Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TPHCM đã có kết luận về nguyên nhân tử vong sau hút mỡ bụng của bệnh nhân N.T.N.T. tại Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo.
Phóng viên Khoa học và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TPHCM xung quanh tai biến y khoa này.
Cần thẩm định lại điều kiện chuyên môn kỹ thuật!
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TPHCM, sau hút mỡ bụng, người bệnh tử vong vì sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan diễn tiến tối cấp do viêm cân mạc hoại tử thành bụng sau phẫu thuật hút mỡ bụng, cơ địa béo phì, tăng huyết áp… Như vậy với kết luận này, Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo sẽ bị xử lý như thế nào, thưa bác sĩ?
Với kết luận này, Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo được xem là có “sai phạm” vì đã gây ra tình trạng nhiễm trùng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu một chứng cứ y khoa vô cùng quan trọng là kết quả giải phẫu tử thi.
Trên lâm sàng, chúng ta có thể đưa ra nhiều giả thuyết, nhiều hướng. Nhưng cuối cùng là cái gì, nguyên nhân gì, chúng tôi thiếu nhiều bằng chứng cụ thể. Nhiễm trùng từ đâu, bên trong khoang bụng hay ổ nhiễm trùng từ ngoài da, dụng cụ… đều không thể xác định chính xác.
Sau kết luận của Hội đồng Chuyên môn, Sở Y tế TPHCM sẽ còn phải tổ chức đoàn kiểm tra, giám định lại chức năng cũng như điều kiện chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo.
Trong công văn trả lời đơn của ông B.N.V., phản ánh BS Phùng Mạnh Cường đã tắc trách trong hút mỡ bụng cho vợ ông là bệnh nhân N.T.N.T. tại Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo dẫn đến tử vong có nêu rõ, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TPHCM kết luận “có thiếu sót trong ghi chép hồ sơ bệnh án và quá trình chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật hút mỡ bụng”. Sai sót này nên được hiểu như thế nào?
Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TPHCM đã ban hành cũng như hướng dẫn một quy trình làm hồ sơ bệnh án rất chặt chẽ.
Theo đúng quy trình tư vấn, khám, chẩn đoán, điều trị hay chăm sóc bệnh nhân, từ khâu nhận bệnh, khám sàng lọc, đặc biệt là vấn đề dùng thuốc, quy trình phẫu thuật, tình trạng hậu phẫu… nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra các sự cố y khoa đáng tiếc như trường hợp trên.
Trong khi thực hành, nhiều nơi không tuân thủ, không được giám sát cẩn thận, thiếu khâu này khâu kia dẫn đến việc điều trị cũng như chăm sóc bệnh nhân không đầy đủ và nguy cơ tai biến xảy ra có thể tăng cao.
Ông Phùng Mạnh Cường có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh số 004322/Đnai-CCHN ngày 21/10/2013. Tuy nhiên, ông này đã quảng cáo là “Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Hàn Quốc KSAS khu vực Việt Nam”, là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Catholic Hàn Quốc… Với vai trò là Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TPHCM, theo ông, chức danh này có đúng không?
Chúng tôi hợp tác khá chặt với các hội Phẫu thuật Thẩm mỹ, Thẩm mỹ Tạo hình Hàn Quốc. Mỗi hội có quy mô, điều lệ riêng về tiêu chuẩn hội viên tùy theo tầm vóc và mức độ chính thống của hội và có thể rất khó được kết nạp.
Tuy nhiên, vẫn có thể trở thành hội viên quốc tế, danh dự… của một số hội Hàn Quốc nào đó khá dễ dàng. Nhưng là “Chủ tịch”, “giáo sư Đại học”, phải xem lại, nhiều khi chỉ là một cách xử lý chủ quan thế nào đó về từ ngữ - trong mục đích quảng cáo mà thôi!!!
Các loại bằng cấp như “Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Hàn Quốc KSAS khu vực Việt Nam”… không được nộp cho Sở Y tế TPHCM hay Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TPHCM nên thật sự chúng tôi cũng không thể kiểm chứng được.
Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, bệnh nhân N.T.N T. (sinh năm 1971, TPHCM) vào Khoa Cấp cứu lúc 15h38 ngày 17/10/2021 trong tình trạng: Tỉnh kích thích, đau bụng, huyết áp 9/6cmHg, mạch 164l/phút.
Ngay khi tiếp nhận, Khoa Cấp cứu đã tiến hành hồi sức, hội chẩn khẩn và nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên Khoa ICU trong tình trạng lơ mơ, bóp bóng qua nội khí quản HA 8/5cmHg đang dùng vận mạch.
Người bệnh được xử trí như thở máy, thuốc vận mạch, lọc máu ngoài thận, kháng sinh. Tình trạng diễn tiến của người bệnh ngày càng nặng, không đáp ứng điều trị.
Bệnh nhân tử vong vào khoảng 21h ngày 18/10/2021 với chẩn đoán: Sốc nhiễm trùng, viêm cân mạc hoại tử/hút mỡ bụng ngày 3, sau nhập viện 1 ngày.
Theo PGS.TS.BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm hết sức, hội chẩn toàn viện (ngoại khoa, thẩm mỹ...) và dùng các phương pháp điều trị kỹ thuật cao. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân tối cấp, diễn biến quá nhanh.
Giải phẫu tử thi mới biết rõ bệnh nhân mất vì nguyên nhân gì
Đối với những trường hợp tử vong như bệnh nhân nói trên, lời khuyên của ông dành cho thân nhân là gì?
Sau những sự cố y khoa, “người nhà thường hay xin đưa bệnh nhân về”, đó là một hành động rất không đúng. Hãy để người bệnh ngay tại bệnh viện vì ngành y đã quy định đầy đủ về cách xử lý các vấn đề xảy ra quanh sự sống và cái chết của bệnh nhân.
Chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật tử thi để xác định rõ tình trạng thực sự của bệnh nhân, nguyên nhân của cái chết bằng những phương pháp khảo sát đại thể, vi thể cũng như có thể đo lường được các loại độc chất trong cơ thể bệnh nhân, từ đó có thể nói lên “tiếng nói của người đã chết”.
Trong một thời gian khá dài trước đây, tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, 100% ca tử vong có nghi ngờ, kể cả chấn thương sọ não, đều được giải phẫu tử thi. Như vậy, chúng ta mới biết rõ bệnh nhân mất vì nguyên nhân gì.
Vậy theo ông, ngành phẫu thuật thẩm mỹ có cần đề xuất cho các trường hợp tử vong sau làm đẹp cần giải phẫu tử thi để thêm chứng cứ y học không?
Hiện nay, hầu hết các trường hợp, vì không có kết quả giải phẫu tử thi, các hội đồng chuyên môn như chúng tôi chỉ suy luận dựa trên hồ sơ bệnh án, những ghi chép biểu hiện lâm sàng, diễn biến bệnh, các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng (sinh hóa máu, nước tiểu siêu âm, phim X-quang, CTscan...) để đi đến những kết luận hợp lý nhất mà thôi!
Nếu thật sự người nhà muốn tìm đến tận cùng nguyên nhân tử vong của người thân mình, hãy để ngành y tiến hành giải phẫu tử thi. Như vậy, chúng tôi mới có thể kết thúc được vấn đề, “đưa ra kết luận chính xác sau cùng”.
Điều này thực sự có lợi lớn cho ngành y và cả người bệnh. Qua sự mất mát, tận dụng để học thêm được bài học quý giá trên sinh mạng bệnh nhân nhằm chữa trị tốt hơn và giảm thiểu các sự cố y khoa cho những bệnh nhân kế tiếp.
Những kết luận về pháp y như vậy cũng là nền tảng pháp lý tối cần thiết.
Chúng tôi rất mong sẽ có những quy định chặt chẽ về việc xử lý những trường hợp bệnh nhân tử vong, việc giải phẫu tử thi phải thành pháp lệnh để chúng ta tiến những bước chắc chắn trong chuyên môn y khoa cũng như trong tố tụng!
Xin cảm ơn ông!
Thanh tra Sở Y tế TPHCM bao che cho Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo?
Ông B.N.V. (chồng của nạn nhân) bức xúc: “Sau khi đọc kết luận của hội đồng, Thanh tra Sở Y tế TPHCM mời tôi ra ngoài. Tôi phải chờ 4 tiếng đồng hồ, nhưng không được hỏi thêm bất cứ điều gì và không được giải đáp thỏa đáng “Vì sao vợ tôi lại tử vong nhanh chóng như vậy? Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo chịu trách nhiệm tới đâu trong cái chết của vợ tôi?”.
Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã làm việc với Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo như thế nào?
Trong khi video quay được vào lúc khoảng 12h trưa ngày 17/11, tôi đã yêu cầu Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo chuyển bệnh nhân là vợ tôi đi Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, nhưng bệnh viện không chịu, chần chờ từ lúc 12h đến hơn 15h, mới đưa vợ tôi xuống sảnh.
Thậm chí bệnh viện đó cũng không có sẵn xe cấp cứu. Vợ tôi phải nằm ở sảnh chờ đợi một lúc mới có xe đến đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.
Vậy mà giờ đây Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo lại thản nhiên mở cửa hoạt động”.
Ông V. cho biết, gia đình ông sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc này lên Bộ Y tế và các cơ quan chức năng có liên quan.