Y học và đời sống

Xét nghiệm máu chẩn đoán ung thư có chính xác? Kỳ 1: Hốt hoảng vì ung thư hóa ra “mộng vối”

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người hốt hoảng khi xét nghiệm máu thấy chỉ số cảnh báo ung thư (UT) tăng vọt nhưng kết quả xét nghiệm lại không bị ung thư. Trong khi đó có người có biểu hiện UT nhưng kết quả xét nghiệm máu lại “âm tính”. Vậy có nên tin vào chỉ số xét nghiệm máu khi chẩn đoán ung thư? Làm cách nào phát hiện sớm ung thư?

Thần chết đã gõ cửa nhà tôi

Sau hơn hai năm bị “thần chết ngõ cửa” trò chuyện cùng chúng tôi, anh Đoàn Ngọc Phố, 60 tuổi vừa nghỉ hưu tại VTV Đà Nẵng vẫn chưa hết sợ hãi. Anh kể, năm 2016, khi anh đang đi công tác thì đột nhiên nhận được một cú điện thoại lạ từ một người bác sĩ sinh thiết tên Định thuộc bệnh viện Tâm Trí mời anh đến bệnh viện gấp để kiểm tra lại toàn bộ sức khỏe cần thiết. Bởi trước khi đi công tác anh đã gởi mẫu máu và nước tiểu để xét nghiệm, thăm khám bệnh theo định kỳ của cơ quan. 

Khi biết anh đi công tác phải 8-9 ngày nữa mới về, bác sĩ đã đề nghị anh khi nào về thì đến bệnh viện gấp. Anh gặng hỏi bác sĩ về kết quả xét nghiệm nhưng bác sĩ dấu không nói rõ thực hư thế nào nên anh càng sốt ruột. Thuyết phục mãi để bác sĩ nói thẳng anh không sao, anh mới được biết kết quả: Xét nghiệm máu cho biết anh có thể anh bị UT dạ dày. Bác sĩ bảo anh cần phải nội soi dạ dày, sinh thiết...để xác định chắc chắn.

Anh Phố cười, nói là không sao nhưng lúc đó nghe tin đó anh rụng rời chân tay, cảm giác mặt mũi tái nhợt, giọng nói lạc hẳn...Anh hỏi tiếp bác sĩ yếu tố xét nghiệm là gì thì được biết trong xét nghiệm máu của anh chỉ số Ca72-4 tăng cao đột biến (Ca72-4 là dấu ấn UT dạ dày) bình thường khoảng gần 6 nhưng của anh là 300 cao gấp 50 lần. “Tôi không muốn anh lo nhưng tôi đã xét nghiệm đi lại ba lần với hai máy khác nhau, kết quả đều tăng quá cao” – bác sĩ thông báo cho anh biết như vậy.

Anh Phố thú thật, lúc đó anh như “chết”, lặng người đi. “Tôi không bị đau bụng, không rối loạn tiêu hóa, hoàn toàn không có biểu hiện gì tại sao “thần chết” lại đến. Có lẽ nào sớm vậy, ba vợ tôi vừa mới mất vì UT dạ dày. Thật sự tôi không quá sợ chết lắm nhưng tôi còn nhiều món nợ đời, nợ tình chưa trả hết. Con tôi còn nhỏ quá mà. Ba người bạn cùng đi công tác bảo tôi về, nhưng tôi không chịu đằng nào cũng vậy mà. Sáu bảy hôm sau đó tối nào chúng tôi cũng nhậu để khỏi phải suy nghĩ, để quên đi con CA72-4 cứ lởn vởn trong đầu tôi” – Anh Phố nói.

Xét nghiệm máu tìm ung thư

Xét nghiệm máu tìm ung thư

Hóa giải “tử thần ung thư” bằng bỏ uống nước vối

Anh Phố kể, có bệnh thì vái tứ phương, khi hay tin anh hết sức lo sợ và tìm cách chữa trị. “Tôi lên mạng tìm tòi, tình cờ gặp được bài viết của bác sĩ Hải trưởng khoa xét nghiệm Medical ở Sài gòn, có một trường hợp đặc biệt giống với tôi. Một ông cán bộ cấp cao ở TP Cần Thơ, xét nghiệm máu thấy Ca72-4 tăng rất cao, sợ quá ông lên Sài gòn tới chỗ BS Hải làm xét nghiệm máu cũng tăng cao như vậy.

BS Hải làm nội soi dạ dày, sinh thiết và nhiều xét nghiệm cao cấp khác, mọi thứ đều bình thường. BS Hải rất bối rối, ông lên mạng tìm hiểu các thông tin y khoa thì được biết hiệp hội y khoa Đài Loan vừa mới công bố báo cáo, uống trà Ô long và nấm Linh chi nhiều sẽ tăng cao Ca72-4. BS Hải hỏi vị cán bộ cao cấp kia thì đúng vậy. Ông ta thường uống trà Ô long và nấm Linh chi, mừng quá ông bèn ngừng lại ngay, một tuần sau xét nghiệm máu lại dần bình thường”. – anh Phố nhớ lại.

Anh Phố cho biết, anh không uống trà Ô long hay nấm linh chi nhưng từ khi anh nghe nói lá vối tốt cho việc giải độc tố, lợi tiêu hóa, giảm mỡ máu, giảm gút... anh đã trồng hai cây vối và ngày nào anh cũng pha 10 lá vối to để lấy nước uống. Nghe BS Hải nói vậy, anh đi tìm hiểu thì mới hay không chỉ tình trạng hoa mắt, chóng mặt, xây sẩm mặt mày của anh xảy ra gần đây do lá vối, anh hy vọng chỉ số UT cũng như vậy.

Bởi trong lá vối tươi có chất làm cô đặc máu và nước vối đào thải rất chậm, nó có thể là tác nhân gây chỉ số UT giả. Anh dừng uống lá vối và không ăn uống những chất có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm với hy vọng lẻ loi. Và sau khi đi công tác về, anh đã đi xét nghiệm, làm các thăm khám tổng thể, kết quả chỉ số Ca72-4 chỉ còn gần 9, anh không bị ung thư.

Kết quả xét nghiệm 2 năm nay của anh hoàn toàn bình thường, dạ dày của anh tốt không có vấn đề gì. “Và con tim đã vui trở lại...Ôi Mộng vối của tôi” – anh Phố cất tiếng hát khi chia tay.

Sụt 3-4 kg trong 2 ngày chỉ vì sợ ung thư

Tôi đã từng được chứng kiến chị Đinh Vân Anh, 35 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) phờ phạc, hốt hoảng, lo lắng nước mắt lưng tròng tìm đến bác sĩ bệnh viện K TƯ chỉ vì chỉ số xét nghiệm UT CEA và CA 72-4 của chị tăng cao gấp 5 – 6 lần. Chị sụt sịt, “từ khi nhận được kết quả 2 ngày nay em không ăn không ngủ được. Chồng em công tác xa đang bố trí công việc để trở về.

Con em không biết phải làm sao bây giờ, cháu còn quá nhỏ...”. Nghe bác sĩ giải thích, thuyết phục rất lâu vì chỉ số cao chưa đủ bằng chứng kết luận ung thư. Có rất nhiều nguyên nhân làm chỉ số cảnh báo UT thiếu chính xác.

Chỉ số này chủ yếu làm cơ sở để theo dõi tình trạng bệnh nhân UT nhiều hơn chẩn đoán... chị mới bớt hốt hoảng. Kết quả thăm khám sau đó cũng cho thấy chị không bị ung thư, chỉ có polyp dạ dày. Cắt polyp chỉ số cảnh báo UT CA 72-4 của chị đã giảm”.

Từ “cõi chết trở” về, chị tiếp tục sinh con và cháu thứ hai đã được 3 tuổi nhưng ác mộng chỉ số UT cao vẫn không thoát khỏi trong đầu chị. Chị vẫn luôn luôn tìm hiểu, lo lắng. Chị bảo ở cơ quan Ngân hàng của chị, mỗi lần thăm khám sức khỏe định kỳ xong nhiều người lại tá hỏa vì chỉ số xét nghiệm cho thấy mình bị một loại UT nào đó.

Động viên, giải thích cho nhau nhưng sự thực “bản án ung thư” vẫn luôn là nỗi ám ảnh treo trên đầu bọn họ rất khó gỡ bỏ. Bởi thực tế, có những người sau khi chỉ số cao làm lại các xét nghiệm khác thì đúng là ung thư...Hiện tại chị cũng đang rất lo, đang bố trí công việc để đến viện K khám lại vì chỉ số CA 72-4 lần này lại tăng cao. “Tiền sử mình có bệnh dạ dày không lo lắng sao được” – chị Anh nói.

Chủ quan khiến UT lan tràn khắp nơi

Khác với anh Phố và chị Vân Anh, chị Nguyễn Thu Hà (Trương Định, Hà Nội) phát hiện u xơ tuyến vú đã nhiều năm. Lúc đầu chị cũng rất lo sợ đi chiếu chụp và làm đủ các xét nghiệm nhưng không có tế bào ung thư. Bác sĩ khuyên chị theo dõi.

Hai ba năm đầu chị cũng rất tích cực thăm khám và làm các xét nghiệm định kỳ nhưng thấy khối u không to lên, các chỉ số xét nghiệm vẫn bình thường, sau đó do công việc bận rộn lại chủ quan nên thỉnh thoảng chị gọi nhân viên xét nghiệm máu đến nhà lấy mẫu xét nghiệm là xong.

Thấy chỉ số UT vú CEA và CA 15 của chị không cao thậm chí còn thấp hơn ngưỡng cho phép thế là chị yên tâm. Đến khi gày sút, mỏi mệt nhiều, chị đi khám thì u không còn khu trú tại vú mà đã di căn sang hạch nách, buồng trứng,...UT được đánh giá ở giai đoạn cuối khả năng chữa trị rất kém, tiên lượng sống dè dặt...

“Ngày nào tôi cũng gặp không ít trường hợp dở khóc dở cười của bệnh nhân khi có kết quả xét nghiệm truy tìm các dấu ấn UT trong máu cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường. Khi thấy nồng độ một chất tăng cao, bệnh nhân thường hốt hoảng tìm đến các bệnh viện và bác sĩ sẽ cho làm đủ loại chẩn đoán cận lâm sàng khác như chụp MRI, CT scan, nội soi, siêu âm, có khi cho chụp cả PET CT... để xác định xem bệnh nhân có bị UT không. Ngược lại không ít người vì tin vào chỉ số xét nghiệm này mà chủ quan không đi thăm khám lâm sàng dẫn đến mất bệnh nặng không còn khả năng chữa trị” - BS Phan Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Medic Hòa Hảo, chuyên gia đầu ngành về xét nghiệm ung thư.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP