Đời sống

Vui với CLB cafe 195 Đội Cấn

Vui với CLB cafe 195 Đội Cấn, hơn 20 năm nay sáng nào ông Trần Đức cũng ra đây gặp gỡ bạn bè, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.

Ông Trần Đức (ngoài cùng bên phải) cùng những người bạn trong CLB cafe ngõ 195 Đội Cấn.

Thấy hợp thì ngồi với nhau

Ông Trần Đức gọi điện nhắn, mai ra CLB cafe ngõ 195 Đội Cấn để mừng bà Diễm Hằng vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2018, còn ông được nhận kỷ niệm chương 25 năm Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận tổ quốc.

Lâu nay vẫn vậy, cứ có tin vui gì là ông Đức lại gọi điện thông báo để ra cùng chung vui. Mấy lần tôi đã được đi xa cùng với họ. Lúc thì về quê một người trong CLB để thăm trường mẫu giáo mà ông cùng các bạn đồng ngũ đỡ đầu xây dựng. Khi thì đi chùa đầu năm…

Năm nào họ cũng có vài chuyến đi xa cùng nhau. Như vừa rồi mới tổ chức cho các gia đình đi nghỉ ở Sầm Sơn, có tới hơn 40 người. Tổ chức cho một chuyến đi như thế không hề đơn giản. Vậy mà họ đã duy trì hoạt động CLB này hơn 20 năm. Cái gắn bó họ với nhau chính là sự chân tình.

Gọi là CLB cho vui, thực ra đây là một nhóm những người về hưu và cả những người chưa về hưu thường gặp nhau mỗi sáng ở quán cafe của bà Tám ngõ 195 phố Đội Cấn (Hà Nội). Lúc đầu chỉ có mấy người gặp nhau thấy hợp thì hay ngồi với nhau, sau dần dần thành một nhóm hơn hai chục người. Và cũng đã qua mấy lần chuyển địa điểm.

Có những bác đã hơn 80 tuổi. Tôi nhớ mãi hình ảnh bác Tiêm tóc bạc phơ, có dạo bác yếu rồi, vậy mà sáng nào bác gái cũng phải dìu sang quán, để được nhìn thấy nhau, ngồi với nhau, nghe nhau nói.

Hay như bác Ngọc, ốm yếu, phải ngồi xe lăn, mà thỉnh thoảng chị giúp việc vẫn phải đẩy ra quán cafe ngồi một lúc cho đỡ nhớ. Cả hai bác giờ đã mất cả rồi, cùng rất nhiều người nữa đã đi xa, nhưng trong câu chuyện của những người ở lại, họ vẫn còn đó, vẫn mãi gần gũi, thân thương.

Thành phần trong CLB cafe rất đa dạng. Nhiều người cũng như ông Trần Đức, sinh ra, lớn lên và sống cả đời ở đây, biết nhau, chơi với nhau từ bé, duy trì đến tận giờ.

Nhưng cũng có người từ nơi khác đến, có người đã chuyển đi rồi nhưng vẫn về đây chơi. Có người lên giáo sư, lên tướng rồi nhưng vẫn chơi với nhau rất chân tình. Đó mới là điều đáng quý. Bởi đó là cái duyên hội ngộ, không ai tìm ai, chỉ tự nhiên gặp gỡ, thấy hợp nhau thì ngồi với nhau.

Một ngày không ra là nhớ

Như với ông Đức, con cái cũng muốn ông bà chuyển lên chung cư ở cho gần con cháu mà ông không đồng ý. Văn minh, sang trọng, tiện nghi thật đấy, nhưng cứ nghĩ sáng sáng mà không được ra đây ngồi cùng mọi người là ông đã thấy buồn lắm.

Lâu nay, sáng nào cũng vậy, bận đến mấy ông cũng phải ra, sáng đưa cháu đi học, thu xếp xong việc nhà là phải đảo qua một lúc. Họ cũng không quy định giờ giấc, chỉ trừ những khi có việc cần gặp mặt đông đủ thì thông báo, còn thường ngày ai rảnh lúc nào thì ra lúc đấy, gặp người nào thì ngồi với người ấy.

Có chuyện gì vui, buồn thì chia sẻ với nhau. Có bài báo hay cũng mang ra để mọi người cùng đọc. Chỉ thế thôi, nhưng hôm nào bận gì mà không ra được là ông đã thấy hụt hẫng, thấy nhớ mọi người lắm.

Ông Đức bảo, mỗi người một tính một nết, một quan điểm sống, nhưng quan trọng là mọi người đều biết chia sẻ, biết tôn trọng nhau. Sống với nhau lâu rồi nên rất hiểu tính nhau, ví dụ như nhiều khi tranh luận, cũng mỗi người một ý, nhưng ai cũng biết điểm dừng, biết tôn trọng ý kiến người khác, không bao giờ đi quá đà dẫn đến căng thẳng. Có thế thì mới ngồi được với nhau. Chứ nếu không hợp thì có ngồi cạnh nhau cũng chả nói được chuyện gì.

Ngồi nghe họ kể chuyện, con bé nhà ấy năm nay vào đại học, lại nhớ cái hồi đi chùa còn mới mang bầu mà giờ đã bằng ấy; hay nhà này có người ốm, hôm nào hẹn nhau đến thăm; người nọ còn, người kia đã mất… mới thấy chính những việc nhỏ nhặt đời thường ấy, chính sự quan tâm đến nhau như vậy đã gắn bó họ với nhau.

Đúng là duyên là do Trời, tình là do người.

Tuệ Minh

BẢN DESKTOP