Đời sống

Vượt lên chính mình

61 tuổi, bản thân cũng có bệnh, nhưng bà Lê Thị Hòa vẫn phải chăm mẹ ốm liệt giường suốt 5 năm và gần một năm nay đang chăm người cha 90 tuổi cũng liệt giường. Chỉ có nghị lực của người lính mới giúp bà vượt lên những khó khăn ấy.

Bà Lê Thị Hòa.

Một đời vất vả

Khi chúng tôi tới nhà, bà Lê Thị Hòa (61 tuổi, ở khu An Dương, Hà Nội) đang chuẩn bị giặt một chậu đầy quần áo. Bà nói vui, đây là sản phẩm của tối qua.

Cụ thân sinh ra bà Hòa năm nay đã hơn 90 tuổi. Năm 1945 cụ tham gia đội Tự vệ khu Ngọc Hà, rồi hoạt động trong phòng Điệp báo thuộc ty Công an. Năm 1950 cụ bị bắt và đày ra Côn Đảo đến tận năm 1954 mới được tha.

Cụ bị tra tấn nên sức khỏe yếu, lại thêm 8 lần tai biến, nên từ đầu năm đến nay cụ phải nằm liệt giường. Vì hoàn cảnh công tác phải bí mật, những người hoạt động cùng thì đã mất, nên cụ không được hưởng chế độ gì. Đến cả huân huy chương cũng mất hết giấy chứng nhận vì nhà nhiều lần bị lụt, nên chỉ giữ lại như một vật kỷ niệm.

Với đồng lương hưu ít ỏi của cả hai bố con, không đủ để thuê người chăm sóc, thế nên, mọi việc từ ăn uống đến vệ sinh… bà Hòa đều tự làm.

Trước đây, cụ bà cũng nằm liệt như thế 5 năm, nên bà chăm sóc có kinh nghiệm rồi. Vất vả nhất là khi cả cụ ngoại cũng ốm, vừa chăm mẹ, bà lại phải thay mẹ đến chăm bà ngoại.

Tôi cứ thắc mắc, nhà có 5 anh chị em, sao không chia nhau ra mà trông, cứ dồn vào một người như thế này quả là quá sức. Nhưng bà bảo, ai cũng có gia đình riêng, có người lại ốm yếu quá, mình ở đây với bố mẹ thì trông nom các cụ. Chỉ có những khi có việc đi đâu mới nhờ tới anh chị em.

Nghe câu chuyện về cuộc đời bà, quả là vất vả. 18 tuổi trốn nhà đi bộ đội, công tác tại Học viện kỹ thuật quân sự 4 năm, sau đó chuyển ngành, rồi lấy chồng. Sinh con được 6 tháng thì chồng mất, từ đó đến nay cứ một mình nuôi con, chăm sóc bố mẹ. Lại có lần con gái vừa sinh con, bà phải vào viện một mình để mổ, thế là phải chuẩn bị bỉm để khỏi phải nhờ ai.

Nghị lực của người lính

Bà Hòa kể, có lúc cứ nghĩ sao cuộc đời mình lại khổ đến thế, lúc nào cũng thui thủi một mình. Nhiều lúc một mình vần ông cụ để thay quần áo, thay đệm, còn cụ thì chẳng nhớ ra con, nghĩ mà thương bố, thương mình không để đâu cho hết. Đã thế, bản thân bà cũng có bệnh, đầu gối phải đóng đinh, cột sống cũng phải mổ… Cứ nói đến là nước mắt lại chảy

Kể với bạn bè thì không phải ai cũng hiểu, có người còn nói bố mình thì mình phải chăm chứ kêu ai. May gặp được người cũng có cùng hoàn cảnh như mình, chị ấy khuyên phải vượt lên chính mình, phải tham gia các hoạt động để khuây khỏa.

Thế là ngoài tham gia văn nghệ, bà còn là thành viên của đội dâng hương cố đô Thăng Long, phải đi tập, biểu diễn, tham ra đội tế… bận hơn nhưng cũng vui hơn.

Bà chia sẻ, điều quan trọng nhất là phải vượt lên chính mình để sống vui, sống khỏe. 4 năm trong quân ngũ cũng đã rèn cho bà nghị lực của người lính. Nhiều lúc vất vả quá, bà cứ phải nghĩ đây cũng là nhiệm vụ, giống như trong quân đội phải chăm sóc thương bệnh binh vậy. Hơn nữa, mình chăm sóc bố mẹ cũng là một cách để dạy con cháu về chữ hiếu.

Niềm vui của bà bây giờ là con gái, con rể và cháu ngoại rất hiếu thảo, thương bà.

Trên ban thờ nhà bà Hòa, tôi thấy có một chiếc hộp nhỏ ghi dòng chữ «gia đình tích đức». Bà giải thích, đấy là để thỉnh thoảng mình cho 5-10 ngàn vào đó, hay con cháu về thì bỏ tiền vào để đến cuối năm đi làm từ thiện.

Năm nào bà cũng theo đoàn các cựu chiến binh đi thăm và giúp đỡ những đồng đội cũ. Mình đã nghèo rồi, nhưng còn có lương, còn có 5- 10 ngàn để ăn bánh mì. Còn những người khổ hơn, chẳng có gì mà ăn. Thế nên giúp được ai thì giúp.

Bảo Anh

BẢN DESKTOP