Y học và đời sống

Xét nghiệm máu chẩn đoán ung thư có chính xác - kỳ 3: Chỉ số ung thư giả - thật đúng được bao nhiêu?

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Không thể dựa vào một chỉ số xét nghiệm máu có dấu ấn UT mà hoang mang. Dấu ấn UT có tin cậy được không, cần dựa trên cả: độ nhạy, độ đặc hiệu và quy luật phát triển theo thời gian.

UT phát triển sinh chất chỉ điểm vào máu

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ tịch Hội UT Việt Nam cho biết, để khẳng định UT phải xét nghiệm mô bệnh học. Các chỉ số dấu ấn UT mắc cao trong máu có tác dụng gợi ý được gọi là những chất chỉ điểm sinh học.

Đây là những chất được các tế bào UT tổng hợp ra và thường thì không thấy hoặc thấy với số lượng rất thấp ở các tế bào lành mạnh. Hiện nay người ta tìm được khoảng 50 chất chỉ điểm sinh học của ung thư, nhưng chỉ có khoảng chừng 10 loại được dùng để phát hiện sớm UT hoặc để theo dõi quá trình điều trị.

Chằng hạn, kháng nguyên AFP tăng cao trong UT gan hoặc UT tinh hoàn. Kháng nguyên CEA cho phép nghĩ đến các UT ống tiêu hóa  hoặc UT vú. Kháng nguyên VCA được tìm thấy trong UT vòm họng. Việc đo HCG được dùng để theo dõi các trường hợp thai trứng cũng như hướng dẫn chẩn đoán và điều trị carimôm (UT biểu mô) màng đệm.

Xác định DOPA, dopamin trong u hắc tố ác tính. Tìm protein Bence Jones trong bệnh u tương bào. Xác định Photphattaza axit trong UT tuyến tiền liệt. Mức độ photphattaza kiềm tăng trong huyết thanh thường thấy ở các di căn xương. CA-153 thường tăng cao trong UT vú. Và một số chất chỉ điểm sinh học mới tìm ra, trong đó CA 125 là có giá trị ở UT buồng trứng vì 80% phụ nữ bị bệnh này có chất đó ở mức độ cao...

Tương tự, BS Phan Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Medic Hòa Hảo cho biết, khi tế bào UT phát triển sẽ sinh ra một số chất vào trong máu. Xét nghiệm máu tìm UT có dấu ấn sinh học hoặc dấu ấn UT trong máu. Người ta dùng nó như phương tiện phát hiện, sàng lọc UT tiền liệt tuyến, bao tử, tụy tạng, máu… và một số UT khác như gan, phổi, tế bào hắc tố (nốt ruồi đen), buồng trứng…

Xét nghiệm này có khả năng phát hiện UT từ giai đoạn rất sớm. Do đó khi nồng độ một chất nào đó tăng cao thì sẽ chỉ điểm một người nào đó có thể bị ung thư. Ví dụ, CEA là chất chỉ điểm UT của nhiều loại bệnh. CEA tăng cao trong cơ thể người trưởng thành rất có thể là dấu hiệu của một loại bệnh UT đại tràng, thực quản, dạ dày; CA 125 tăng cao chỉ điểm UT buồng trứng....

Tuy nhiên, theo BS Phan Thanh Hải, xét nghiệm máu không thể hiện 100% bản chất ung thư, vì có thể cho kết quả dương tính giả do máu có những chất tương đồng với khối u. Để xác định có khối u UT hay không, thường phải làm lại xét nghiệm sau một thời gian ba, sáu tháng…

Nếu đúng là có khối u UT thì các chỉ số này càng tăng theo tỷ lệ kích thước khối u. Khi các chỉ số nhích lên sẽ kết hợp với các chẩn đoán hình ảnh khác để xác định “đối tượng”. Ví dụ chụp CT toàn thân, chụp hình cộng hưởng khuếch tán toàn thân phát hiện UT giai đoạn rất sớm. Nếu là dương tính giả, chỉ số sẽ vọt lên rồi sụt xuống.

Lấy máu xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư

Lấy máu xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư

Dấu ấn UT có ý nghĩa: Phát hiện, định hướng, chỉ báo nghi ngờ ung thư; Xác nhận bản chất khối u; Định lượng loại ung thư; Theo dõi kết quả điều trị sau mổ, sau hóa trị, xạ trị...;Tìm tái phát, di căn... một trường hợp UT sau điều trị.

Độ đặc hiệu không cao

BS Phan Thanh Hải cho biết, xét nghiệm máu tìm dấu ấn UT được coi là một phương pháp giúp phát hiện sớm ung thư. Tuy nhiên, độ chính xác của phương pháp này lại không cao. Bởi các chỉ số này không chỉ do khối u tiết ra mà còn có thể bị ảnh hưởng của các bệnh lý khác, do thuốc, chế độ ăn, uống... Hơn nữa, các xét nghiệm tìm dấu ấn UT đều là những công trình nghiên cứu từ các nước châu Âu, châu Mỹ.

Những nghiên cứu này thực hiện trong điều kiện, môi trường của người dân ở quốc gia đó hoặc châu lục đó nên chưa chắc đã thích hợp khi áp dụng ở điều kiện Việt Nam vì gen, thể tạng của người Việt Nam khác, việc ăn uống, môi trường, điều kiện sống cũng khác. Đơn cử những người thường ăn đậu hũ khi xét nghiệm máu có thể ra chỉ số CA 15-3 rất cao, nhưng truy tìm bằng đủ phương khác mà không thấy UT đâu....

Dấu ấn UT là chỉ báo, như là dấu ấn của bước chân UT mà ta lần theo để tìm ra UT ở đâu, có hay không. Vì dấu ấn là định lượng chất sinh học trong máu nên có thể thay đổi theo từng người, tuổi, chủng loại... Vì vậy, các test kit định lượng dấu ấn UT phải dựa theo độ nhạy của test kit, nồng độ giới hạn âm tính để xác định khi nào là test dương tính. Vì là định lượng nên nó tùy thuộc số tế bào UT tiết ra... Khi số tế bào đông thì nồng độ cao, và còn một yếu tố rất quan trọng là tế bào UT đó có tiết ra chất đó không!

Vì vậy, khi phát hiện nồng độ cao chưa hẳn là ung thư, còn xét nghiệm âm tính (vì nồng độ ít) cũng chưa hẳn là không có UT mà có thể ở giai đoạn sớm. Và Đáng lo nhất là hiện tượng âm tính giả, tức là có UT nhưng không phát hiện được, ví dụ UT gan không tiết AFP vào máu. Đây là vấn đề nan giải, vì đôi khi bệnh nhân tưởng mình không bệnh, nhưng thật ra bệnh vẫn âm thầm phát triển. Cho nên chẩn đoán UT phải được bác sĩ có trình độ chuyên khoa bàn luận dựa theo bối cảnh lâm sàng.

Định lượng nhiều chất

BS Cao Hồng Phúc, Giảng viên học viện quân y 103 cho biết, khi xét nghiệm thấy một chỉ số cảnh báo UT tăng cao nên lo lắng thái quá. Các chỉ số đó thực chất là đo hàm lượng protein thải ra của tế bào ung thư. Mỗi một loại UT thường có chất nhận biết khác nhau. Tuy nhiên, có chất lại là dấu ấn cảnh báo của nhiều loại UT khác nhau.

Chẳng hạn, CEA là một loại protein thường thấy trong mô của thai nhi, tuy nhiên nồng độ của loại protein này thường bị mất đi sau khi đứa trẻ ra đời. Do vậy nếu nồng độ CEA tăng cao trong cơ thể người trưởng thành rất có thể là dấu hiệu của một loại bệnh ung thư, đặc biệt là UT đường tiêu hóa.Tuy nhiên, chỉ mình chỉ số CEA không nói lên điều gì cả.

Nồng độ CEA trong máu cao hơn mức bình thường cũng có nguyên nhân từ các bệnh UT  khác như UT hệ sinh dục, UT đường tiết niệu, UT vú, UT phổi – tuyến tuỵ - vú – tuyến giáp.... Đặc biệt, khi không phải UT mà do một số nguyên nhân khác như: xơ gan, các loại bệnh gan, viêm túi mật – túi thừa, viêm phổi – tuỵ, các bệnh viêm nhiễm ở ruột, loét dạ dày hoặc do bệnh nhân nghiện thuốc lá... CEA cũng tăng cao.

Mức độ tăng cũng biểu hiện bệnh lý khác nhau. Chẳng hạn, tăng 50% liều lượng CEA/1l máu: UT đại tràng, trực tràng; tăng 30% UT vú; tăng 29% UT phổi; dao động từ 10 – 29%: các bệnh về gan, túi mật – túi thừa, viêm phổi, viêm tuỵ, các bệnh viêm nhiễm ở ruột và dạ dày hoặc UT hệ sinh dục, UT đường tiết niệu, UT tuyến giáp, tuyến tuỵ...

Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào chỉ số CEA muốn khẳng định UT vú hoặc UT đại tràng, dạ dày...là hoàn toàn sai lầm. Muốn xác định loại UT phải xác định tìm chỉ dấu cảnh báo từ 2 -3 chất trở lên. Chẳng hạn, với UT dạ dày ngoài CEA cần xét nghiệm CA 72 – 4 và enzym Pepsin...

Hơn nữa, kể cả khi các chỉ số này đều cao thì cũng chỉ có 80% là đúng UT còn lại không phải vì các protein này hoạt động trên nguyên lý không trực tiếp mà  mà gián tiếp phản ứng vào máu trong khi nhiều chất khác cũng phản ứng với máu gây nên sự biến đổi này. Vì vậy, định hướng 1 tổ chức UT cần định hướng từ 3 chất trở lên.

Các xét nghiệm cảnh báo loại bệnh ung thư:

- CEA: tìm dấu ấn UT đường tiêu hoá: UT thực quản, dạ dày, gan, tụỵ, đại trực tràng

- Alpha FP (AFP): UT gan

- CA 19 - 9: UT tụy, đôi khi ống dẫn mật, túi mật, dạ dày, đại tràng

- CA 72 - 4: UT dạ dày.

- Cyfra 21 - 1: UT phổi

- CA 15 - 3: UT vú

- CA 125: UT buồng trứng, UT cổ tử cung và theo dõi điều trị. Chỉ số CA125 tăng ở một số UT khác: tụy, dạ dày, trực tràng, phổi. Ngoài ra, CA 125 cũng có thể tăng trong một số trường hợp viêm nhiễm.

- SCC: tế bào vảy, có ở phổi, vòm họng, tử cung, buồng trứng

- PSA: UT tiền liệt tuyến.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP