Doanh nghiệp

Xây dựng Hòa Bình: Rủi ro nợ cực lớn và uy tín cổ phiếu

  • Tác giả : Hải Hà
(khoahocdoisong.vn) - Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Hòa Bình có lẽ không thể ngờ rằng dịch bệnh Covid-19 lại giáng đòn quá mạnh vào ngành xây dựng. Nguồn thu khó khăn, khiến khối nợ 11.942 tỷ đồng của công ty càng thêm nặng gánh.

Lợi nhuận tăng trong dịch 

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2021, với lợi nhuận trước thuế tăng đột biến 209% so với cùng kỳ năm trước, đạt 77,3 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và hoạt động giãn cách xã hội, doanh thu thuần của HBC trong quý 2/2021 chỉ đạt gần 3.180 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn tăng gần 10% khiến lợi nhuận gộp sụt giảm tới 17%, chỉ đạt 195 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công ty có khoản doanh thu tài chính hơn 65 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ quý 2/2020, chủ yếu đến từ gần 51 tỷ đồng chuyển nhượng các khoản đầu tư. Đây là khoản đóng góp chính cho lợi nhuận của HBC trong quý 2, cùng với việc tiết giảm các chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp...

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của HBC đạt gần 5.443 tỷ đồng, chỉ tăng 0,6%, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 89 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt gần 67,4 tỷ đồng, tăng gấp 7,17 lần so với cùng kỳ năm trước.

Dòng tiền kinh doanh của HBC trong 6 tháng qua đã được cải thiện và dương trở lại với gần 733 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 451 tỷ đồng. Song dòng tiền từ hoạt động đầu tư vẫn bị âm 18 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, hàng loạt công trình xây dựng lớn nhỏ đều bị tạm ngưng thi công, giãn hoãn tiến độ, kéo theo đó là thiếu việc làm, doanh thu bấp bênh, bị chậm thanh toán, khó thu hồi công nợ... Thực trạng này kéo dài suốt 2 năm qua khiến các nhà thầu rất khó khăn, mất khả năng cân đối tài chính.

"Chính Hòa Bình cũng phải rất chật vật để vượt qua khủng hoảng kép này" - ông Lê Viết Hải cho biết khi trả lời báo chí.

Hệ quả lạm dụng “đòn bẩy tài chính”

Nhìn lại các báo cáo tài chính của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong 5 năm qua, không ít cổ đông, nhà đầu tư sẽ giật mình vì khối nợ hàng chục nghìn tỷ đồng đi kèm rủi ro khó cân đối tài chính khi hoạt động xây dựng lao đao.

Cuối năm 2017, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có vốn điều lệ chỉ 1.298 tỷ đồng, song đã phát hành thêm hơn 66,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên mức 1.960 tỷ đồng. Nhờ 2 năm liên tiếp báo lãi lớn 767 tỷ đồng và 562 tỷ đồng, nên vốn chủ sở hữu của HBC đến cuối năm 2018 đã nâng lên mức 2.923 tỷ đồng.

Thời điểm ấy, tổng nợ phải trả đã vọt lên 12.977 tỷ đồng (chiếm tới 94,9% là nợ ngắn hạn), gấp 4,44 lần vốn chủ sở hữu. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt ngưỡng an toàn, buộc HBC phải liên tục tăng vốn điều lệ để duy trì quy mô nợ lớn, cải thiện các chỉ số tài chính.

Quy mô nợ phải trả của xây dựng Hòa Bình giai đoạn 2017 - tháng 6/2021.

Quy mô nợ phải trả của xây dựng Hòa Bình giai đoạn 2017 - tháng 6/2021. 

Các kế hoạch tăng vốn liên tiếp năm 2017 và 2019 của HBC lên 2.308 tỷ đồng với tổng số phát hành 101 triệu cổ phiếu, đã không xoa dịu được lo ngại rủi ro, mất cân đối tài chính từ các quỹ và nhà đầu tư. Sau khi phát hành, cổ phiếu HBC càng bị pha loãng, giảm rất mạnh dù trước đó tăng “phi mã” gấp 3 lần lên mức đỉnh 60.000đ/cp (giá sau chia tách là 38.800đ/cp) vào tháng 10/2017.

Ngay cả khi Chủ tịch Lê Viết Hải đăng kí mua vào cổ phiếu HBC trong động thái được cho “đỡ giá” bằng liệu pháp tâm lý, thì cũng không cản được áp lực bán xả cổ phiếu này, khiến HBC rơi xuống tận đáy 5.900đ/cp (giá sau chia tách), tức mất tới 84,7% thị giá ở đỉnh...

Khi ấy, thị trường chứng khoán từng xôn xao về nghi vấn cổ phiếu HBC đã bị “thao túng”, “làm giá” lên quá cao để thuận lợi cho kế hoạch phát hành tăng vốn hơn 1.000 tỷ đồng của doanh nghiệp và phân phối giá xuống...

Tuy nhiên, thực tế là chưa có cuộc điều tra thao túng giá cổ phiếu HBC nào được công bố kể từ năm 2017 đến nay. Nhưng các nhà đầu tư đã nhận được bài học đắng cay khi “đu” theo “game tăng vốn HBC”, bị thiệt hại rất lớn, thậm chí cháy tài khoản. Họ đã mất niềm tin vào cổ phiếu của một nhà thầu xây dựng lớn như doanh nghiệp này.

Thông tin bổ sung, đây cũng là thực tế chung của rất nhiều mã cổ phiếu có dấu hiệu bị thao túng giá trên sàn chứng khoán Việt Nam. Nhưng rất hiếm có các cuộc điều tra thấu đáo với hiện tượng này. Đặc biệt là rất hiếm doanh nghiệp bị xử lý với cáo buộc liên quan tới thao túng giá cổ phiếu, mà thường là chỉ xử lý với các nhà đầu tư cá nhân.    

Hai năm qua, Xây dựng Hòa Bình cũng lao đao vì dịch Covid-19, chỉ báo lãi khiêm tốn vài chục tỷ đồng. Song điều khó giấu là tình trạng nợ nần vẫn hết sức căng thẳng. Đến cuối năm 2019, nợ phải trả lên tới 12.761 tỷ đồng, giảm xuống 11.404 tỷ đồng, và tăng vọt lên 11.942 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2021. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu hiện ở mức cao 2,83 lần.

Trong đó, nợ ngắn hạn đang chiếm tỉ trọng tới 94,6% tổng nợ phải trả của HBC, chủ yếu là nợ vay và thuê tài chính, nợ nhà cung cấp, nhận trước tiền bán hàng, chi phí phải trả ngắn hạn… mà nếu lãnh đạo không giỏi xoay sở thì lợi nhuận sẽ khó có lãi.

Được biết, HBC đang vay nợ tại 18 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ vay gần 4.539 tỷ đồng, mà chủ yếu nợ ngắn hạn nhiều nhất tại BIDV (2.016 tỷ đồng), Vietinbank (1.023 tỷ đồng), MSB (417 tỷ đồng), HSBC (185 tỷ đồng)…

Chưa rõ các ngân hàng chủ nợ đánh giá mức độ rủi ro tập trung tín dụng vào doanh nghiệp xây dựng như  HBC ra sao để duyệt cấp tín dụng ngắn hạn lớn đến thế? Hơn nữa, tình trạng nợ phải trả gần đuổi kịp tổng tài sản của doanh nghiệp (tổng tài sản cuối tháng 6/2021 là hơn 16.155 tỷ đồng) cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn của HBC.

Lạm dụng nguồn vốn từ nợ vay quá mức sẽ luôn đi kèm rủi ro mất thanh khoản, gây nợ xấu rất lớn cho các ngân hàng.

Hải Hà

BẢN DESKTOP