Địa ốc

VP Bank: Nhận thế chấp dự án đang dừng triển khai, an toàn vốn ở đâu?

  • Tác giả : Nhã Linh - Chí Dũng
(khoahocdoisong.vn) - Hiện tại, tỉnh Khánh Hòa có 35 dự án đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ sau thanh tra đầu năm 2018. Tuy nhiên trong đó có 1 dự án thế chấp được cho VP Bank khi đang trong thời gian thanh tra.

Thanh tra đề nghị dừng triển khai 35 dự án

Từ cuối năm 2017, Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII đã chỉ ra sai phạm có tính hệ thống tại Khu du lịch bán đảo Cam Ranh. Theo đó, nguyên nhân do chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án không phù hợp với đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 được phê duyệt. Cụ thể, mật độ xây dựng trong đồ án 1/2.000 tối đa là 15%, nhưng trong quy hoạch chi tiết tối đa lại lên đến 25%. Mục tiêu sử dụng đất trong đồ án 1/2.000 là đất thương mại dịch vụ, nhưng trong đồ án 1/500 chuyển thành đất ở không hình thành đơn vị ở. Cần lưu ý, đất ở không hình thành đơn vị ở là khái niệm không được quy định tại Luật Đất đai.

Tháng 4/2018, Thanh tra Chính phủ có văn bản về 35 dự án đầu tư ngoài ngân sách có dấu hiệu sai phạm và đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, quyết định việc dừng thực hiện hoặc tiếp tục cho thực hiện các dự án này. Sau đó, Khánh Hòa đã quyết định dừng thực hiện đối với 35 dự án này.

Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều văn bản nhằm xử lý và khắc phục việc giao dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể, đó là văn bản số 4741 ngày 17/5/2018, số 233 ngày 30/5/2018, số 223 ngày 27/6/2019. Nội dung chủ yếu của các văn bản là giao cho các ngành liên quan, trong đó có Sở KH&ĐT, thực hiện kiểm tra, rà soát các dự án có sử dụng đất, kể cả các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đây, làm rõ những nội dung chưa đúng quy định và tham mưu, đề xuất hướng xử lý, khắc phục.

Theo ý kiến của Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa cần tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư để có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn của tỉnh, của nhà đầu tư để các dự án tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư, đi vào hoạt động, tạo hiệu quả kinh tế - xã hội cho tỉnh và nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: “Sau khi thanh tra, kiểm tra có một số dự án bị vướng. Trong đó nhiều dự án vướng đất ở không hình thành ở. Chúng tôi chia sẻ với nhà đầu tư có diện tích đất ở không hình thành đơn vị ở đã nộp tiền thuê đất, chúng tôi sẽ có tính toán để điều chỉnh các quy hoạch”…

Chủ đầu tư không ngồi yên, VP Bank tiếp sức?

Như vậy, toàn bộ 35 dự án tại Khánh Hòa đang bị dừng triển khai do đang tiến hành thanh tra. Đương nhiên, các dự án chỉ được hoạt động trở lại sau khi có kết quả thanh tra khẳng định trình tự thủ tục là không có sai phạm. Nhưng, sự dừng này khiến chủ đầu tư dự án khó có thể “ngồi yên”.

Khi đó, dự án đang triển khai thi công hạng mục hạ tầng kỹ thuật theo giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp và đang thực hiện công tác xin cấp phép xây dựng công trình.

Đơn cử: Dự án có vị trí tại lô D9A1, D9A2 thuộc Khu 3, Khu du lịch bán đảo Cam Ranh, vốn đầu tư 2.480,5 tỷ đồng. Dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 85.000m2 đất ở không hình thành đơn vị ở. Sau đó UBND tỉnh Khánh Hòa lại có Quyết định phê duyệt điều chỉnh tính chất sử dụng đất từ “đất ở không hình thành đơn vị ở” thành “đất sản xuất kinh doanh”.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ mà đến nay vẫn chưa có kết luận, nên nhiều thủ tục dự án phải dừng lại, trong đó có thủ tục cấp phép xây dựng đối với dự án có hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở.

Sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa có Quyết định phê duyệt điều chỉnh tính chất sử dụng đất từ “đất ở không hình thành đơn vị ở” thành “đất sản xuất kinh doanh”, ngày 04/9/2019 Sở Xây dựng đã tiến hành tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép xây dựng hạng mục công trình Khu Khu biệt thự và Bungalow, nhưng đến nay hạng mục này vẫn chưa được cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên, dù chưa được cấp phép xây dựng, nhưng ngày 27/02/2020,Chủ đầu tư đã thế chấp dự án này cho Ngân hàng Thương mại CP Việt Nam Thịnh Vượng, Chi nhánh Bến Thành.

Theo Hợp đồng số 09/2020/HDTCQTS, tài sản bảo đảm là tất cả các quyền tài sản thuộc sở hữu của Bên bảo đảm phát sinh từ Dự án. Bao gồm nhưng không giới hạn các tài sản là các công trình phụ trợ thuộc dự án. Tại thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm, các tài sản nêu trên đang trong quá trình được đầu tư xây dựng, chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng và toàn bộ máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, tài khoản dự án và toàn bộ số dư có trên tài khoản dự án cùng các quyền và lợi ích phát sinh từ tài khoản dự án.

Ngoài ra, toàn bộ các quyền khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; các khoản phải thu, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trinh đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án xây dựng nhà ở, dự án xây dựng công trình.

Lợi tức thu được từ chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn và bất kỳ lợi tức thu được nào khác đối với: các căn hộ chung cư/nhà ở/biệt thự/nhà liền kề, khu văn phòng, khu thương mại, các tài sản khác gắn liền với đất được xây dựng trên các thửa đất thuộc Dự Án…

Tất cả các quyền nhận tiền từ hợp đồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận tiền bảo hiểm, quyền nhận các khoản tiền bồi thường phạt vi phạm… và tất cả các quyền, lợi ích phát sinh từ tài sản thế chấp nêu trên cũng thuộc tài sản thế chấp…

Quyền đầu tư, phát triển, kinh doanh, thực hiện các Hợp đồng/giao dịch liên quan đến Dự án; Các quyền tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan dự án này đều được VP Bank nhận thế chấp. Từ đây, câu hỏi đặt ra sẽ là mục đích sử dụng vốn, phương thức giải ngân, các nguồn thu hợp pháp từ dự án để đảm bảo cho khoản vay này như thế nào? Đó chính là nội dung Báo KH&ĐS tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.

Nhã Linh - Chí Dũng

BẢN DESKTOP