Bình luận

Vụ án Đinh La Thăng là lỗ hổng trong quản lý điều hành kinh tế vĩ mô

PGS.TS Đỗ Đức Định, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế – Xã hội Hà Nội nói về vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm thể hiện có lỗ hổng trong quản lý kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, đó còn là vấn đề bổ nhiệm cán bộ không đúng năng lực, các quy định, văn bản điều hành còn chồng chéo, vai trò cá nhân quá lớn dẫn đến độc đoán…

PGS.TS Đỗ Đức Định, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế – Xã hội Hà Nội nói về vụ án Đinh La Thăng.

Kiểm soát kém, sai phạm lớn

Sáng 8/1, TAND Hà Nội khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đinh La Thăng (58 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN), Trịnh Xuân Thanh (52 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí – PVC) cùng 20 người trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC. Ông có theo dõi diễn biến phiên tòa?

Tôi có theo dõi chứ. Vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm, mình không thể đứng ngoài được.

Ở góc nhìn kinh tế, ông nghĩ sao về sai phạm của các bị cáo?

Trước tiên phải nói rằng sai phạm ấy là đáng trách, cần phải xử lý nghiêm để răn đe. Muốn chống tham nhũng thì phải quyết liệt với sai phạm. Tuy nhiên tôi thấy rằng nguyên nhân dẫn đến những điều ấy, một phần là do thể chế điều hành kinh tế vĩ mô của ta chưa chuẩn.

Dường như ta còn thiếu hẳn một thể chế điều tiết kinh tế thị trường đúng nghĩa, hoặc là việc điều hành ấy còn non kém, các quy định, văn bản chồng chéo.

Tôi tưởng mọi việc đều do con người chứ?

Đúng thế, nó cũng thể hiện rằng công tác bổ nhiệm cán bộ có chỗ chưa chuẩn. Có khi thực hiện luân chuyển cán bộ mà lại không liên quan gì đến lĩnh vực mình phụ trách, hoặc là chuyên môn không đủ để đảm nhiệm công việc. Rồi nghệ thuật lãnh đạo, làm thế nào để công việc trôi chảy, không vi phạm pháp luật…

Vậy giữa thể chế và con người có mối liên hệ thế nào?

Con người đặt trong bối cảnh thể chế thì thấy rằng thể chế quản lý như thế dễ sinh ra những con người như thế. Vai trò cá nhân đôi khi quá lớn, dẫn đến độc đoán. Kiểm soát kém nên khi xảy ra sai phạm không biết, hoặc có biết cũng không được xử lý triệt để. Rồi vấn đề lợi ích nhóm.

Người ta vẫn nói với nhau rằng nhóm này đã bị lộ. Còn những nhóm nào nữa thì không biết. Sai phạm của các bị cáo trong vụ án này rồi đây sẽ được làm rõ, sai đến đâu xử lý đến đấy.

Ông nghĩ sao về việc một cán bộ cấp cao như ông Đinh La Thăng bị xử lý mà không có “nể nang”?

Đây không phải trường hợp đầu tiên cán bộ cấp cao đương chức bị xử lý. Với những sai phạm ấy thì buộc phải xử, làm nghiêm để tránh nhờn luật. Nhưng cũng không có nghĩa rằng xử như thế là hết tham nhũng đâu.

Ở hội nghị thì gật gù

Sai phạm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, có thể hiểu là tham nhũng không thưa ông?

Đó chính là một dạng của tham nhũng chứ còn gì. Bởi vì cái lợi nó lớn quá, số tiền kiếm được nó dễ dàng quá, nên người ta cũng dễ sa ngã. Có những ông ở hội nghị thì gật gù, quán triệt tinh thần ghê lắm, nhưng ra khỏi hội nghị, có dự án được chia chác là ký ngay.

Đấy, vừa rồi Hà Nội có vụ lát đá vỉa hè đấy. Tuổi thọ đá là 70 năm mà được có 7 ngày đã bong tróc, hỏng hóc rồi. Những thất thoát trong vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh là rất lớn, buộc phải làm rõ trách nhiệm của từng người.

Theo ông thì có thể “lấp đầy” khoảng trống trong thể chế như ông nói bằng cách nào?

Từ luật, thể chế, hệ thống thanh kiểm tra, giám sát… đều phải xem lại. Đơn giản nhất là khâu thanh tra, giám sát. Làm sao để nó là thực chất chứ không phải là công cụ để chia chác lợi nhuận.

Làm sao để người ta đừng nói câu cán bộ giờ ăn 3 lương, lương thiện (lương cơ bản) thì bé, lương bổng thì to và lương lậu thì nhiều. Cán bộ phải trau dồi đạo đức, nhân cách, khả năng quản lý…

Liệu trong bổ nhiệm cán bộ, có phải thay đổi, bổ sung tiêu chí?

Trước đây khi nói về công tác cán bộ, chúng ta hay nói cán bộ phải có đức, có tài. Giờ thì người ta hay nói đến “bổ nhiệm đúng quy trình”. Trong khi đó, quy trình ấy có lúc, có nơi có vấn đề.

Cán bộ thiếu đức, thiếu tài, mà đúng quy trình thì vẫn cứ lên cao, thăng tiến. Có lẽ đã đến lúc phải xem lại quy trình, hoặc là xem lại tiêu chí bổ nhiệm cán bộ.

Ở góc độ thực thi luật, liệu có thể kiểm soát được những sai phạm, nhất là những sai phạm lớn?

Ở Singapore, vứt một mẩu thuốc lá ra đường cũng bị phạt. Còn ở ta, đáng nói nhất là khâu thanh tra, kiểm tra. Nhiều khi lỗi to đùng cũng không sao cả, chỉ cần có “phong bì” là mọi việc xong xuôi hết.

“Phong bì” trở thành căn bệnh phổ biến trong xã hội. Khi ta không thể kiểm soát được chặt chẽ những vấn đề về thực thi luật, kể cả những vấn đề nhỏ, thì khó để kiểm soát những vấn đề lớn.

Không ai vui khi cán bộ bị xử lý

Ông là người nói nhiều đến kinh tế thị trường. Phải chăng những sai phạm trong quản lý kinh tế là hệ quả của nền kinh tế thị trường?

Chúng ta chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, nhưng lại chưa để thị trường tự điều tiết.

Muốn tránh tình trạng tham ô, tham nhũng, thất thoát lớn, bổ nhiệm nhầm, thì phải để cho nền kinh tế thị trường hoạt động theo đúng nghĩa, đầy đủ. Đừng “nửa nạc, nửa mỡ” thì sẽ khắc phục được điều này.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Đó là hãy để kinh tế tư nhân đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng chứ không phải là các tập đoàn kinh tế của Nhà nước. Nhà nước điều hành nền kinh tế tuân thủ quy luật của thị trường, không có phân biệt “con đẻ” hay “con ghẻ”.

Khi người ta làm kinh tế mà đồng tiền gắn liền với cơm áo trong nhà, người ta sẽ có trách nhiệm hơn là sử dụng tiền của nhà khác. Khi đó, doanh nghiệp không phải nhọc nhằn chi cho lương bổng, lương lậu của cán bộ nữa.

Trở lại vụ án đang được xét xử, khi theo dõi, cảm giác của ông thế nào?

Không ai lấy làm vui vẻ khi xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, trái lại đó là sự đau xót nhưng vì kỷ cương phép nước, chúng ta phải làm, để răn đe, phòng ngừa chung.

Việc xử vụ án Đinh La Thăng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với những cán bộ của Đảng, Nhà nước, nhất là cán bộ giữ vị trí quan trọng, đó là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ai sai phạm, sai phạm đến đâu đều phải xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Việc xét xử những sai phạm đã xảy ra trong quá khứ của cán bộ, chứng tỏ rằng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, khi cán bộ đã sai phạm thì khó “trốn”, dù đã nghỉ, hay lên chức cao hơn?

Trước đây, nhiều người có quan điểm vơ vét khi đương quyền để rồi nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”. Tuy nhiên, gần đây, việc làm rõ, xử lý nghiêm cả những cán bộ, đảng viên sai phạm nay đã nghỉ hưu đã cho thấy tính quyết liệt, triệt để của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Các sai phạm trong quá trình đương chức đều được làm rõ, kể cả việc cách các chức vụ mà họ từng đảm nhận.

Qua vụ án Đinh La Thăng, tất cả các cán bộ, đảng viên cũng phải nhìn vào đó để tự răn mình, tự tu dưỡng, rèn luyện, phòng ngừa thói hư tật xấu, biết dừng lại trước việc làm sai trái…

Xin cảm ơn ông đã trò chuyện về vụ án Đinh La Thăng!

Phiên tòa xét xử vụ án Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) dự kiến diễn ra trong các ngày từ ngày 8 đến 21/1. Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa. Bị can Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐTV PVN; Phùng Đình Thực, nguyên tổng giám đốc  PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc PVN, cùng 9 bị can bị truy tố về tội cố ý làm trái. Có 8 bị can bị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng hai bị can Trịnh Xuân Thanh – nguyên chủ tịch HĐQT PVC và Vũ Đức Thuận – nguyên tổng giám đốc PVC – cùng bị truy tố về cả hai tội danh.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP