Khám phá

Vũ Văn Lý ông nghè yêu nước – kỳ 2: Xây đình, dựng bia để răn dân

Tiến sĩ Vũ Văn Lý về nghỉ hưu tại quê nhà xã Vĩnh Trụ ở tuổi 65, khi sức khỏe đã giảm sút nhiều “bệnh tật khắp người” như lời ông tự bạch trong thơ, nhưng ông vẫn đem hết sức lực cuối đời để làm việc cho quê hương.

Tiến sĩ Vũ Văn Lý dành hết sức lực để làm việc cho quê hương (ảnh minh họa).

 Xây đình, dựng bia để răn dân

Vũ Văn Lý đã bỏ công sức, trí tuệ và tiền của bao nhiêu năm tích góp được, cùng phần đóng góp của dân làng, để xây dựng đình làng và khu văn chỉ, giờ đây đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ông đã cho khắc lên bảng gỗ thờ thần trong hậu cung hàng chữ “Phi nhân thực thân duy đức thị y thần, thông minh chính trực nhi nhất giả dã”- có nghĩa là: “Nếu chẳng phải là người thực có lòng làm điều nhân đức, thì đâu gặp được sự tốt lành, bởi vì thần vốn là bậc sáng suốt, ngay thẳng trước sau như một”.

Hoặc như khi soạn văn bia ghi về việc làm đình làng, ông cũng đưa ra ý tưởng trong sáng liêm khiết của mình và tấm bia đá răn bảo mọi người:  “Luật lệ của làng ta là phải tiết kiệm, không được dùng của công vào việc ăn chơi xa xỉ, phải cấm mọi điều gian dối, ngăn chặn tham nhũng, cấm kỵ việc cạnh tranh kiện cáo.

Vẫn biết rằng như lửa khói mỗi ngày bốc lên càng cao, cạnh tranh lợi nhuận là không hề giảm bớt. Việc làng xóm tuy nhiều nhưng chẳng ngại phiền, chi phí dù lớn cũng chẳng ngại tốn kém, trước tiên phải thành hiệu quả trong dân, rồi đến việc phải hết sức thành tâm với thần linh. Có vậy mọi việc mới lên thành quả. Đó là điều cần nói ra rộng”.

 Thày nào trò nấy

Danh thần thi tập là bút tích duy nhất và cũng là tiếng lòng tha thiết nhất của ông trước cuộc đời. Hầu hết các bài thơ trong Danh thần thi tập phản ánh tâm trạng, cuộc sống của ông ở hai giai đoạn làm quan triều đình. Những băn khoăn trăn trở trước thời thế. Từ biệt triều đình lần thứ nhất, ông viết bài “Tập thiện đường bái biệt”:

          Cửu niên giảng tịch hộ Xuân Ôn,

          Ngọc trát tân thừa thị các môn

          Tình đáo biệt thời ưng hữu đễ

          Tâm tương chiêu xứ cánh hà ngôn

          Đông tây duy mệnh khâm thần tiết

          Văn võ phi tài thiển Quốc ân

          Bình tố giảng minh văn vũ ngữ

          Tiên ưu hậu lạc niệm thường tồn.

Đại ý: chín năm làm chủ giảng ở Xuân Ôn, thảo giấy tờ việc quan cho các cửa; chút tình quyến luyến với các em ở quê nhà chẳng biết ngỏ cùng ai. Mọi việc làm chỉ cố khâm mệnh theo lễ tiết vua tôi; tài văn võ không có nghĩa mà thẹn với công ơn đất nước, tuy vậy vẫn phải giảng sách, bình văn bằng lời chân chính là thường tâm niệm giữ cho trọn lẽ hậu lạc tiên ưu.

Đến lần từ biệt thứ hai với triều đình, ông viết:

          Quân thần phân nghị nhật nhĩ trường

          Lão bệnh nan thân xứng sở vong

          Phong quốc nhất tâm thường tỉnh nguyệt

          Ưu dân lưỡng phát dĩ thành sương.

Đại ý: tình vua tôi trải đã bao ngày, già yếu bệnh tật chẳng xứng với lòng mong ước của vua, duy chỉ tấm lòng phụng sự đất nước luôn sáng như trăng rằm, bởi ưu lo dân mà tóc ngả màu sương.

Hai bài thơ ông viết ở hai lần tạm biệt triều chính để về quê sinh sống cách nhau 20 năm nhưng đều toát lên lòng yêu nước thương dân. Nhất là ở một triều đình ông đang phụng sự đã biểu lộ sự yếu hèn, bất lực trước sự xâm lược của thực dân Pháp.

Ở thời điểm Vũ Văn Lý đang làm quan tại triều là lúc vận mệnh đất nước đang đứng trước một nguy cơ lớn. Đó là sự xâm lấn ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, mà sự đối phó của triều đình thì vô cùng bạc nhược. Sự bế tắc này luôn giày vò ông, nhất là khi thấy mình không làm được gì để báo đền đất nước.

Để an ủi mình, Vũ Văn Lý chỉ biết thốt lên: “Tài tình bán vị côn thi lụy; thân địa thường ưu báo quốc khinh” (một chút tài thì quá nửa vì thơ, thân này dù đã nằm trong đất vẫn không dám xem nhẹ, lòng lo báo quốc).

Với những suy tư sâu sắc như vậy, Vũ Văn Lý đã truyền dạy cho các thế hệ học trò của mình về nỗi trăn trở trước cuộc sống đau khổ của hàng triệu sinh linh nước Việt, về lòng yêu quê hương đất nước, về phẩm hạnh làm quan làm người để rồi sau này học trò Nguyễn Khuyến cũng như ông nghè Vũ Hữu Lợi trở thành những người yêu nước lớn.

Thật là thầy nào trò nấy, một thế hệ trí thức đáng kính của đất Hà Nam. Tiến sĩ Vũ Văn Lý xứng danh là một nhà giáo một nhà văn hóa đáng được tôn trọng.

Tuấn Đạt

BẢN DESKTOP