Thời sự

Vỡ ruột non, bàng quang, thủng đại tràng... vì chơi pháo nổ

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhiều bệnh nhân bị pháo nổ với các tổn thương phức tạp, nhiều vị trí...để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn, tàn tật suốt đời. Vì vậy, cần biết cách phòng tránh.

Nhiều bệnh nhân vỡ, dập nát nhiều nơi, cả nội tạng vì chơi pháo

Cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, số ca nhập viện do pháo nổ càng tăng, trong tình trạng chấn thương nặng, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Bệnh viện Đà Nẵng vừa tiếp nhận thêm một trường hợp đa chấn thương nặng, vỡ nát nhiều đoạn ruột non, thủng trực tràng, vỡ bàng quang, dập nát tay trái, đùi trái, vỡ khung chậu trái do chơi pháo phát nổ.

23h ngày 28/1, bệnh nhân Đ.H.P, (sinh năm 2012, ngụ quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đa chấn thương, vết thương thủng bụng lộ nội tạng, tổn thương phức tạp vùng tay trái, đùi trái, các vết thương nham nhở, nhiều dị vật.

Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn viện, xác định đa tổn thương do pháo nổ, vỡ nát nhiều đoạn ruột non, thủng trực tràng, vỡ bàng quang, dập nát tay trái, đùi trái, vỡ khung chậu trái, xây xát bỏng da toàn thân.

Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa bệnh viện phối hợp súc rửa vết thương lấy ra nhiều dị vật, phẫu thuật vết thương bàn tay, vết thương vùng bẹn đùi, cắt bỏ ruột non vỡ và thủng, khâu trực tràng, khâu bàng quang, làm hậu môn nhân tạo, cứu sống bệnh nhân.

Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp tục theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ tại bệnh viện Đà Nẵng

Bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ tại bệnh viện Đà Nẵng

BSCKII Huỳnh Đức Phát, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, mặc dù đã tích cực tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của pháo nhưng cứ vào dịp giáp Tết lại càng có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe, nhiều trường hợp phải chịu thương tật suốt đời.

Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã cấp cứu, chữa trị cho 3 bệnh nhân liên quan đến pháo nổ.

Cụ thể, vào ngày 18/1, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.H.K (16 tuổi, trú tại TX.Điện Bàn, Quảng Nam) trong tình trạng khó thở, vết thương phức tạp vùng đầu, mặt, cổ, ngực, cánh tay và mắt không nhìn thấy.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp X-quang, CT cho thấy bệnh nhân bị tràn khí vùng cổ 2 bên, tụ máu khí trung thất trên, xẹp thùy phổi phải, mất xương 2 bàn tay, vỡ xoang hàm trái, chấn thương nhãn cầu phải.

Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu. Do dị vật ở nhiều vị trí, bệnh nhân đa chấn thương nặng nên nhiều chuyên khoa của bệnh viện đã phối hợp để xử lý. Hiện tại, bệnh nhân còn hôn mê, thở máy, tiên lượng nặng, đang được điều trị tích cực tại khoa Gây mê hồi sức.

Tiếp đó, vào ngày 20/1, do đốt pháo tự chế, bệnh nhân N.V.D (25 tuổi, trú Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) phải cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng tổn thương cổ tay và dập nát các ngón 1, 2, 3, 4 bàn tay phải, gãy hở ngón 2 bàn tay phải kèm vết thương nham nhở, nhiều dị vật, chảy nhiều máu...

Các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương đã tiến hành cắt lọc, phẫu thuật vết thương bàn tay, khâu nối cơ đứt, sửa mỏm cụt các ngón 1, 2, 3, 4 bàn tay phải, không thể bảo tồn được các ngón tay.

Ngày 24/1, do đốt pháo tự chế, bệnh nhân N.T.H (19 tuổi, trú tại H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cũng nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương ở cánh tay, cổ tay, vết thương hở đùi trái, đùi phải, dập nát bàn tay phải, bỏng mặt, mắt không nhìn thấy.

Các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương đã cắt lọc, phẫu thuật các vết thương. Đáng chú ý, do vết thương quá nặng, các bác sĩ buộc phải cắt cụt bàn tay phải cho bệnh nhân.

Bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ tại bệnh viện Đà Nẵng

Bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ tại bệnh viện Đà Nẵng

Di chứng nặng nề và mất chức năng vĩnh viễn

BSCK II Ngô Hạnh, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết đối với những bệnh nhân do nổ pháo tự chế thường bị tổn thương đa cơ quan; bàn tay thường dập nát, tổn thương ngực...

Sức ép từ pháo tự chế còn gây tổn thương phổi, bụng, đặc biệt là bỏng vùng mặt, vùng mắt gây mù. Ngoài ra, pháo nổ còn tạo ra khí độc gây viêm phổi, bỏng khí quản… Bệnh nhân sẽ bị choáng do chấn thương rất nặng.

"Dịp tết, một số người trẻ tuổi thường tò mò, tự chế pháo. Chúng tôi khuyến cáo phụ huynh nên quan tâm đến con em mình, nhà trường nên tổ chức các buổi nói chuyện để tuyên truyền cho học sinh không nên tự ý chế pháo", bác sĩ Hạnh nói.

Cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, số ca nhập viện do pháo nổ càng tăng, trong tình trạng chấn thương nặng, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Các bệnh nhân bị pháo nổ thường có các tổn thương phức tạp, tổn thương nhiều vị trí như bàn tay, mặt, thân người… khiến việc điều trị rất khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn, tàn tật suốt đời.

Bác sĩ Hạnh cũng khuyến cáo, đa số các em khi đã tự chế pháo được một lần sẽ tiếp tục làm. Như một trường hợp mới nhập viện gần đây, năm ngoái em này đã tự chế pháo và năm nay lại tiếp tục. Những trường hợp nhập viện trước đó cũng vậy, đa số tự chế pháo từ 2 lần trở lên.

"Khi sự cố nổ pháo tự chế xảy ra, thương tật để lại cho các em rất lớn. Đôi bàn tay chắc chắn không thể cầm bút, mắt mù lòa khiến các em không thể tiếp tục học tập", bác sĩ Hạnh nói thêm.

“Vì thế, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con em mình, cảnh báo cho con mức độ nguy hiểm của việc chơi pháo. Nhà trường, xã hội cần tích cực tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của pháo nổ để hạn chế các tai nạn thương tâm xảy ra”, bác sĩ Phát khuyến cáo

Thúy Nga

BẢN DESKTOP