Khám phá

Võ Tánh – kỳ 2: Sống chết với thành Bình Định

Chúa Nguyễn luộc trứng gà và nấu một chén cháo cho chúa dùng, còn bao nhiêu đổ vào nồi lớn nấu chia cho tướng sĩ để cùng nếm cái hương vị trung dũng của dân Gò Công.

Trở thành phò mã

Năm 1788, nhận lời mời của Chúa Nguyễn, Võ Tánh đến Nước Xoáy (Sa Đéc) hội binh, được phong là Tiên phong Dinh Khâm sai Chưởng cơ và Nguyễn Ánh cảm mến nên đem em gái là công chúa Ngọc Du gả cho. Từ đây Phò mã Võ Tánh giúp chúa Nguyễn lập được nhiều chiến công hiển hách, uy danh lừng lẫy đứng đầu Tam hùng ở Gia Định.

Năm 1790, Võ Tánh tiến đánh thành Diên Khánh, chiếm được phủ thành, đánh bại tướng Tây Sơn là Đào Văn Hồ. Năm 1793, Võ Tánh được thăng chức Khâm sai Quán suất hậu quân Dinh Bình Tây Tham Thắng Tướng quân hộ giá.

Khi trấn thủ thành Diên Khánh, Võ Tánh dùng mưu đuổi quân Tây Sơn đến vây thành vào năm 1794. Sau đó ông được phong tước Quận công kiêm lãnh chức Đại tướng quân.

Năm 1797, ông theo Nguyễn Phúc Ánh ra đánh Quảng Nam. Thừa thắng, ông vượt qua sông Mỹ Khê (Quảng Ngãi) đánh bại Đô đốc Tây Sơn Nguyễn Văn Giáp.

Năm 1799, ông lại theo chúa Nguyễn tiến đánh Quy Nhơn. Vào cửa biển Thị Nại, Võ Tánh và Chưởng Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức đánh thắng quân Tây Sơn tại Thị Giả, giết được Đô đốc Tây Sơn Nguyễn Thiệt tại cầu Tân An.

Đô đốc Lê Chất xin hàng, xin làm thuộc tướng của Võ Tánh. Ông chặn đánh quân của Thái phó Tây Sơn là Lê Văn Đang tại làng Kha Đạo, bắt được 6.000 quân Tây Sơn và 50 thớt voi. Các tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh và Nguyễn Đại Phát phải mở cửa thành Quy Nhơn xin hàng. Thành Quy Nhơn được đổi tên là thành Bình Định.

Mộ Võ Tánh tại quận Tân Bình, TPHCM.

Sống chết với thành Bình Định

Năm 1801, khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao cho Võ Tánh và Lễ bộ Tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thành Bình Định ngay sau đó bị đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng đến bao vây.

Trần Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh thành và chia quân vây bốn mặt, Võ Văn Dũng thì đôn đốc thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại. Cuộc bao vây kéo dài đến 14 tháng.

Cũng trong năm này, Nguyễn Ánh cùng Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đem đại binh ra tìm cách giải vây cho Bình Định, đại thắng thủy quân Tây Sơn tại Thị Nại. Đây là trận thủy chiến lớn nhất của cuộc chiến tranh Nguyễn – Tây Sơn.

Tuy quân Nguyễn thắng trận, tiêu diệt thủy quân Tây Sơn, nhưng không giải vây được trên bộ, thành Bình Định vẫn bị quân Tây Sơn vây chặt.

Võ Tánh và Ngô Tùng Châu sai người lén đem mật thư cho Nguyễn Ánh khuyên ông kéo quân ra đánh Phú Xuân, để ông cùng Ngô Tùng Châu cố giữ thành cầm chân quân Tây Sơn. Chúa Nguyễn nghe theo và tháng 5 năm Tân Dậu 1801 đánh lấy được Phú Xuân.

Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân thất thủ, liền sai tướng đem quân ra cứu. Quân ra tới Quảng Nam thì bị chặn đường phải trở lui. Trần Quang Diệu nổi giận đốc quân đánh gấp thành ngày đêm.

Võ Tánh và Ngô Tùng Châu hiểu dụ tướng sĩ và dân chúng trong thành hết lòng chống giặc, ông đã cố thủ được hai năm nhưng lúc này, trong thành hết lương thực.

Có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây trốn thoát, nhưng ông cương quyết ở lại: “Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?”.

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP