Bình luận

Vụ nhiễm HIV/AIDS ở Tân Sơn, Phú Thọ: “Tảng băng chìm” HIV/AIDS sẽ dần nổi lên

Theo PGS.TS Chung Á, Nguyên PCT UBQG về phòng chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm, hiện nay, nhiều người ngộ nhận rằng HIV/AIDS không còn là hiểm họa nguy hiểm, nên đã xao nhãng việc phòng ngừa lan nhiễm.  Vụ việc nhiễm HIV/AIDS ở Tân Sơn, Phú Thọ tựa như “tảng băng chìm”, và chắc chắn những “tảng băng” tương tự sẽ dần nổi lên.
Nhiễm HIV/AIDS

PGS.TS Chung Á trò chuyện cùng PV KH&ĐS. Ảnh Trần Hải.

Ngộ nhận HIV/AIDS không còn là hiểm họa 

Thông tin 42 người ở xã Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ bị nhiễm HIV/AIDS ở Tân Sơn, Phú Thọ khiến không ít người “giật mình”. Ông có suy nghĩ gì trước con số đó?

Việc phát hiện 42 ca nhiễm HIV khi tiến hành xét nghiệm  490 người trên địa bàn xã  Kim Thượng huyện Tân Sơn, Phú Thọ, chiếm tỷ lệ khoảng 8%  là một tỷ lệ khá cao nếu như các phương pháp xét nghiệm đúng theo chuẩn đã được qui định.

Trong những năm trước năm trước đây, do công tác truyền thông được rất coi trọng, được đầu tư đúng mức nên nhân dân ta nói chung và các nhân viên y tế nói riêng rất lo ngại, thận trọng và thực hiện nghiêm ngặt việc phòng tránh lan nhiễm HIV/AIDS.

Hiện nay, do công cuộc phòng chống  HIV/AIDS đã thu được một số kết quả bước đầu mà nhiều người ngộ nhận rằng nhiễm HIV/AIDS không còn là hiểm họa nguy hiểm. Rằng nhiễm HIV/AIDS không đáng sợ như ung thư hay tai nạn giao thông … Vì vậy, xao nhãng việc phòng ngừa lan nhiễm.

Điều đó sẽ dẫn tới hệ quả như thế nào, thưa ông?

Nhiều người dân thiếu kiến thức về dự phòng lây nhiễm HIV nên dễ có những hành vi không an toàn dẫn tới việc dễ bị lây nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt, các cơ sở y tế tuyến cơ sở xã, phường, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo … hầu như ít chú trọng thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các qui định về thận trọng phổ quát và thường qui vô khuẩn liên quan đến lây nhiễm HIV/AIDS.

Tình hình trên chắc chắn sẽ làm bùng phát việc lây nhiễm HIV/AIDS ở nhiều địa phương, nhất là miền núi, vùng nông thôn, những nơi điều kiện về y tế còn nhiều bất cập.

Nhưng theo tôi được biết, thì con số nhiễm HIV/AIDS của chúng ta đang giảm dần?

Ở Việt Nam, ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện vào năm 1990. Nếu như, trong những năm 2000- 2006, mỗi năm phát hiện bình quân 30.000 đến 32 000 người nhiễm HIV thì đến giai đoạn từ năm 2010 đến nay, việc phát hiện nhiễm mới giảm xuống còn khoảng 6.000 đến 10.000 ca.

Tuy nhiên, trường hợp xã Kim Thượng không là xã cá biệt. Theo Cục Phòng chống AIDS, trên toàn quốc có trên 60 xã phường có tình hình nhiễm HIV với tỷ lệ như trên.

Vì HIV là loại vi rút lây truyền thông qua hành vi của con người, nên nhân tố có tính quyết định trong việc ngăn ngừa lan nhiễm HIV/AIDS chính là phải đảm bảo được mọi người từ người già đến trẻ em, từ các nhà lãnh đạo cộng đồng đến dân chúng bình thường phải thực hành hành vi an toàn trong dự phòng HIV/AIDS.

Nợ công không chịu nổi, tảng băng nổi

Như vậy phải chăng vụ việc như ở Kim Thượng, và các con số thống kê khác vẫn chỉ như những “tảng băng chìm”. Còn nhiều tảng băng khác chưa lộ diện. Ý kiến của ông thế nào?

Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã cho biết, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại xã Kim Thượng là vào năm 2012. Trong những năm gần đây, số người nhiễm HIV mới được phát hiện và số người tử vong do AIDS tại địa bàn xã Kim Thượng ngày một gia tăng. Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh Phú Thọ đã triển khai nghiên cứu, làm xét nghiệm HIV 490 người được lựa chọn trong xã và phát hiện được thêm 42 người bị nhiễm HIV/AIDS.

Từ năm 2015 đến nay trên địa bàn xã, đã có 5 người tử vong vì AIDS. Điều đó có thể khẳng định những ca lây nhiễm HIV đầu tiên tại Kim Thượng đã xảy ra từ trước năm 2010.

Điều đó, có nói lên, công tác giám sát dịch HIV của chúng ta có vấn đề?

Điều đó, khiến một câu hỏi đặt ra là, vì sao hàng năm chúng ta đều tiến hành giám sát dịch tễ học HIV/AIDS mà hàng chục năm qua không phát hiện ra được những ổ dịch có tỷ lệ nhiễm đến 8% như vậy? Có điều gì chưa ổn trong hệ thống giám sát dịch HIV của chúng ta? Nếu các địa phương đều tiến hành như Phú Thọ thì sẽ còn có bao nhiêu Kim Thượng nữa? Điều này để Bộ Y tế và Cục Phòng chống AIDS đánh giá và trả lời công luận. Nghi ngờ đây chỉ là “tảng băng chìm” là có cơ sở.

Để “tảng băng chìm” ấy lộ diện có khó không, thưa ông?

Theo tính toán, mỗi năm nhà nước ta phải đầu tư cho PC AIDS bằng mọi nguồn lực khoảng 280 đến 300 triệu USD thì mới mong đạt được các mục tiêu đã đề ra. Điều đó chắc chắn sẽ không có trong hoàn cảnh nền kinh tế hiện nay của nước ta khi mà nợ công đến ngưỡng không chịu nổi ((mỗi người dân gánh tới gần 30 triệu đồng).

Và như vậy tảng băng chìm về HIV/AIDS sẽ dần nổi lên, lộ diện, trừ khi Nhà nước đủ kinh phí chi cho Phòng chống HIV/AIDS như viện trợ quốc tế to lớn trong những năm qua.

Bước đầu là trên 60 xã phường có tỷ lệ lan nhiễm cao và rồi nhiều xã vùng cao, những nơi dân trí thấp, nghèo đói và sự tấn công không ngăn chặn được của làn sóng ma túy mới ở nước ta…

Công cuộc PC AIDS sẽ thất bại vì không giữ nổi tỷ lệ lan nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3% như chiến lược Quốc gia PC AIDS đặt ra. Và Việt Nam không thể thực hiện mục tiêu chiến lược 90-90-90 vào năm 2020, chấm dứt đại dịch vào năm 2030.

Để đảm bảo cho PC AIDS thực hiện thành công các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, trên phạm vi toàn cầu cần 20 tỷ USD, và chấm dứt đại dịch vào năm 2030  thì đến năm 2025 cần thiết phải có 25 tỷ USD. Như vậy theo liên hợp quốc thì bình quân đầu người phải đạt 3 USD mỗi năm vào năm  2020 và khoảng 4 USD vào năm 2025.

Theo đó với trên 90 triệu dân, mỗi năm nhà nước ta phải đầu tư cho PC AIDS bằng mọi nguồn lực khoảng 280 đến 300 triệu USD thì mới mong đạt được các mục tiêu đã đề ra. Đây lại là một khó khăn chưa có lời giải trong điều kiện nền kinh tế kém phát triển và nợ công đè lên đầu người dân nước ta bình quân từ trẻ thơ đến người cao tuổi  khoảng 30 triệu đồng.

Đừng coi chỉ là trách nhiệm của ngành y tế

Vậy trong tình hình nguồn lực về kinh tế hạn hẹp, theo ông, để giảm thiểu con số lây nhiễm ở mức thấp nhất có thể, làm nhỏ lại những “tảng băng chìm” ấy, chúng ta cần làm gì?

Phòng chống HIV/AIDS là một việc khó vì nó yêu cầu các biện pháp rất tổng hợp, rất đồng bộ. Vừa cần các biện pháp y tế, vừa phải đồng thời tiến hành các biện pháp xã hội, các biện pháp liên quan đến nguồn lực tài chính và luật pháp…

Ở đâu, và chừng nào mà các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội, chính quyền và cộng đồng còn đứng ngoài cuộc, coi việc đó chỉ là vấn đề của ngành y tế, thì ở đó chắc chắn HIV/AIDS sẽ lan nhiễm nhanh.

Cụ thể, những giải pháp ấy như thế nào, thưa ông?

Tình hình Kim Thượng hiện nay chắc chắn đang rất nóng bỏng cho  chính quyền địa phương, cho những người được xét nghiệm có kết quả bước đầu dương tính với HIV, cho gia đình họ và cho nhân dân trong toàn xã. Để giải quyết tình hình này theo tôi phải giải quyết đồng bộ các vấn đề sau:

Trước hết:  Cần ổn định tình hình dư luận trong xã, tạo tinh thần thương yêu, đùm bọc, thông cảm, chia sẻ của cộng đồng với những người nhiễm HIV và gia đình họ. Chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Cần hết sức tránh việc đồng nhất lây nhiễm HIV/AIDS với tệ nạn xã hội như nghiện tiêm chích ma túy, “đèn đỏ”, mại dâm …

Khi chưa tìm ra nguyên nhân lây nhiễm không nên qui kết trách nhiệm cho ai đó có thể làm lây nhiễm HIV cho nhiều người. Việc đó nên để các cơ quan nghiên cứu và điều tra tiến hành và  đưa ra kết luận.

Hai là, ngành y tế cần phải làm tốt công tác tư vấn cho tất cả 42 người đã xét nghiệm và bị dương tính với HIV. Rà soát lại việc xét nghiệm thẩm định của trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh theo đúng chuẩn mà Bộ Y tế qui định để loại trừ tất cả các trường hợp dương tính giả.

Cần tư vấn kỹ rồi thông báo kết quả xét nghiệm HIV cho những người bị nhiễm HIV/AIDS. Tiến hành tư vấn, giải thích, hỗ trợ để điều trị ngay bằng thuốc ARV miễn phí cho những người nhiễm HIV/AIDS. Việc điều trị sớm ARV sẽ giúp giảm tải lượng virus HIV trong máu và có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV  cho vợ hay bạn tình qua quan hệ tình dục.

Ba là, ngành y tế tỉnh Phú Thọ nên tổ chức mở rộng xét nghiệm HIV miễn phí cho người dân có nhu cầu trong vùng và các khu vực khác của tỉnh Phú Thọ nhằm đánh giá đúng tình hình lan nhiễm HIV/AIDS tại Kim Thượng và tại Phú thọ.

Bốn là, Bộ Y tế cần tổ chức cho các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu nhằm tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm HIV cao tại xã Kim Thượng. Trên cơ sở đó rà soát lại hệ thống giám sát dịch và hệ thống xét nghiệm HIV của nước ta hiện nay.

Việc công bố tình trạng nhiễm HIV/AIDS của mỗi người, của mỗi địa phương cần tuân thủ chặt chẽ qui định của Luật PC HIV/AIDS. Việc công bố danh tính, hình ảnh của những người nhiễm HIV tại Kim Thượng như vừa qua của cơ quan y tế và một vài cơ quan truyền thông là vi phạm nghiêm trọng pháp luật cần được xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Năm là, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao kiến thức cho nhân dân trong vùng về phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt cần làm cho nhân dân hiểu rõ về cách thức lây nhiễm HIV qua đường máu, đường tình dục và lây truyền từ mẹ sang con, các biện pháp phòng ngừa, các hành vi an toàn và không an toàn trong việc lan truyền HIV/AIDS.

Sáu là, cần tiến hành các hoạt động nhằm tiếp tục tạo dựng sự cam kết của các nhà hoạch định chính sách , nhất là các cán bộ Đảng, Chính quyền từ Trung ương đến địa phương, Quốc hội Hội đồng Nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các tôn giáo.

Cần tiếp tục lôi cuốn những người nhiễm HIV, gia đình họ , những người có hành vi nguy cơ cao lan nhiễm HIV vào các hoạt động PC HIV/AIDS.

Trong điều kiện viện trợ Quốc tế cho phòng chống AIDS đang đi vào giai đoạn kết thúc, nhà nước cần tăng mạnh ngân sách dành cho PC AIDS. Chính phủ cần lôi cuốn và tạo những điều kiện thuận lợi cho cộng đồng các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào hoạt động PC AIDS nhằm đảm bảo sản xuất và sức khỏe của người lao động …

Việc đưa tên, tuổi, hình ảnh của những người bị nhiễm HIV sẽ vi phạm pháp luật như thế nào, thưa ông?

Một số tờ báo đã  đưa tên tuổi, hình ảnh của những người bị nhiễm HIV/AIDS ở Kim Thượng, nếu không được sự đồng ý của người nhiễm là vi phạm qui định tại Điểm 5, Điều 8 Luật Phòng chống HIV/ AIDS -2007, đó là: “Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó”.

Ngoài ra, việc qui kết theo lời của một số người  đã đến nhà y sỹ T. tiêm thuốc rằng y sỹ T. dùng 1  bơm kim tiêm tiêm chung  cho nhiều người nên làm lan nhiễm HIV/AIDS  ở Kim Thượng khi chưa có kiểm tra và công bố của cơ quan chức năng đã vô tình làm cho bản thân y sĩ T và nhiều người trong gia đình bị tổn thương nặng nề.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Loan (thực hiện)

BẢN DESKTOP