Đời sống

Với dân phải công bằng

Với dân phải công bằng, đ

Ông Đỗ Đăng Thanh.

31 năm làm tổ trưởng dân phố

Ông Thanh làm tổ trưởng dân phố từ năm 1987, khi vẫn còn đang công tác. Vậy nên đến lúc về hưu, không thể từ chối được khi mọi người vẫn tín nhiệm.

Hơn nữa, chính ông cũng đã xác định, tham gia công tác xã hội cho vui và cũng là để cơ thể được vận động. Nếu nghỉ hưu rồi mà nghỉ luôn, không tham gia việc gì thì người sẽ ì ra, trí nhớ sẽ giảm sút, lão hóa nhanh.

Bây giờ còn sức khỏe còn làm, đến khi nào không làm được sẽ xin nghỉ. Nhưng còn làm ngày này thì phải làm đến nơi đến chốn, phải có trách nhiệm với công việc của mình.

Tổ trưởng dân phố là cánh tay nối dài của phường trong việc nắm bắt tình hình dân cư, tuyên truyền phổ biến các chính sách của nhà nước, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách…

Theo ông, làm việc với dân rất dễ mà cũng rất khó. Với dân nếu công bằng thì dễ, không công bằng thì người ta sẽ thắc mắc, thậm chí chống đối.

Đơn giản như việc thu phí vệ sinh môi trường. Trước đây nhân viên môi trường đến thu, do không nắm được tình hình mỗi hộ dân, nên nhiều khi thu không đủ hoặc thu mà không ghi hóa đơn… dẫn đến thất thoát. Vì vậy từ năm 2018, công việc này được giao cho tổ trưởng dân phố.

Lúc đến thu, có người thắc mắc, tại sao trẻ con cũng phải nộp phí môi trường. Lại phải giải thích cho họ là từ đứa trẻ sơ sinh đến cụ già đều phải nộp phí môi trường, mỗi năm thu 2 lần, không ai được miễn giảm.

Chỉ một việc đơn giản như thế thôi, nhưng mình phải nắm được các quy định để giải thích, hiểu ra rồi thì họ sẽ vui vẻ nộp, không thắc mắc gì nữa.

Hay như việc thu thuế đất cũng vậy, nhà ở như nhau thì thuế đất phải như nhau thì còn ai thắc mắc làm gì. Nhưng cứ thử để nhà này cao hơn nhà kia, là có chuyện ngay.

Vì vậy, quy định của nhà nước thế nào, bảng thuế đất ra sao… phải cho người ta xem. Mọi thứ phải công khai, đừng úp úp mở mở làm gì. Để cho dân người ta nghi ngờ là rất phức tạp.

Thu quỹ là khó nhất

Theo ông Thanh, làm tổ trưởng thu quỹ là khó nhất. Mỗi năm có đến 5-6 loại quỹ cả bắt buộc và tự nguyện. Rồi các đợt vận động đột xuất như ủng hộ đồng bào bão lụt, thiên tai…Phải tuyên truyền, vận động và đến tận nhà thu.

Có người nói rất khó nghe, rồi chỉ đóng 10 nghìn, 20 nghìn. Lại phải giải thích, kể cả ông bà nộp 1 nghìn tôi cũng nhận và vẫn phải lập danh sách để đưa lên cho mọi người biết. Nhưng cũng có người sau khi giải thích, biết được ý nghĩa của các quỹ này, họ nộp 500.000đ.

Như quỹ khuyến học chẳng hạn. Lúc đầu thu được một vài triệu đã khó. Mà với số tiền ít ỏi đó thì làm thế nào để mua phần thưởng cho các cháu. Ngoài việc phổ biến chung tại cuộc họp, ông còn đến từng nhà vận động, giải thích rằng đây là sự ghi nhận cố gắng của các cháu sau một năm học.

Chỉ cần có một chút phần thưởng có ghi tên và thành tích học tập, lại được bác tổ trưởng đến tận nhà trao tặng và động viên thì gia đình và bản thân các cháu rất phấn khởi. Làm thế tuy mất thời gian nhưng thấy mình có trách nhiệm thì người ta mới quý, tin tưởng và ủng hộ.

Là thương bình bậc ¾, ngoài công tác tổ dân phố, ông còn tham gia chi hội Người cao tuổi và là chủ tịch Hội chất độc da cam của phường. 31 năm làm tổ trưởng, điều khiến ông tự hào nhất là nắm được tình hình của cả 200 hộ trong tổ.

Ngoài việc ghi chép sổ sách theo quy định, ông còn thường đến tận nhà để tìm hiểu. Đối với những người đến đây thuê nhà cũng vậy, phải nhắc nhở họ đăng ký tạm trú và thực hiện các nghĩa vụ với địa phương để đảm bảo quyền lợi cho chính mình.

Làm tổ trưởng, mà nhất là với một người có trách nhiệm, thật lắm việc.

Bảo Anh

BẢN DESKTOP