Dọc đường

Vườn Quốc gia Tràm Chim: Muôn loài chim cùng tụ họp

Bản năng sinh tồn của các loài chim thật kỳ diệu. Với chim điên điển, cồng cộc, trời phú cho đôi cánh dũng mãnh lại bơi lặn giỏi nhờ bàn chân có màng, bởi thế sinh con trong mùa nước nổi mới đủ thức ăn. Với loài cò, không thể bơi lặn nhưng bù lại có đôi chân lêu nghêu, mò mẩm trong nước kiếm mồi chăm con khá thuận lợi.

Sau nhiều lần trò chuyện, cuối cùng anh em kiểm lâm cũng đồng ý cho chúng tôi “ăn theo” đến Phân khu A2, nơi Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Chúng tôi được nhắc nhở không nói lớn tiếng hoặc gây tiếng động mạnh trong vùng cấm làm chim cò sợ hãi.

loài chim

Bản năng sinh tồn của các loài chim thật kỳ diệu

Giữa trưa, bỏ lại sau lưng những bụi điên điển đang bung nở hoa vàng và những đám lúa ma dập dềnh bên bờ kênh, chiếc tắc ráng (một loại thuyền máy, còn gọi là vỏ lãi) gắn máy đuôi tôm kèm thêm chiếc xuồng ba lá đưa chúng tôi tiến vào rừng tràm 10km2, 30 năm tuổi với 231 loài chim nước, trong đó có 32 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Chỉ có thể thốt lên một từ: Quá đẹp! Giữa không gian với mây trời, sông nước, những cánh đồng cỏ năng, những con lạch phủ đầy bèo tai tượng bồng bềnh như tấm thảm xanh trải dài bất tận, chợt xuất hiện một con chim điên điển bay xé mặt nước với đôi cánh đen bóng khuất dạng sau vòm cây cao. Ít phút sau, nó lại lộ diện và lao thẳng xuống dòng kênh rồi lặn mất tăm, khiến khách lữ hành cứ ngẩn ngơ dõi mắt theo.

Thuyền lướt vào đầm nước nổi đầy bèo tai tượng. Thoáng đâu đó vọng âm thanh lao xao của chim cò, cho biết chúng tôi đã tiếp cận vùng cấm của vườn quốc gia. Từ đây buộc phải sử dụng xuồng và thay nhau chống sào, do phải giữ im lặng và nếu có sử dụng máy nổ đuôi tôm cũng không thể được vì rễ bèo tai tượng dày đặc quấn vào chân vịt. Đôi chỗ xuồng mắc cạn giữa đám dây leo chằng chịt và bãi cây mục. Đáng ngại nhất là muỗi Đồng Tháp Mười, chúng có khắp nơi và đeo bám theo người rất dai dẳng.

Đang mùa lũ về, cây lá Tràm Chim xanh ngắt một màu nhưng không khí ẩm thấp, có mùi tanh nồng từ phân và vỏ trứng chim vừa nở rơi đầy mặt nước. Vườn chim bỗng náo động khi thoáng thấy chúng tôi, cũng là lúc những con cò bay vụt lên, lượn quanh quẩn những chiếc tổ được đan kết bởi cỏ, que cây. Lũ cò non cọ quậy không ngừng trong tổ chờ cò mẹ.

Lũ cò con đã mọc gần đủ lông đều rời tổ, chệnh choạng lẫn vào những nhánh cây đầy lá. Có một con loạng choạng trên cành cây cong, rơi tõm xuống nước. Cũng may là nhờ đám bèo phía dưới nên nó không bị chìm, gắng sức bám vào từng nhánh cây lần hồi tìm về tổ.

Sự hoang dã, kỳ diệu của thiên nhiên thôi thúc chúng tôi đi tiếp đến lãnh địa của loài chim cồng cọc, điên điển, cũng là địa điểm dừng chân của lực lượng bảo vệ rừng. Từ dưới xuồng nhìn lên, vô số tổ cồng cộc vắt vẻo trên cành, cả những chú chim non với cái đầu đen óng thò thụt liên hồi.

Ở tận ngọn cây cao, nhiều chim điên điển con thò chiếc cổ dài như rắn nhìn con người chứ chẳng nháo nhác lo sợ như bọn cò. Có vẻ bản năng cho chúng biết: Hãy cứ giữ mình an toàn trong tổ, tổ lại nằm trên tầng cao nhất của rừng tràm, thì khó có kẻ thù nào tới được. Thế nhưng, sẽ là nỗi bất hạnh nếu gặp hôm giông gió, lũ chim non không khéo rơi tá lả.

Anh Dương Văn Nghĩa – nhân viên bảo vệ gắn bó với Vườn Quốc gia Tràm Chim đã 10 năm – cho biết: “Trong khu sinh sản, chim cò sống chung, khá hòa hợp. Cò trắng vốn yếu ớt, nhút nhát thường sống theo đàn và quần tụ trong góc rừng tách biệt với lãnh thổ các loài chim quý hiếm như điên điển (cổ rắn), cò ốc, diệc xám, cồng cộc. Thêm nữa, cái cách chọn vị trí làm tổ cũng rất tôn ti trật tự. Nếu cồng cộc, cò ốc thường làm tổ ở tầng thấp hoặc lưng chừng thân cây tràm, thì điên điển chiếm chỗ ở chạc ba, chạc đôi trên ngọn cây. Chim trích cồ thì làm tổ trên thảm bèo, ẩn khuất trong cánh đồng cỏ năng ngập nước, vì vậy trứng hay bị hỏng hoặc không mấy khi nở đều”.

Mùa sinh sản của đám cò trắng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8. Qua tháng 9 nước lũ về, mang theo phù sa và tôm cá dồi dào cũng là thời điểm điên điển, cồng cộc nằm ổ, áng chừng thời gian kéo dài 4 tháng. Tới tháng 12, nước lũ rút dần, cò ốc bay về đậu kín rừng, mở đầu mùa kết đôi, xây tổ. Hầu hết các loài chim đẻ khoảng 2 đến 6 trứng và chim bố chim mẹ thay nhau ấp. Chim con vừa ra khỏi vỏ, bố mẹ chúng đã vất vả bay đi bay về liên tục để tiếp nước, tiếp mồi.

Bản năng sinh tồn của các loài chim thật kỳ diệu. Với chim điên điển, cồng cộc, trời phú cho đôi cánh dũng mãnh lại bơi lặn giỏi nhờ bàn chân có màng, bởi thế sinh con trong mùa nước nổi mới đủ thức ăn. Với loài cò, không thể bơi lặn nhưng bù lại có đôi chân lêu nghêu, mò mẩm trong nước kiếm mồi chăm con khá thuận lợi.

Chim điên điển sống chan hòa với các loại chim khác nhưng sẽ rất hung dữ thể hiện uy quyền trong mùa sinh sản.

Năm 2008, rừng Tam Nông được phục hồi, nguồn thức ăn phong phú đã thu hút nhiều chim cò bay về, trong đó số đông là chim điên điển, cồng cộc. Năm 2016, hàng ngàn cò ốc, với đôi cánh bay đẹp hệt loài hạc, lũ lượt tìm về Tràm Chim sinh sản. Tuy sống chung nhưng mỗi giống một tính nết.

Như bọn cồng cộc biết thân phận yếu thế nên làm tổ dưới thấp để được điên điển chở che. Loại cò ốc hay ngủ lang rày đây mai đó, miễn sao gần nơi kiếm mồi, chỉ vào mùa sinh sản mới chuẩn bị làm tổ nhưng bởi biếng nhác nên thay vì tha về vật liệu, chúng lại “chôm” từng cọng rơm, que cây, hoặc đôi khi chiếm đoạt trắng trợn mái ấm của hàng xóm.

Chiều xuống, từng đàn chim lần lượt bay về, khoan thai sà xuống ngọn cây, biểu lộ niềm vui đoàn tụ bằng những tiếng kêu khàn đục lặp đi lặp lại không dứt. Trời tối dần, khu rừng trở nên vắng lặng, chỉ còn tiếng cây lá xào xạc, tiếng vỗ cánh của lũ cò ốc.

Con cò, con chim góp phần tạo nên vẻ đẹp mộc mạc vùng quê Việt Nam. Rừng được phục hồi, chim muông được bảo vệ, sinh sôi nảy nở ắt sẽ trở thành sản phẩm du lịch, tạo việc làm cho người bản địa và cải thiện đời sống dân địa phương. Vậy mà tình trạng mua bán chim cò vẫn diễn ra nhan nhản.

Sôi động và công khai nhất phải kể đến chợ nông sản Thạnh Hóa, Long An – nơi được xem là chợ chim trời lớn nhất miền Tây. Tại đây bán đủ loại chim cò, từ vịt trời, cò, le le, đến điên điển, cò ốc, cồng cộc, giang sen và cả rùa, rắn, trong đó rất nhiều loại thuộc danh mục cấm săn bắn, mua bán.

Đã vậy họ còn dùng đầu khè gas để thui lông chim khi nó còn sống rồi treo ngược lên chào hàng, đập đầu cò ốc ngay tại chỗ khi khách đã thỏa thuận giá cả. Nhiều người dân địa phương cho rằng nguồn chim cò và động vật hoang dã bày bán nơi chợ Thạnh Hóa phần nhiều do những kẻ đặt bẫy, săn bắt trộm tại các khu bảo tồn đất ngập nước ở Long An, Đồng Tháp.

Giá như chính quyền địa phương có những biện pháp mạnh tay như cấm chợ chim cò, xử phạt thật nặng những kẻ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã thì cái cảnh tận diệt chim trời, muông thú đã không xảy ra.

Hoàng Bách (tổng hợp)

BẢN DESKTOP