Sống xanh

Xây nối nhà ảnh hưởng gì đến phong thủy và kết cấu?

  • Tác giả : Nhật Nam
Xây nối nhà là cách để mở rộng thêm không gian sống, đáp ứng công năng sử dụng của gia đình, tiết kiệm chi phí so với xây mới. Tuy nhiên, nhiều gia đình lo ngại, việc xây nối liệu có đảm bảo kỹ thuật và ảnh hưởng đến yếu tố phong thủy?
Những căn nhà vừa giống như nối liền nhưng lại cũng rất độc lập.

Những căn nhà vừa giống như nối liền nhưng lại cũng rất độc lập.

Kiến trúc là bộ môn khoa học và nghệ thuật tổ chức không gian sống. Công trình kiến trúc nhà ở kiên cố cũng được ví như cơ thể sống. Vì vậy, xét ở phương diện nào đó, thiết kế cải tạo nhà ở cần xem xét đến yếu tố phong thủy và những tác động có thể xảy đến với người sống ở đó.

Theo các chuyên gia Kiến trúc Tây Hồ, xây nối nhà là một vấn đề cần xem xét trên phương diện phong thủy và kỹ thuật, do vậy gia chủ cần cân nhắc kỹ.

Trường hợp xây nối nhà mới trên cùng một thửa đất

Không nên xây nối nhà tạo thành 2 hoặc 3 nhà liền kề trên một thửa đất. Trường hợp bất khả kháng, nếu phải xây nối 2 nhà làm 1 thì không được nối liền mái hiên. Bởi vì, xét về phong thủy, mỗi thửa đất sẽ có một luồng sinh khí riêng. Nếu chung 2 – 3 nhà trên cùng 1 thửa, sinh khí cũng phải chia tách. Khi đó, nhà ở giữa chịu thiệt thòi nhiều nhất. Đồng thời, vận khí của các ngôi nhà cũng không được tốt.

Tuy nhiên, nhà song lập cũng là một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, tạo nên sự khác biệt của người thừa hưởng. Mặt khác, diện tích tất eo hẹp, “tấc đất tấc vàng” nên phương án xây nhà nối nhau là khả thi nhất.

Nếu gia chủ muốn nối nhà phố song lập: nên tách tường, tách móng riêng biệt. Không nên chung móng, chung tường. Tuy có tốn kém chi phí nhưng về lâu dài sẽ đảm bảo độ chắc chắn, an toàn. Sau này việc cải tạo, sửa chữa cũng sẽ dễ dàng hơn.

Nối biệt thự song lập: có nhiều cách để “lách”. Hai nhà sử dụng sân vườn ở giữa để làm nơi sinh hoạt chung. Ngoài sân vườn bố trí các tiện ích như: bể bơi, hồ cá thủy sinh, chòi nghỉ… Khi đó, những căn nhà vừa giống như nối liền nhưng lại cũng rất độc lập.

Trường hợp xây nối nhà cũ với nhà mới

Nhiều ngôi nhà xây từ vài chục năm trước đã cũ, xuống cấp, số lượng thành viên lại tăng lên. Vì vậy phương án cải tạo, nâng cấp, thêm tầng lên trên hoặc nối nhà cũ sang nhà mới được tính đến. Trong trường hợp cần bổ sung thêm công năng sử dụng nhưng vẫn muốn giữ lại kiến trúc của nhà cũ, gia chủ có thể xem xét nối nhà.

Tuy nhiên, trên khía cạnh kỹ thuật xây dựng, không có gì có thể đảm bảo các mối nối giữa nhà cũ và nhà mới vững chãi, an toàn mãi mãi. Bởi vì việc trộn vữa có tỉ lệ không đồng đều; mối nối không được xử lý kỹ lưỡng; vật liệu xây dựng trước đó và hiện nay đã thay đổi…. Chưa kể đến sự ăn nhập, hài hòa trong tổng thể kiến trúc.

Về phong thủy: Xây nối nhà cũ với nhà mới cũng phải lưu ý đến các yếu tố như: khí, trường khí, hành lang dẫn khí; tỷ lệ lưới kiến trúc theo quan niệm phong thủy; hình thể và kích thước của kiến trúc nhà ở sau khi nối ghép…

Nối nhà cũ và nhà mới chắc chắn phải có phương án sắp xếp lại công năng sử dụng sao cho khoa học, hợp lý, đáp ứng nhu cầu sử dụng. Vị trí phòng khách, phòng sinh hoạt chung, bếp nấu và cả phòng ngủ có thể thay đổi. Nên gia chủ, kiến trúc sư và chuyên gia phong thủy vẫn phải tính lại cung hướng của từng khu vực chức năng. Tránh phạm vào các lỗi bố trí phong thủy trong nhà.

Xây nối nhà cũ với nhà mới cũng phải lưu ý đến các yếu tố như: khí, trường khí, hành lang dẫn khí; tỷ lệ lưới kiến trúc...

Xây nối nhà cũ với nhà mới cũng phải lưu ý đến các yếu tố như: khí, trường khí, hành lang dẫn khí; tỷ lệ lưới kiến trúc...

Những lưu ý quan trọng khác khi xây nhà liền nhau

Phong thủy rất chú ý đến mối quan hệ giữa nhà này với nhà kia và cũng có nhiều cấm kỵ. Trong trường hợp 2 gia đình xây 2 nhà song lập nối liền nhau nhưng tách mái, chủ nhà nên lưu ý thêm một vài điểm sau:

Hai nhà phải cùng xây trên một đường thẳng. Ông bà xưa có quan niệm về phong thủy, nếu nhà nào nhô ra trước, chủ nhà sẽ mất vợ. Nếu nhà nhô ra sau, vợ chồng trẻ sẽ khó sống yên ổn. Nhà xây cao thấp như nhau. Nếu có một nhà cao hơn thì sẽ phạm phải khí cao ép khí thấp. Hoặc nhà bên trái có thể cao hơn nhà bên phải một chút. Nhưng nhà bên phải không thể cao hơn nhà bên trái. Đây là thế Tả Thanh Long – Hữu Bạch Hổ khi xây nhà. Thà để Thanh Long cao vạn trượng chứ quyết không để Bạch Hổ ngóc đầu.

Điều này cũng dễ lý giải vì sao các dãy biệt thự liền kề có kiến trúc, độ cao thấp tương xứng. Nó vừa phù hợp với quy hoạch, vừa hợp phong thủy.

Nhật Nam

BẢN DESKTOP