm phẫu thuật cắt buồng trứng cần tuân theo những biện pháp của bác sĩ để giảm nguy cơ tái phát và tránh các yếu tố nhiễm trùng của các dây chằng xung quanh buồng trứng.

Thu Giang (T/H)

BẢN DESKTOP