Chữa bệnh không dùng thuốc

Xoa bóp bấm huyệt chữa viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai là bệnh lý khá phổ biến

Ths Trần Thị Thanh Bình hướng dẫn học viên.

Triệu chứng cơ bản nhất của tình trạng viêm quanh khớp vai là người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng vai và hạn chế vận động vùng khớp vai. Những hoạt động như chải tóc, xoay vai, vòng tay ra sau hay nhấc tay lên cao đều khó thực hiện được. Lâu dần bệnh có thể đau lan lên cổ hoặc lan xuống cánh tay. Bệnh thường gặp ở những người cao tuổi, đa số là nam giới và một số người trẻ chơi môn thể thao.

Đây là tình trạng viêm các tổ chức phần mềm quanh khớp vai như viêm màng khớp, gân và dây chằng quanh khớp, cơ nhị đầu, cơ tam đầu, cơ delta… Trong Đông y, viêm quanh khớp vai còn gọi là kiên tỷ thống. Bệnh do phong – hàn – thấp kết hợp với nhau làm bế tắc sự vận hành khí huyết mà gây đau nhức hoặc do sang chấn gây huyết ứ lâu ngày mà sinh bệnh.

Xoa bóp bấm huyệt là một trong những phương pháp góp phần giảm đau, giúp cho khớp vai vận động linh hoạt hơn. Phương pháp này rất hiệu quả đối với thể viêm quanh khớp vai do lạnh, do thoái hóa đốt sống cổ nhưng chưa có sự chèn ép thần kinh, do chấn thương vùng vai nhưng không có tổn thương khớp.

Đặc biệt, khi bệnh ở giai đoạn đầu với biểu hiện đau nhẹ vùng quanh vai thì phương pháp xoa bóp có tác dụng cắt giảm cơn đau rất nhanh. Người bệnh nên thực hiện đều đặn ngày 1- 2 lần trong vòng khoảng 1 tuần là khỏi. Làm tốt, 2 ngày triệu trứng đau đã thuyên giảm đáng kể.

Day bấm huyệt chữa viêm khớp vai.

Để chữa viêm quanh khớp vai, ta dùng tay xoa xát, day bấm quanh bả vai các cơ nhị đầu, cơ delta, cơ tam đầu, cơ dưới gai, cơ trên gai, xung quanh xương bả vai. Sau đó day bấm các huyệt kiên ngung, kiên tỉnh, kiên trung du, kiên ngoại du, phế du, kiên tông, cự cốt, nhu du, kiên trinh, tí nhu, vân môn hướng vào khớp vai, trung phủ. Khi thực hiện, người bệnh ngồi trên ghế tựa, người chữa đứng bên cạnh, lần lượt làm các thủ thuật sau:

Bước 1: Xoa xát, day ấn xung quanh vùng vai bị viêm. Dùng lực tay đằng sau để làm điểm tựa cho vai bệnh nhân, dùng tay trước ấn xoay tròn quanh khớp vai. Đổi ngược lại, dùng tay trước đỡ, tay sau lưng day ấn. Dùng ngón trỏ xoay ấn cơ trên gai, cơ dưới gai, xung quanh xương bả vai. Nắm bàn tay lại, lấy phần mềm day ấn lăn quanh khớp vai. Các động tác này nhằm mục đích cho các cơ mềm ra.

Bước 2. Lần lượt day ấn các huyệt: kiên ngung, kiên tỉnh, kiên trung du, kiên ngoại du, phế du, kiên tông, cự cốt, nhu du, kiên trinh, tí nhu, vân môn (hướng vào khớp vai), trung phủ. Mỗi huyệt dùng ngón cái day ấnkhoảng 3 – 5 phút.

Bước 3: Dùng ngón tay cái ấn vào điểm đau nhất của người bệnh với một lực mạnh thích hợp.

Bước 4: Sau khi day ấn thì làm các động tác chặt, đấm, bóp, vờn, rung, vò xát, nâng vai. Chú ý 2 tay đấm, bóp, chặt cùng một nhịp, phối hợp day ấn, đỡ ấn nhịp nhàng. Để tay bệnh nhân lên vai mình để có điểm tựa thực hiện thao tác dễ dàng hơn.

Vị trí các huyệt quanh khớp vai.

Quay tay, rung lắc vai: Người chữa một tay cố định trên khớp vai bị đau, tay kia nắm cổ tay bệnh nhân quay vòng từ từ tăng dần từ nhẹ đến mạnh mỗi chiều khoảng 10 vòng.

Trấn động vai: Một tay người chữa cố định trên khớp vai bị đau của người bệnh, tay kia nắm lấy cổ tay bệnh nhân vừa kéo dãn vừa rung trong khoảng vài chục giây, thực hiện như vậy 3-5 lần.

Vò xát vai: Người chữa lấy hai bàn tay vò xát khớp vai người bệnh đến khi nóng lên là được.

Nâng vai: Một tay người chữa nắm vào khớp vai của người bệnh, tay kia cầm vào cổ tay bên vai đau của người bệnh nâng về phía trước lên cao quá đầu rồi đưa về phía sau, hoặc đưa về phía ngực. Chú ý kéo căng cơ từ từ nhẹ nhàng.

ThsBS Trần Thị Thanh Bình

(Trưởng bộ môn Y học lâm sàng, Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh)

BẢN DESKTOP