Tư vấn

Xét nghiệm máu phát hiện sớm ung thư phổi

  • Tác giả : Bảo Châu (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Tôi nghe nói ở Việt Nam hiện đã có công nghệ xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổi có đúng không?

Hỏi: Tôi nghe nói ở Việt Nam hiện đã có công nghệ xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổi có đúng không?

Lê Đức Phiến (Hà Nội)

PGS.TS Bùi Thanh Tùng, Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội: Một loại chip vi lưu (microfluidic) phát hiện sớm tế bào ung thư biểu mô phổi ở người đang được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tập trung vào một dạng tế bào ung thư phổi là A549. Dựa trên nguyên lý bắt cặp ổ khóa-chìa khóa, họ chế tạo ra các đầu dò sinh học (aptamer) khớp được với tế bào bệnh A549 nhưng không nhận biết nhầm tế bào phổi lành. Kết quả thử nghiệm với các mẫu chuẩn in vitro cho thấy thiết bị có độ đặc hiệu 95% và độ nhạy 500 tế bào/ml. Thời gian xét nghiệm khoảng 10 - 12 phút, chưa kể các bước tiền xử lý có thể lên tới 1 giờ.

Có kích thước tương đương một chiếc USB thông thường, phòng thí nghiệm trên con chip (Lab-on-a-chip) này sử dụng công nghệ vi lưu để bơm một lượng mẫu xét nghiệm nhỏ vào các kênh dẫn tới buồng phản ứng có đường kính 500 micromet (tương đương gấp 5 lần đường kính sợi tóc), chứa các chế phẩm sinh học đặc hiệu để bắt cặp với các tế bào ung thư phổi có trong máu. Sử dụng nguyên lý đo điện dung vi sai giữa các điện cực, cảm biến trở kháng của hệ thống sẽ đo xem trong buồng phản ứng có bao nhiêu liên kết bắt cặp, từ đó xác định được lượng tế bào A549 có trong mẫu xét nghiệm.

Nhưng giống như các công nghệ mới khác, các thiết bị này sẽ cần thử nghiệm trên rất nhiều bệnh phẩm để có thể được công nhận. Thách thức ở nhiều nơi trên thế giới bây giờ là đưa sinh thiết lỏng trở thành một công cụ lâm sàng tiêu chuẩn. Việc thiếu các tiêu chuẩn hóa lâm sàng và tiền lâm sàng đến nay đã khiến số lượng thử nghiệm ung thư thực tế rất ít ỏi.

Bảo Châu (ghi)

BẢN DESKTOP