Y học và đời sống

“Vui khỏe mỗi ngày” và nghĩa tình dành cho người cao tuổi

  • Tác giả : An Lâm
(khoahocdoisong.vn) - Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” mang đến cho người cao tuổi quận 11, TPHCM những tư vấn bổ ích từ các chuyên gia sức khỏe hàng đầu trong lĩnh vực ký sinh trùng và cơ xương khớp nhân “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”.

Thực hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và kính lão đắc thọ để cùng với cộng đồng cả nước phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi (NCT), ngày 8/10, Báo Khoa học & Đời sống đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và xã hội, Hội NCT quận 11 TPHCM tổ chức chương trình “Vui Khoẻ Mỗi Ngày” cho 450 Hội viên Hội NCT trên địa bàn với chủ đề: “Bệnh lý thoái hóa khớp gối – ký sinh trùng thường gặp ở người cao tuổi” do PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Phó giám đốc BV Nguyễn Trãi và BS.CK2 Phan Văn Ngọc, Khoa Chấn thương Chỉnh hình – BV Sài Gòn ITO, Phú Nhuận” trình bày. 

Ông Đặng Mạnh Trung - Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM và nhà báo Đào Kim Phú – Trưởng VP đại diện phía Nam Hội Nhà báo Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức và chuyên gia.

Ông Đặng Mạnh Trung - Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM và nhà báo Đào Kim Phú – Trưởng VP đại diện phía Nam Hội Nhà báo Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức và chuyên gia.

Bên cạnh sự có mặt của đại diện của cơ quan chính quyền quận 11, các chuyên gia, chương trình còn có sự hiện diện của TS Đặng Mạnh Trung - Trưởng CQTT Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM và nhà báo Đào Kim Phú - Phó Chánh Văn phòng - Trưởng VP đại diện phía Nam Hội Nhà báo Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thế Đồng, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO… và nhiều vị khách quý cùng 450 cụ hội viên Hội Người cao tuổi quận 11.

Cho người cao niên có thêm những niềm vui

Buổi sáng ngày 8/10, hội trường Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 11 rộn ràng, tưng bừng như ngày hội bởi sắc màu đồng phục của các cụ già biểu diễn bài tập dưỡng sinh và  những màn văn nghệ khá bắt mắt của các cụ trong Hội NCT quận 11. Càng vui hơn khi các cụ được nhận những phần quà nghĩa tình, thiết thực từ chương trình “Vui Khỏe Mỗi Ngày” và sau đó, nghe đại diện ban tổ chức, các vị khách mời nói về ý nghĩa của tuổi già, bí quyết phòng tránh bệnh, sống sao cho khỏe vui.

Các thành viên trong Hội Người cao tuổi Quận 1 trình diễn bài tập dưỡng sinh thật nhịp nhàng, bắt mắt.

Các thành viên trong Hội Người cao tuổi Quận 1 trình diễn bài tập dưỡng sinh thật nhịp nhàng, bắt mắt.

Cụ Phạm Thị Huệ, 86 tuổi, ngụ đường Minh Phụng, Q.11cười móm mém với hàm răng chỉ còn 2 chiếc nói rằng, “hôm nay tôi rất xúc động vì được chính quyền, các anh, các chị quan tâm đến người già chúng tôi”. Bác Nguyễn Thị Hỷ, 78 tuổi, người có 3 con, 6 người cháu vốn bị đau khớp 12 năm qua thì hồ hởi: “Tôi rất thích những chương trình như thế này vì bác sĩ nói dễ hiểu quá chừng, mình dễ tiếp thu và áp dụng nên đi tập thể dục xong là tôi mau mau đến đây”.   

Ông Đặng Mạnh Trung - Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM tặng hoa cho Ban tổ chức và chuyên gia.

Ông Đặng Mạnh Trung - Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM tặng hoa cho Ban tổ chức và chuyên gia.

Tiến sĩ Đặng Mạnh Trung, Trưởng Cơ quan thường trú, Ban Tuyên giáo Trung ương hoan nghênh Báo Khoa học và Đời sống đã tổ chức chương trình “Vui Khỏe Mỗi Ngày” thường xuyên. Ông nói: “Đây là sự quan tâm của Báo Khoa học &Đời sống nói riêng, của Đảng và Nhà nước nói chung với NCT. Bên cạnh việc tư vấn sức khỏe, chương trình còn huy động tốt các nguồn lực xã hội, những nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm để chia sẻ những vấn đề bổ ích, thiết thực nhất, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội cho NCT”. 

Báo Khoa học & Đời sống là nhịp cầu hữu ích trong việc truyền bá những kiến thức chăm sóc sức khỏe, rèn luyện cho NCT.

Báo Khoa học & Đời sống là nhịp cầu hữu ích trong việc truyền bá những kiến thức chăm sóc sức khỏe, rèn luyện cho NCT.

Nhà báo Đào Kim Phú - Phó Chánh Văn phòng - Trưởng VP đại diện phía Nam Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao chương trình vì đã cố gắng đưa những kiến thức mang tính khoa học thường thức đến cho cộng đồng, cho những NCT để họ được sống vui, sống khỏe, sống có ích. Ông cũng cho rằng việc tuyên truyền thông tin, tư vấn sức khỏe cho người dân là nhiệm vụ quan trọng của báo chí và Báo Khoa học & Đời sống, với tôn chỉ, mục tiêu rõ ràng đã làm rất tốt vai trò của nhà tổ chức.

Người cao tuổi là… không có tuổi

Nhà báo Nguyễn Minh Quang, Tổng Biên tập Báo Khoa học & Đời sống cho biết: "Việt Nam hiện nay bước vào thời kì già hóa dân số nhanh với hơn 10 triệu NCT, đang đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống chính sách an sinh xã hội. Số NCT mắc từ 2 bệnh trở lên chiếm tỉ lệ trên 70%, tuổi càng cao càng nhiều nguy cơ mắc bệnh, nhất là bệnh mạn tính, thoái hóa và trên 53 % NCT sức khỏe kém. Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe mang tính cấp bách, lâu dài. Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới NCT, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò NCT, trong đó chú trọng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Để đồng hành cùng với cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe NCT,  Báo Khoa học và Đời sống gần 60 năm qua chưa bao giờ quên nhiệm vụ truyền bá, chia sẻ những tri thức mới, kiến thức bổ ích về chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn người cao tuổi kĩ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc bản thân, phát triển các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Thạc sĩ Phạm Thế Đồng, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO chia sẻ: Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Báo Khoa học & Đời sóng đã là một tờ báo yêu thích trong gia đình ông vì báo không những phổ biến kiến thức mà còn giúp mọi người hiểu biết và yêu thích khoa học hơn. Do đó, khi có điều kiện, ông và hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO luôn đồng hành cùng những chương trình hữu ích và hướng về cộng đồng của báo. Thông qua việc hỗ trợ cho chương trình, ông mong muốn NCT luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống xung quanh và trong chính bản thân mình.

 Nhà báo Minh Quang tâm niệm: Cuộc sống phải ngày càng tốt đẹp hơn và không một ai bị bỏ lại phía sau, kể cả những người không còn trong độ tuổi lao động. Người già tuy bị hạn chế về tuổi tác nhưng họ có những giá trị của riêng mình, tác động rất lớn đến đời sống xã hội và thế hệ mai sau. Thế hệ sau cần kính trọng, tôn trọng các cụ và giúp cho các cụ được sống vui, sống khỏe, sống có ích; đó cũng chính là đạo lý, truyền thống uống nước nhớ nguồn của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Đại diện Hội Người cao tuổi Q.11 trao quà tặng cho những người tham dự chương trình.

Đại diện Hội Người cao tuổi Q.11 trao quà tặng cho những người tham dự chương trình.

Ông phát biểu dí dỏm, động viên những người tham gia chương trình: NCT là không có tuổi nên không cần nghĩ đến tuổi. Tuổi nào cũng phải sống vui, sống khỏe, sống có ích. Có được 3 điều đó, cuộc sống của NCT sẽ viên mãn, hạnh phúc. Nên hôm nay, cho phép ông không gọi người tham dự là “các cụ” mà gọi là “các anh”, “các chị”... 

Những khuyến cáo hữu ích dành cho người cao tuổi

PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Phó giám đốc BV Nguyễn Trãi, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ký sinh trùng cho biết, ký sinh trùng làm cho người bệnh suy dinh dưỡng, thiếu máu, dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, suy nhược cơ thể. Ngoài ra, ký sinh trùng còn gây tổn thương các cơ quan nội tạng như mắt, gan, ruột, phổi, não, cơ... Ở người già, người suy giảm miễn dịch, bệnh thường diễn tiến nặng nề, có thể dẫn đến tử vong. Trong khi đó, người dân các đô thị lớn có thói quen nuôi thú cưng như chó, mèo. Tuy nhiên chó hay bị nhiễm giun đũa Toxocara canis và mèo hay bị nhiễm giun đũa Toxocara cati.

  PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu khuyến cáo các gia đình có nuôi chó mèo hoặc đã từng ăn thịt tái, sống thì nên xét nghiệm kiểm tra mỗi 6 tháng 1 lần để phòng tránh bệnh lý mắt và các bệnh nội tạng do giun lạc chủ, lạc chỗ gây nên. 

PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Phó giám đốc BV Nguyễn Trãi và BS.CK2 Phan Văn Ngọc, Khoa Chấn thương Chỉnh hình – BV Sài Gòn ITO, Phú Nhuận nhiệt tình giải đáp thắc mắc của người tham dự.

PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Phó giám đốc BV Nguyễn Trãi và BS.CK2 Phan Văn Ngọc, Khoa Chấn thương Chỉnh hình – BV Sài Gòn ITO, Phú Nhuận nhiệt tình giải đáp thắc mắc của người tham dự. 

ThS.BSCK2 Phan Văn Ngọc, Khoa Chấn thương Chỉnh hình – BV Sài Gòn ITO Phú Nhuận  chia sẻ, bệnh lý thoái hóa khớp gối xảy ra khi có sự mất cân bằng bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Nguyên nhân có thể do nguyên phát và thứ phát. Ở thể nguyên phát, thường xảy ra ở người sau 60 tuổi, có yếu tố di truyền hay béo phì. Với thể thứ phát, có thể xảy ra sau chấn thương gãy xương, trật  khớp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, bệnh gút...

Điều trị thoái khóa khớp gối thường lâu dài, tốn kém rất nhiều nên người cao tuổi cần có chế độ ăn uống hợp lý, chống béo phì, có chế độ thể dục thể thao hợp lý, phát hiện điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp…

Bên cạnh chương trình “Vui Khỏe Mỗi Ngày”, Báo Khoa Học & Đời Sống cũng trao 400 suất quà trị giá  gần 200.000 đồng cho người cao tuổi tham dự chương trình và đặc biệt, dành tặng 50 phần quà, mỗi phần quà trị giá trên 400.000 đồng cho những người cao tuổi, người neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận 11.

Đại diện Ban tổ chức, nhà báo Nguyễn Minh Quang cũng gửi lời cảm ơn đến đơn vị đồng hành của chương trình Vui Khỏe Mỗi Ngày là Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, Công ty Mekophar, Công ty TNHH Neslte Việt Nam.

An Lâm

BẢN DESKTOP