Ngân hàng

"Vô địch" phát hành, nghi vấn ngân hàng mua chéo trái phiếu để tăng vốn ảo?

  • Tác giả : Tuấn Thủy - Đào Vũ
(khoahocdoisong.vn) - Xuất phát chậm, nhưng ngành ngân hàng đang dần lấy lại vị trí của mình trong cuộc đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tháng 4/2020, dù lãi suất phát hành thấp hơn cả lãi suất tiết kiệm, ngành ngân hàng vẫn vươn lên chiếm tỷ trọng lớn nhất, vượt qua nhóm doanh nghiệp bất động sản trong phát hành trái phiếu.

Nghi vấn mua chéo trái phiếu

Báo cáo mới nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã huy động hơn 14.400 tỷ đồng trong tháng 4/2020, với kỳ hạn bình quân 4,4% năm. Con số này tăng mạnh tới 15,3 lần so với mức 940 tỷ đồng được các ngân hàng phát hành trong cả quý 1/2020.

Cụ thể, ngành ngân hàng chiếm 47,83%, tăng vọt so với tỷ trọng 2,3% của quý 1/2020. Xếp liền sau là các doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị phát hành gần 9.650 tỷ đồng, chiếm 32,04%.

Điển hình nhất trong nhóm này là BIDV với 9 đợt, huy động hơn 5.900 tỷ đồng. Tiếp theo là VIB với 2 đợt, huy động 2.000 tỷ đồng. Hay như HDBank huy động 1.700 tỷ đồng; VPBank 1.200 tỷ đồng; SHB và MSB đều huy động 1.000 tỷ đồng.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, các NHTM tăng cường phát hành trái phiếu để nhắm tới hai mục đích chính. Đầu tiên, tín dụng đang tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi ngân hàng (vẫn luôn) cần vốn mới để bù cho phần thiếu hụt, đặc biệt là vốn ngắn hạn nhằm đảm bảo tính thanh khoản. Vì vậy, khi phát hành trái phiếu, ngân hàng có thể dùng vốn trung và dài hạn để bù trừ.

Thứ hai, trong trường hợp những trái phiếu được phát hành là trái phiếu chuyển đổi, mặc dù là hình thức đi vay, nhưng trái phiếu đó sẽ được cộng vào vốn cấp 2. Đây được coi là vốn quan trọng để tính tỷ lệ an toàn đáp ứng Thông tư 41/2016 của Ngân hàng Nhà nước (Basel II).

Ngoài ra, khi nói về khả năng hấp thụ của thị trường, ông Hiếu đánh giá là còn khá lớn. Ở chiều xuôi, ngân hàng phát hành đúng thời điểm hầu bao của các thành phần kinh tế không được “rủng rỉnh” do tác động của dịch Covid-19. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng chính do dịch bệnh mà ngân hàng nổi lên như một kênh đầu tư vững chắc hơn tất cả.

“Hiện, tiền mặt được coi là vua. Ngân hàng là nơi có nhiều tiền mặt. Do đó, tiền là vua sẽ tương đương ngân hàng cũng là vua. Đây là điểm thuận lợi cho các ngân hàng phát hành trái phiếu” - ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là mặt bằng lãi suất trái phiếu ngân hàng đang thấp hơn cả lãi suất huy động. 

Cụ thể, trong lô trái phiếu của HDBank gần đây có kỳ hạn 2 năm và 3 năm, lãi suất dao động từ 5,8 – 6,5%/năm. Tương ứng với biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tại ngân hàng này lại lên tới 7%/năm.

Hay như lô trái phiếu của ngân hàng MSB phát hành ngày 15/4 với kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 6,6%/năm. Song, tại biểu lãi suất tương ứng, mức lãi suất khách hàng nhận về có thể lên tới 7,1%/năm.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận xét: “Cần làm rõ xem có hay không việc các tổ chức tín dụng mua chéo trái phiếu của nhau với mục đích tăng vốn cấp hai, tăng tổng vốn tự có để đáp ứng được các yêu cầu về tăng vốn và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn? Nhấn mạnh rằng, khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định, các ngân hàng sẽ có cơ hội được phía nhà điều hành duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn”.

Cẩn thận với vết xe đổ

Theo chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu, khả năng các ngân hàng mua trái phiếu chéo của nhau là có thể xảy ra, nhưng đây là vấn đề của Ngân hàng Nhà nước.

“Nếu mà tiếp tục để các NHTM tạo ra nguồn vốn ảo thì câu chuyện sẽ trở lại giống như trong quá khứ. Tức có rất nhiều vốn của ngân hàng là vốn ảo. Dưới áp lực phải áp dụng Thông tư 41, ngân hàng nào mua bán chéo để tăng vốn điều lệ thì đây là vấn đề của Ngân hàng Nhà nước. Phía nhà quản lý phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ, để không có những chuyện đó xảy ra” - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu chia sẻ thêm, vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của ngân hàng phải là gối đệm trong khủng hoảng, nên phải là vốn thực. Trong khủng hoảng, "gối đệm" này sẽ tạo cho ngân hàng có khả năng chịu đựng những tác động nhất định.

“Khi khủng hoảng ập đến, nhiều khách vay bị vỡ nợ, vốn của ngân hàng sẽ trở thành âm. Đó là những cái mà chúng ta đã nhìn thấy ở những NHTM mà Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng. Nếu tính đúng, tính đủ thì vốn của ngân hàng đó là vốn âm, nghĩa là họ đã phá sản rồi. Nhưng họ vẫn hoạt động trong một thời gian để cuối cùng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng. Chúng ta cần phải loại trừ ngay rủi ro mua bán chéo để tăng vốn” - ông Hiếu lo ngại.

Có một thực tế, các trái chủ của ngân hàng lại thường là các công ty chứng khoán. Ngược lại, bản thân các công ty chứng khoán này cũng phải huy động trái phiếu để tăng vốn. Nên, khả năng cao là công ty chứng khoán chỉ là trung gian, tham gia mua trên sơ cấp để bán lại trên thứ cấp. Chứ không phải là người mua cuối cùng.

Trong nhiều năm gần đây, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng thương mại nắm giữ tăng thêm khá tương đồng với lượng trái phiếu các ngân hàng đã phát hành tại kỳ tương ứng.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang gắt gao các vấn đề liên quan đến việc phát hành trái phiếu của các NHTM. Mỗi năm, phía nhà điều hành đều thẩm định và cho phép các NHTM được phát hành tối đa bao nhiêu trái phiếu, dựa trên cơ sở nhu cầu, cân đối các yếu tố an toàn rủi ro…

Cũng liên quan đến việc điều hành hoạt động mua bán trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước hiện đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Nổi bật nhất là việc cấm các ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu trên 3% mua bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm hạn chế nợ xấu có thể phát sinh thêm, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng tại các ngân hàng.

Tuấn Thủy - Đào Vũ

BẢN DESKTOP