Làm đẹp

Xăm mình làm đẹp, cần lưu ý tránh tai biến

  • Tác giả : TS.BS Phạm Đăng Bảng
Ngày nay, rất nhiều người đi xăm thẩm mỹ. Họ xăm lông mày, xăm môi, xăm nghệ thuật trên da, body-mod.... Câu hỏi đặt ra là xăm thẩm mỹ sao cho an toàn?

Những nguy cơ có thể xảy ra khi xăm

Khi xăm phải dùng dụng cụ nhọn xuyên qua da và đưa các chất màu vào sâu trong da, do vậy có thể xảy ra tai biến. Xăm khiến da bị tổn thương. Kim xuyên vào da có thể gây thương tổn, bị nhiễm trùng hay lây truyền bệnh. Hơn nữa, việc đưa các chất để tạo màu sắc cho vết xăm có thể gây phản ứng của da. Những tai biến, phiền phức do xăm gây nên gồm:

Chỗ xăm bị nhiễm trùng lây bệnh: Nhiễm trùng thông thường do các vi khuẩn tụ cầu, liên cầu làm cho nơi xăm bị viêm mủ. Đôi khi nghiêm trọng hơn, nhiễm trùng sâu gây viêm quầng, hoại thư, nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng loại này ngày nay ít gặp do sử dụng dụng cụ sạch và kháng sinh sớm.

Y học đã gặp một số trường hợp bị mắc giang mai, bệnh phong với thương tổn bệnh xuất hiện ngay tại nơi xăm. Ngày nay, xăm còn có thể làm lây nhiễm các bệnh nghiêm trọng hơn là viêm gan B, viêm gan C, HIV. Các bệnh do vi rút khác như hạt cơm, u mềm lây cũng có thể lây do xăm trổ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phản ứng với chất xăm: Chất sử dụng để xăm được đưa vào da và gây phản ứng tại chỗ. Phản ứng xảy ra làm ngứa, rấm rứt, đỏ, phù nề. Nó có thể xảy ra sớm, thường sau vài tuần lễ hoặc hàng năm. Biểu hiện có thể là phản ứng dạng liken. Đôi khi phản ứng lan rộng ngoài vùng xăm gây eczema, viêm da tiếp xúc hoặc nặng hơn là viêm da tróc vẩy.

- Một số trường hợp gây phản ứng viêm dạng u hạt rất khó điều trị.

- Thủy ngân trong chất xăm có thể gây đỏ da tại chỗ hoặc phản ứng toàn thân.

- Crôm gây đám da nhiễm màu xanh lá cây.

- Côban cũng gây đám da màu xanh nhạt và có người bị viêm màng bồ đào.

- Vùng xăm bị phản ứng viêm khi tiếp xúc ánh sáng Mặt trời.

Khó quan sát ung thư da và làm nặng thêm tổn thương da đã có: Với những bệnh nhân có bệnh da mạn tính như vảy nến, viêm da cơ địa,… đặc biệt trong giai đoạn bệnh hoạt động, xăm hình vô tình tạo nên chấn thương tại chỗ cho da, gây xuất hiện tổn thương da mới tại chỗ hoặc toàn thân.

Đặc biệt, xăm hình che lên tổn thương sắc tố đã có sẵn từ trước như nốt ruồi, bớt sắc tố (nâu, đen, xanh)..., được cho là có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện ung thư da. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc theo dõi, chẩn đoán tổn thương này.

Xóa xăm có dễ?

Sau khi xăm thấy không ổn, không như mong muốn hoặc “suy nghĩ lại”, nhiều người tìm đến cơ sở chuyên khoa hoặc trung tâm thẩm mỹ để xóa hình xăm.

Laser, bào mòn da có thể sử dụng để xoá vết xăm… nhưng có nguy cơ gây sẹo, thậm chí có người bị sẹo lồi. Đôi khi phải phẫu thuật cắt vùng xăm và ghép da trong trường hợp vết xăm sâu và đậm.

Xu hướng làm đẹp thời hiện đại

Xăm thẩm mỹ là xu hướng làm đẹp hot hiện nay, rất phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Họ có thể xăm mọi vùng da trên cơ thể với nhiều hình thù, màu sắc phong phú. Ngoài xăm, họ còn dùng các vật liệu xâu vào cơ thể (body-mod).

Xăm liên quan tín ngưỡng, tập tục và lễ nghi. Nhiều thành viên bộ lạc cổ xưa đã xăm trên cơ thể mình trong lễ hội, xăm cho chiến binh hoặc những tay săn bắn, người lặn xuống biển mò ngọc trai…

Xăm là cách người ta dùng vật nhọn đâm xuyên vào da và đưa các chất có màu vào sâu tới trung bì da. Người xăm chuyên nghiệp dùng kim điện tử còn “tay chơi nghiệp dư” hay dùng kim thường và mực tàu. Chất để xăm có màu sắc khác nhau:

- Màu xanh đen sử dụng carbon, mực tàu.

- Màu đỏ sử dụng chu sa.

- Xanh nhạt dùng muối của cô-ban.

- Xanh lá cây dùng crôm.

- Màu vàng dùng cadmium.

- Màu nâu dùng chất liệu là thổ hoàng, sắt.

Cách đảm bảo an toàn khi xăm

- Nên đến cơ sở thẩm mỹ uy tín, có chuyên môn và yêu cầu tiệt trùng dụng cụ, thay kim xăm để phòng tránh tối đa các rủi ro có thể xảy ra.

- Tránh xăm vị trí có tổn thương sắc tố trước đó như bớt sắc tố, nốt ruồi… để giảm thấp nhất nguy cơ xuất hiện ung thư da.

- Cân nhắc đối với người có biểu hiện dị ứng với thành phần của mực xăm, có cơ địa dị ứng hoặc bệnh da mãn tính trước đó.

- Đến cơ sở y tế có chuyên môn để khám và điều trị khi nghi ngờ tổn thương sau xăm.

TS.BS Phạm Đăng Bảng (Giám đốc chuyên môn tại TTCliNIC)

TS.BS Phạm Đăng Bảng

BẢN DESKTOP