Giáo dục

Vượt nỗi buồn thi trượt

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Đã là một cuộc thi thì đương nhiên kết quả có vui, có buồn. Những em thi trượt, có thể đặt lại kế hoạch sang năm thi lại. Hoặc đi học nghề. Xã hội cần thầy nhưng cũng cần cả thợ, cần thay đổi nhận thức.

Con đường đại học không phải là duy nhất để vào đời

Trượt tốt nghiệp, trượt đại học, trượt nguyện vọng yêu thích… Nỗi buồn thi trượt là tâm sự của không ít thí sinh.

Có em rơi vào khủng hoảng, do bị bố mẹ mắng chửi, so sánh với bạn bè, thậm chí đuổi ra khỏi nhà, mất phương hướng…

Ở cương vị một người thầy, đồng thời cũng là một phụ huynh, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Đã là một cuộc thi thì đương nhiên có người hài lòng với kết quả, có người không.

Những em chưa thành công với kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có thể xác định lại mục tiêu và đặt kế hoạch để sang năm ôn thi lại. Tuy nhiên, học đại học không phải là con đường duy nhất. Để thành công dân có ích vẫn còn những sự lựa chọn khác nhau.

Nếu như các em cảm thấy không có sự hứng thú đối với việc học tập, cũng như học lực của mình khó vào được những trường đại học tốp đầu và ngành mình thực sự mơ ước thì còn rất nhiều cơ hội khác để lựa chọn. Có rất nhiều những trường nghề mà xã hội đánh giá rất cao.

“Ví dụ, em có thể là thợ sửa xe hoặc là thợ cắt tóc. Đó là những nghề nghiệp vẫn được xã hội đánh giá và được coi trọng. Miễn là em làm tốt các nghề nghiệp đó”, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh nói.

Để có được điều này, thì cần có sự thay đổi về nhận thức, đặc biệt từ phía các phụ huynh.

“Tôi thấy nhiều phụ huynh rất buồn khi thấy con trượt tốt nghiệp hay đại học, hoặc con không muốn đi học tiếp mà muốn đi học nghề. Theo tôi, cần phải nhìn vào năng lực hay ý thích của con.

Nếu con không muốn làm kế toán hay kỹ sư mà chỉ thích là thợ sửa chữa ô tô, máy móc, hoặc điều dưỡng viên, chăm sóc sức khỏe hay sắc đẹp thì nên tôn trọng ý muốn của con. Xã hội không chỉ cần có thầy mà còn cần có cả thợ giỏi nữa.

Cũng không nên nhìn sang hàng xóm hay bạn bè có con đỗ đạt hay học trường nọ trường kia rồi so sánh, gây áp lực lên con cái”, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh chia sẻ.

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết, ở nước ngoài có sự phân hóa ngay từ bậc phổ thông. Từ đó, xác định đối tượng nào sẽ đi học tiếp ở bậc đại học, đối tượng nào sẽ đi học tiếp ở trường nghề. Như vậy, vừa phù hợp với năng lực của học sinh, nguyện vọng của phụ huynh, vừa đỡ lãng phí cho gia đình, xã hội.

Không chỉ đối với chuyện học đại học mà sau đại học cũng vậy. Thực tế có nhiều phụ huynh kỳ vọng con phải học tiếp sau đại học, phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng theo tôi, chỉ những người muốn đi theo con đường hàn lâm, học cao mới cần học đến bằng tiến sĩ. Và không phải cứ có bằng tiến sĩ thì mới là giỏi, có nhiều đóng góp cho xã hội”, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh.

Đường đời còn nhiều vấp ngã, đâu chỉ có thi trượt

TS Trịnh Thanh Huyền, Học viện Tài chính chia sẻ, chị nhớ mãi một trường hợp thí sinh năm ngoái, nộp nguyện vọng vào Học viện tài chính, có điểm tổ hợp xét tuyển là 24. Nhưng lại bị liệt điểm môn Sinh. Thành ra, trượt tốt nghiệp và không thể vào được đại học. Năm nay bạn ấy lại thi, và đã đậu tốt nghiệp.

Bức ảnh lan truyền trên mạng, nhân vật trong ảnh được cho là thí sinh bị cha mẹ mắng, đuổi ra khỏi nhà vì thi trượt.

Bức ảnh lan truyền trên mạng, nhân vật trong ảnh được cho là thí sinh bị cha mẹ mắng, đuổi ra khỏi nhà vì thi trượt.

Theo TS Trịnh Thanh Huyền, đừng coi thi trượt là điều gì quá kinh khủng. Ai cũng có thể sai, mà sai có thể sửa. Trượt tốt nghiệp thì năm sau thi lại, và đây cũng không phải biến cố chặn tất cả các ngả đường đến tương lai. Kể cả nếu không tốt nghiệp, các bạn vẫn có thể đi làm nghề.

Bố mẹ cần phải nhìn nhận rõ con mình đang ở đâu, đừng đặt áp lực lên vai con cái. Vẫn có câu nói không thể bắt cá leo cây, khỉ bơi dưới nước. Mỗi bạn có những khuynh hướng, năng lực riêng. Ví dụ, có những bạn chơi rất giỏi thể thao, thì cũng không nhất thiết buộc phải học giỏi toán.

Trước thông tin có những thí sinh bị bố mẹ mắng chửi, đi lang thang ngoài đường, TS Trịnh Thanh Huyền chia sẻ: Tôi cũng là một người mẹ, tôi nghĩ người mẹ là gần gũi nhất, hãy bao dung, là điểm tựa cho các con.

Vì lúc này, các con chỉ trông đợi vào bố mẹ. Chỉ có gia đình là nơi các con có thể quay trở về, tựa vào. Có như thế nào thì vẫn là con của mình.

Hơn nữa, trong cuộc đời còn biết bao sự vấp ngã nữa, đâu chỉ có chuyện thi trượt. Và con có vấp váp thế nào mình vẫn phải bao dung. Bản thân bố mẹ phải tĩnh tâm trước để là chỗ dựa cho các con.

Với những em trượt tốt nghiệp thì tôi mong các em sẽ cố gắng để sang năm thi lại. Nhưng trong thời gian ở nhà có thể dành thời gian trau dồi ngoại ngữ. Em nào theo các khối ngành kỹ thuật thì có thể đi học lập trình. Và tất nhiên, phải dành thời gian để ôn tập các môn thi lại.
Còn nếu như không muốn đi theo con đường học vấn nữa thì đi học nghề. Vào đời không cứ phải là đại học. Thực tế cho thấy, nếu làm nghề giỏi thậm chí lại còn tốt hơn học đại học mà làng nhàng”, TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Mai Loan

BẢN DESKTOP