Vusta News

VUSTA lấy ý kiến của trí thức trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

  • Tác giả : Mai Loan
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch LH các HKHKTVN (VUSTA), cho biết, đây là lần đầu tiên VUSTA tổ chức hội nghị quy mô, với nội dung toàn diện về KT - XH đất nước, được các đồng chí lãnh đạo TW,QH, bộ ngành ủng hộ, các nhà KH nhiệt tình tham gia.

Ngày 2/10, VUSTA phối hợp tổ chức hội nghị "Lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV".

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên, VUSTA tổ chức Hội nghị quy mô, với nội dung toàn diện về kinh tế - xã hội đất nước

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên, VUSTA tổ chức Hội nghị quy mô, với nội dung toàn diện về kinh tế - xã hội đất nước

Tham dự hội nghị, về phía các cơ quan Trung ương, có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ); ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội.

Đại diện phía VUSTA có TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VUSTA; TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA; ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký VUSTA.

Ngoài ra, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương; nguyên lãnh đạo VUSTA; cùng các lãnh đạo, chuyên gia đến từ nhiều hội ngành toàn quốc; một số Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố và tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc tham dự hội nghị.

TSKH Phan Xuân Dũng, bà Trương Thị Ngọc Ánh, ông Nguyễn Tuấn Anh chủ trì hội nghị.

Lấy ý kiến trí thức, đề xuất những vấn đề trọng yếu của đất nước

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, thực hiện yêu cầu của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, VUSTA phối hợp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ, gửi đến Đảng, Nhà nước và Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội nguyện vọng, tâm tư của trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN), đồng thời để xuất những vấn đề trọng yếu của đất nước.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

“Đây là lần đầu tiên, VUSTA tổ chức hội nghị quy mô, với nội dung toàn diện về kinh tế - xã hội đất nước, được các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Quốc hội, bộ ngành ủng hộ, các nhà khoa học nhiệt tình tham gia”, TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho hay, với nội dung của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận trên 40 nội dung quan trọng của đất nước trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đoàn Chủ tịch để nghị các đại biểu làm rõ những vấn đề lớn.

Thứ nhất, những giải pháp về cơ chế chính sách để phát triển kinh tế - xã hội đất nước một cách nhanh và bền vững; phát triển KH&CN, giáo dục và đào tạo; xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu mới rất cao của đất nước và dân tộc theo đúng quan điểm lãnh đạo xuyên suốt của Đảng là phát triển đất nước “phải bằng và dựa vào KH&CN"; "KH&CN cùng giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, động lực để phát triển đất nước.

Thứ hai, phân tích sâu sắc những vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách đối với hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức từ những vấn đề, nội dung, quy định, văn bản chính sách cụ thể.... để làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi,

Thứ ba, đề xuất, kiến nghị tâm từ, nguyện vọng của trí thức KH&CN với Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức hiện nay và trong tương lai.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khẳng định, hội nghị là hoạt động thiết thực, quan trọng, góp phần giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến sâu sắc để hoàn thiện báo cáo của Đoàn Chủ tịch gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

"Đây là các kênh quan trọng giúp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp được nhiều ý kiến mang tầm vĩ mô, thể hiện sự tổng hợp những mong muốn, kiến nghị của nhân dân cả nước, trong đó có đội ngũ trí thức KH&CN", bà Trương Thị Ngọc Ánh cho hay.

Cần có các chính sách đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ trí thức

Ðóng góp ý kiến tại hội nghị, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quân, 15 năm qua, kể từ khi ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, vẫn chưa có chính sách cụ thể với trí thức đi vào cuộc sống. Đặc biệt với những trí thức đầu đàn, đầu ngành…, chúng ta chưa có chính sách để trọng dụng, sử dụng họ hiệu quả nhất.

“Nhà nước cần có các chính sách đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ trí thức. Cụ thể là cần tin tưởng, lắng nghe, giao việc cho trí thức; tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho trí thức; có chế độ thu nhập thỏa đáng, đặc biệt là giao quyền tự chủ cho họ. Nếu các trí thức, nhà khoa học không được tự chủ, không được tự quyết làm việc gì, sử dụng kinh phí ngân sách như thế nào, tuyển dụng, hợp tác ra sao, thì các chính sách trọng dụng nhân tài, trí thức sẽ không phát huy được hiệu quả”, TS Nguyễn Quân nói.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khóa XI, đề nghị Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn nữa, có chính sách, giải pháp mạnh mẽ hơn để phát triển KH&CN, chuyển giao công nghệ và sử dụng đội ngũ trí thức KH&CN.

Ông Thanh cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ có chính sách và giải pháp ổn định để nâng cao chất lượng thị trường tài chính, tạo lòng tin của nhà đầu tư, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Một số chính sách thuế và quản lý thuế đối với hoạt động KH&CN đã không còn phù hợp, Quốc hội cần sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật...

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho rằng, cần có cơ chế tài chính cho đề tài khoa học liên quan ngân sách. Ông Báo nêu thực tế, khi chưa thực hiện đề tài, các nhà khoa học đã lo thanh toán đề tài đó như thế nào hơn là sản phẩm tạo ra.

“Chẳng hạn, các đề tài về nông nghiệp không thể đi mua phân lợn, phân trâu, phân bò… của người nông dân mà có hóa đơn đỏ. Trong khi đó, không có hóa đơn đỏ thì không được”, ông Báo nêu.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các trí thức, nhà khoa học. VUSTA sẽ tập hợp đầy đủ ý kiến để báo cáo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quốc hội; đồng thời đề nghị các đại biểu Quốc hội, sau khi lắng nghe, sẽ phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của trí thức tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp sắp tới để các trí thức thấy rằng, những ý kiến của mình đã được đại biểu Quốc hội thực sự quan tâm.

Mai Loan

BẢN DESKTOP