Trong nước

Vụ “chuyến bay giải cứu”: 54 người trước vành móng ngựa, ai “núp trong bóng tối”?

  • Tác giả : Hải Ninh
Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, có những người đang còn “núp trong bóng tối”. Các cơ quan tố tụng cần sớm làm rõ để truy tới cùng, nếu vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh.

Từ ngày 11/7, TAND TP Hà Nội bắt đầu phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo vụ “chuyến bay giải cứu” về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo dõi diễn biến phiên tòa, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, ngoài 54 bị cáo, cơ quan tố tụng cần tiếp tục làm rõ những người khác đã nhận tiền liên quan vụ án với tinh thần “không có vùng cấm”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phiên tòa xét xử 54 bị cáo mới bắt đầu xét xử nhưng qua những lời khai của các bị cáo, cũng như cáo trạng, ông có suy nghĩ thế nào?

Theo dõi phiên tòa xét xử những ngày qua, cũng như thông tin từ các cơ quan tố tụng, một lần nữa thấy được hành vi đưa, nhận hối lộ, trục lợi từ các chuyến bay giải cứu của các bị cáo từng là quan chức, cán bộ của 4 Bộ, 2 tỉnh, thành, 5 cơ quan đại diện Ngoại giao của Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Cần xử nghiêm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức những chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ có chức, quyền tại một số bộ, ngành, địa phương, lại lợi dụng cấu kết với doanh nghiệp để nhận hối lộ, trục lợi cá nhân.

Thậm chí, họ còn gây khó khăn, nhũng nhiều, làm khó doanh nghiệp tổ chức những chuyến bay để tạo ra cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp phải “bôi trơn”, đưa quà, đưa hối lộ. Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun, khai tại tòa việc “bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan khi là Cục trưởng Cục Lãnh sự còn gây khó khăn, rồi bảo đưa tiền, nhưng bị cáo không đưa đến sát một ngày, công ty của bị cáo mới được cấp phép, khó khăn cùng cực”; hay “Tại phòng họp của Bộ Y tế, bị cáo chứng kiến ông Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) quát một số chủ doanh nghiệp, yêu cầu phải nộp tiền 150 triệu”.

Phiên xét xử các bị cáo đang diễn ra, hành vi của họ sẽ được làm sáng tỏ tại tòa. Tôi cho rằng, cần những bản án xứng đáng cho các bị cáo này, đặc biệt là những người nhận hối lộ. Bản án phải có mức hình phạt cao nhất dành cho đối tượng phạm pháp nghiêm trọng trong vụ án.

Các bị cáo tại tòa


Các bị cáo tại tòa

“Không có vùng cấm”

Ngoài 54 bị cáo đang bị xét xử, hiện vẫn còn một số người được cho là nhận tiền, cơ quan điều tra đang làm rõ. Quan điểm của đại biểu như thế nào về việc này?

Vụ án “chuyến bay giải cứu” rất phức tạp. Để đưa được các bị cáo ra xét xử như hôm nay, có sự rất quyết tâm của Đảng, cũng như cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng như Viện Kiểm sát, Tòa án. Tôi đánh giá rất cao những quyết tâm này.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số người có liên quan việc nhận tiền nhưng chưa được làm rõ như bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ khai trong quá trình điều tra vụ án rằng, đã đưa một phần số tiền nhận được cho người khác… Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 12/7, bị cáo này lại nói “không đưa cho ai ở Văn phòng Chính phủ và không đưa cho ai khác”.

Từ lời khai của các bị cáo với cơ quan điều tra, cũng như tại tòa, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ có đúng sự thật hay không? Còn những ai nhận tiền, có cấu thành hành vi nhận hối lộ? Nếu những lời khai đó đúng sự thật, cần làm cho đến nơi đến chốn, xử lý nghiêm, không bỏ lọt bất cứ người nào với tinh thần “không có vùng cấm”.

Các bị cáo bị cáo buộc nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng nhưng theo cáo trạng số tiền khắc phục mới được 52 tỷ đồng và 460.000 USD, cần thiết phải thu hồi toàn bộ?

Tôi nghĩ việc các bị cáo nộp lại số tiền nhận hối lộ nhiều hay ít sẽ là tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ với chính họ. Tham ô, hối lộ mà không hoàn trả lại toàn bộ cho Nhà nước là ngoan cố, cần phải xử nặng. Nhà nước cũng cần phải thu hồi toàn bộ số tiền này từ các bị cáo trong vụ án. Còn các bị cáo nghĩ “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, không nộp lại toàn bộ tài sản tham nhũng, đương nhiên sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất.

Bài học kinh nghiệm đau xót

Qua vụ chuyến bay giải cứu và các đại án như Việt Á…, những bài học nào được rút ra?

Chuyện rút kinh nghiệm trong công tác cán bộ, chúng ta đã nhiều lần thực hiện, rút nhiều chỗ, nhiều nơi, nhiều vụ, chứ không chỉ chuyến bay giải cứu. Cán bộ cũng là con người nên quan trọng là phẩm chất đạo đức của mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên.

Các bị cáo đang bị xét xử từng là cán bộ, lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương là bài học đau xót để mỗi cán bộ, đảng viên nhìn vào soi chiếu, nêu cao tinh thần trách nhiệm của họ với Đảng, với Nhà nước với nhân dân.

Những cán bộ thoái hóa, biến chất, là một trong những con sâu làm rầu nồi canh, phải bị nghiêm trị để làm gương.

Đồng thời, vụ án trên cũng cho thấy việc giám sát quyền lực không chặt nên quan chức, công chức thường lợi dụng để thực hiện hành vi sai phạm, trục lợi cá nhân, tha hóa quyền lực. Do đó, từ vụ án này, các cơ quan chức năng cần rà soát việc giám sát quyền lực đối với cán bộ, tránh những hành vi tham nhũng, tiêu cực như thời gian qua!

Xin cảm ơn Đại biểu Phạm Văn Hòa về cuộc trao đổi trên!

Nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Cùng đó, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

Những ai đang bị điều tra trong giai đoạn 2 vụ án?

Các hành vi liên quan những cá nhân thuộc quân đội đã được Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an chuyển hồ sơ sang Bộ Quốc phòng để xử lý theo thẩm quyền.

Bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, từng khai, đã đưa một phần số tiền này cho người khác, nhưng sau đó lại nói “không đưa cho ai ở Văn phòng Chính phủ và không đưa cho ai khác" tại phiên tòa xét xử ngày 12/7. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc này.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ, cùng cấp dưới là bị cáo Nguyễn Tiến Thân được cơ quan tố tụng xác định, đã nhận hối lộ hơn 3,4 tỷ đồng và 10.000 USD. Bị cáo Nguyễn Tiến Thân chủ động khai đã nhận tiền của một số doanh nghiệp khác. Sự việc này đang được điều tra.

Bị cáo Bùi Huy Hoàng, cựu chuyên viên Bộ Y tế khai, từng đưa 650 triệu đồng cho bà Lê Thị Phượng, Phó trưởng Phòng thuộc UBND tỉnh Hải Dương. Cơ quan tố tụng cho biết, chưa có đủ căn cứ xác định bà Lê Thị Phượng nhận tiền hay không nên tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đối với Bộ Ngoại giao, ngoài các bị cáo đang hầu tòa, cơ quan điều tra xác định, còn một số người khác được nhận “tiền bồi dưỡng” khi tổ chức những chuyến bay đưa người về nước trong dịch COVID-19 nên cũng được tiếp tục làm rõ.

Trần Thị Hà Liên (lao động tự do) được xác định có hành vi môi giới hối lộ trong vụ án này nhưng đang bỏ trốn. Bà Liên được xác định giúp đưa tiền cho bị cáo Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ tham mưu Cục Quản lý Xuất nhập cảnh. Hành vi này sẽ được làm rõ khi bà Liên đầu thú hoặc bị bắt.

Hải Ninh

BẢN DESKTOP