Trong nước

Vụ Việt Á: Tự bào chữa, Phan Quốc Việt nói “không có động cơ vụ lợi”

  • Tác giả : Hải Ninh
Tự bào chữa, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á nhận sai phạm do mình gây ra, nhưng nhiều lần nói rằng, không có động cơ vụ lợi nào.
Ngày 28/12, phiên tòa sơ thẩm đại án Việt Á tại Tòa án Quân sự Thủ đô tiếp tục phần tranh luận, các luật sư và bị cáo trình bày quan điểm, lập luận để bào chữa.
Tự bào chữa, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á nhận sai phạm do mình gây ra nhưng nhiều lần nói rằng, không có động cơ vụ lợi nào. Bị cáo Việt nói rằng, nếu Học viện Quân y tự chủ được quy trình nghiên cứu, sản xuất kit test, Công ty Việt Á sẽ không tham gia.
Vu Viet A: Tu bao chua, Phan Quoc Viet noi “khong co dong co vu loi”
Bị cáo Phan Quốc Việt
Bị cáo Việt cũng trình bày, bản thân không ngại khó mà xông vào tâm dịch, bất chấp nguy hiểm về tính mạng. Thời điểm đó, Việt Á là đơn vị duy nhất có kit xét nghiệm. Dù sau đó xuất hiện những đơn vị khác cũng có test nhưng chất lượng không được bằng Việt Á.
"Cả nước cần Việt Á về kit xét nghiệm, chống dịch", bị cáo Việt nhắc đi nhắc lại câu này trong phần tự bào chữa và cho rằng, bản thân đầu tư hàng trăm tỷ đồng, cùng nhiều con người xông pha vào giữa dịch bệnh.
Theo bị cáo Việt, nếu về kit xét nghiệm thì công trạng là của Việt Á, cần được ghi nhận và công ty này không có gì để vụ lợi. Chính Việt Á là đơn vị áp dụng mẫu gộp, giúp tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng cho đất nước, giúp tăng tốc độ xét nghiệm… “Vì nhân dân đất nước, bị cáo sẵn sàng hy sinh tính mạng”.
Bị cáo Phan Quốc Việt cho rằng, ở tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", bị cáo không có cách nào khác, nếu quay lại thời điểm đó, dù biết kết quả xảy ra như hôm nay, bị cáo vẫn làm, vì việc làm đó là để cho đất nước được bình an.
Bị cáo Việt mong tòa xem xét đến tính chất phạm tội của bị cáo khi mà sai phạm và đóng góp của bị cáo đều xảy ra trên cùng sự việc, trong thời điểm Covid-19.
“Nếu không sai phạm thì không có đóng góp được trong việc chống dịch”, bị cáo Việt nói.
Trước khi kết thúc hơn 10 phút tự bào chữa, Việt khẳng định nếu không sai phạm, không thể kịp thời chống dịch. "Với những đóng góp như vậy, nếu có những xem xét của quý tòa thì có lẽ những người có đóng góp như bị cáo sẽ có nguồn động viên, khích lệ hơn, thay vì mức án quá nặng", bị cáo Việt nói.
Bào chữa cho bị cáo Phan Quốc Việt, luật sư Hà Thế Long cho rằng, thời điểm xảy ra vụ án, chính Học viện Quân y cần Việt Á. Công ty này tham gia đề tài vì bị cáo Việt muốn giữ quan hệ tốt với Bộ KH&CN, đơn vị chủ quản trong lĩnh vực mà Việt Á hoạt động. Bản thân bị cáo Việt không phải là người chủ động xin được tham gia đề tài và thời điểm đó Nhà nước kêu gọi các cá nhân, tổ chức cùng tích cực tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo luật sư Long, tiền bị cáo Việt đưa cho các cán bộ Học viện Quân y không phải là tiền đưa hối lộ mà số tiền này là lợi nhuận mà Việt Á có được, chi cho Học viện Quân y nhằm hỗ trợ với mục đích chống dịch chứ không nhằm mục đích khác.
Luật sư cũng nêu việc bị cáo Việt có thành tích xuất sắc trong công tác, được Bộ KH&CN cấp bằng khen trong nghiên cứu, sáng tạo. Ngoài ra, công ty này cũng có 9 lần được tặng thưởng bằng khen, giấy khen…
Một luật sư khác khi bào chữa cho Phan Quốc Việt đã đặt vấn đề về việc người ký văn bản ở Học viện Quân y không bị truy tố xét xử dù theo quy định của pháp luật thì người ký văn bản phải chịu trách nhiệm.
Tự bào chữa, bị cáo Hồ Anh Sơn, cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y tự đặt câu hỏi: "Nếu ở hoàn cảnh như tôi, trước chất lượng 2 loại kit như vậy, mọi người sẽ chọn cái nào, sẽ làm gì?".
Luật sư Hà Trọng Đại, người bào chữa cho bị cáo Hồ Anh Sơn cho rằng, mức án mà đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Sơn mức án từ 11-13 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là quá nặng, chưa xem xét hết tình tiết, nguyên nhân, diễn biến hành vi phạm tội của ông Sơn.
Luật sư Đại nêu quan điểm, vị đại diện VKS cho rằng bị cáo Sơn có 3 tình tiết giảm nhẹ. Theo quy định của pháp luật, nếu bị cáo mà không có tình tiết tăng nặng, cần xem xét xử phạt bị cáo mức dưới khung hình phạt.
Các luật sư khác bào chữa cho bị cáo Sơn đều nhấn mạnh, thực hiện hành vi, ông Sơn ý thức rằng đang cùng Việt Á thực hiện nhiệm vụ. Sở dĩ bị cáo chọn kit xét nghiệm của Việt Á chứ không phải chọn kit xét nghiệm của Học viện Quân y vì chất lượng kit xét nghiệm của Việt Á tốt hơn sau khi đã cùng thử nghiệm kit của cả hai đơn vị.
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng, Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN đề nghị HĐXX xem xét về mặt nhận thức của bị cáo.
Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo nhận thức rằng, quy trình sản xuất bộ kit xét nghiệm là đề tài, là tài sản của Nhà nước, phù hợp theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Hùng cho rằng, việc tách vụ án để hai Tòa án cùng xét xử là điều thiệt thòi cho bị cáo. “Chỉ vì cơ quan chủ trì đề tài là của bên quân đội mà tách vụ án để xử ở hai Tòa án là rất thiệt thòi cho bị cáo”, lời tự bào chữa của ông Trịnh Thanh Hùng.
Bào chữa cho bị cáo Hùng, luật sư đưa ra quan điểm cho rằng bản thân bị cáo Hùng không phạm tội như cáo buộc.

Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt bị đề nghị từ 25 đến 26 năm tù

Trước đó, đại diện Viện kiểm sát Quân sự Thủ đô Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày quan điểm xử lý vụ án và đề nghị mức án đối với 7 bị cáo.

Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ, thời điểm dịch COVID - 19 gây ra nhiều thiệt hại ở Việt Nam và thế giới, trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải ra sức chống đỡ, nhưng các bị cáo lại có hành vi gian dối, lợi dụng dịch bệnh để phạm tội, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Hành vi của các bị cáo xâm phạm quyền quản lý, làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, gây giảm uy tín của cơ quan Nhà nước nói chung và Học viện Quân y nói riêng…

Do đó, các bị cáo phải bị tuyên phạt bằng những bản án nghiêm khắc mới tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội. Tuy nhiên, khi lượng hình cũng cần ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như: thành khẩn khai báo, có thành tích trong công tác, nộp tiền khắc phục hậu quả, gia đình có liệt sĩ… Ngoài ra, Học viện Quân y cũng có văn bản xin giảm nhẹ hình phạt cho 4 bị cáo là cựu sĩ quan trong Học viện Quân y.

Đối với 2 bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ 15 năm tù; Hồ Anh Sơn, cựu Thượng tá, cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y từ 11 - 13 năm tù.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Văn Hiệu, cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng Trang bị vật tư, Học viện Quân y từ 7 - 8 năm tù; Ngô Anh Tuấn, cựu Thiếu tá, cựu Trưởng phòng Tài chính, Học viện Quân y từ 3 - 5 năm tù; Lê Trường Minh, cựu Thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược, Học viện Quân y từ 6 - 7 năm tù; Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á từ 6 - 7 năm tù.

Đối với bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” , từ 10 - 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt cả hai tội danh từ 25 - 26 năm tù.

Về hình phạt bổ sung, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cấm các bị cáo đảm nhận chức vụ quản lý từ 2 - 5 năm sau khi chấp hành xong án phạt tù.

>>> Mời độc giả xem thêm video 38 bị can trong đại án Việt Á: Nhìn lại những sai phạm

Hải Ninh

BẢN DESKTOP