Dữ liệu y khoa

Vợ chồng “mặt trăng – mặt trời” vì chứng sùi mào gà

  • Tác giả : Phạm Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Hôn nhân là bến đỗ của tình yêu, nhưng nhiều khi những bến đỗ đó bị chao đảo không phải do tình yêu đã hết mà đôi khi nguyên nhân là từ thiếu hiểu biết và chưa rộng lòng tha thứ  cho nhau.

Không cho “đụng” vào người vì sợ mang bệnh

Hơn 1 năm trước, GS.TS Vương Tiến Hòa, nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận một ca bệnh khá đặc biệt. Bữa đó, khoảng 9 giờ sáng, một phụ nữ trạc 50 tuổi gõ cửa rồi đến trước bàn làm việc của GS.TS Hòa, lạnh lùng đặt một cuốn sổ khám bệnh và tập hồ sơ xét nghiệm dầy cộp, gương mặt hằm hằm đầy bực tức...

Giáo sư rất ngạc nhiên, mời chị ngồi, ân cần trao đổi để tìm hiểu nguyên do thì được biết, chị là Hiền, nghe tiếng giáo sư nên đã bắt xe từ Thái Nguyên lên để gặp. Trước đó vợ chồng chị Hiền đã từng như mặt trăng với mặt trời, chẳng nói với nhau và người chồng bị vợ "cấm vận" suốt.

Nói về lý do, chị Hiền (tên nhân vật đã thay đổi” giãi bày cùng GS.TS Hòa: vợ chồng lấy nhau con cái đã phương trưởng, chị cứ tưởng hạnh phúc ngọt ngào êm ái với chị cho đến cuối đời, nào ngờ một ngày chị phát hiện ra một chuyện động trời và chị ngã ngửa.

Chuyện là trong lúc "yêu nhau" chị phát hiện đầu "cậu nhỏ" của chồng bị sùi mào gà. Trời đất tối sầm, quay cuồng ngả nghiêng như đầu óc chị vậy. Yêu thương đều biến mất, chị tức tối tra hỏi đủ điều. Chồng chị quỳ xuống xin van là do chót dại đã một lần bị "say nắng" với người phụ nữ xa lạ nhưng rất có duyên.

Một tuần sau anh phát hiện ngưa ngứa ở đầu của quý. Anh cứ tưởng do vệ sinh kém nên mới sinh ra vậy không ngờ đến hôm đó nó lại bộc phát để chị phát hiện ra cái "tội" tày đình của anh. Chị hùng hổ la mắng anh một cách không thương tiếc, chị Hiền xỉ vả, chửi bới đủ điều.

Sau đó, anh Tùng chồng chị cũng đi chữa trị và khỏi căn bệnh xã hội đó. Tuy nhiên, từ ngày biết chồng bị bệnh, chị Hòa luôn mặt nặng, mày nhẹ, không cho chồng gần gũi, vợ chồng ngày càng xa lánh, hoặc có “lâm trận” thì cũng không mấy hứng khởi.

Nguyên nhân một phần là chuyện anh phản bội chị, phần khác là do chị đã ở tuổi tiền mãn kinh, cơ thể lúc nào cũng cảm thấy khó chịu, bức bối, âm đạo luôn khô rát, nên cả chị và anh đều không hứng thú.

Về phía anh Tùng, khi bị vợ la mắng đã chừa thói trăng hoa, trị bệnh cũng khỏi, tuổi còn trẻ, anh vẫn "khát khao" nhưng vợ luôn khô rát nên không có khoái cảm. Anh cũng không dám đi ra ngoài, sợ chị phát hiện tan vỡ gia đình...Anh chị đều rơi vào bế tắc không biết phải xử lý thế nào.

Bác sĩ gọi 2 người vào...

Khi nghe đầu đuôi câu chuyện, GS.TS Vương Tiến Hòa nghĩ đây là một ca bệnh phải giải quyết cả hai vấn đề tâm lý và bệnh lý.

Ông gọi người chồng vào nói chuyện với những câu hỏi như: Anh còn muốn sinh hoạt vợ chồng với chị nhà nữa không? Anh còn yêu chị nữa không? Câu trả lời đều “có”. Đến lượt người vợ, chị Hiền bảo vẫn yêu chồng, vẫn muốn “sinh hoạt” với chồng nhưng sợ lây bệnh và có một cái gì đó vẫn không thoải mái. Đặc biệt, âm đạo của chị khô rát, nên chị sợ vừa làm đau chồng, đau mình nên sợ không dám “yêu” nữa.

Sau khi nghe lời giải thích của GS.TS Vương Tiến Hòa rằng, anh bệnh thì đã chữa khỏi bệnh rồi sao có thể lây lan được cho chị nữa. Còn việc, không thoải mái như có một cái gì đè nặng tâm trí chị là do chị chưa tha thứ hết cho anh. Khi đủ bao dung, đủ rộng lượng, tâm hồn sẽ nhẹ nhàng.

Nhấn mạnh về chứng khô rát, khó chịu, khí thế thay đổi, GS.TS Vương Tiến Hòa cho hay, chị Hiền đang ở độ tuổi tiền mãn kinh nên có những thay đổi, biểu hiện khó chịu như: Nóng bừng hay còn gọi là bốc hỏa là triệu chứng thường gặp nhất của tiền mãn kinh.

Hiện tượng này chính là đột ngột cảm thấy một luồng khí nóng đi khắp cơ thể đặc biệt là phần đầu mặt và ngực. Đồng thời sắc mặt đỏ bừng sau đó ra mồ hôi và cảm thấy ớn lạnh. Tâm trạng thất thường, khó kiểm soát, dễ bị kích động, nổi nóng hoặc trầm cảm, đa nghi.

Thuốc bôi trơn, kết hợp tâm lý

Sau khi thăm khám cho chị Hiền thì được biết chị mắc 2 chứng bệnh, thứ nhất là rối loạn tiền mãn kinh, thứ hai là viêm âm đạo. GS.TS Vương tiến Hòa ghi đơn thuốc gồm thuốc bôi trơn và thuốc chống viêm cho chị, nhưng không đưa cho chị Hiền mà đưa cho anh Tùng.

GS.TS Vương Tiến Hòa khuyên anh Tùng ngoài chuyện mua thuốc cần nhẹ nhàng chăm sóc chu đáo ân cần với chị. Buổi tối anh giúp chị thoa thuốc. Điều này, thể hiện tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc và ăn năn hối lỗi của người chồng. Khi người phụ nữ được chăm sóc, được cảm giác "yêu thương" sẽ bớt tính hoạn thư của tuổi tiền mãn kinh...

3 tháng sau, chị Hiền trở lại phòng khám và gương mặt đã rạng ngời hạnh phúc. Tuy nhiên, chị vẫn e thẹn thể hiện một chút chưa "thỏa mãn". Khi GS.TS Vương Tiến Hòa thăm khám lại thì viêm âm đạo không còn nữa, chứng rối loạn tiền mãn kinh cũng đã giảm bớt. GS.TS Hòa đã kê thêm một liều thuốc cho chị Hiền. Và từ đó đến nay không thấy chị quay lại, có lẽ cuộc sống vợ chồng đã viên mãn trở lại.

Chia sẻ về yếu tố thành công điều trị những ca bệnh này, vị Giáo sư có 50 năm tuổi nghề vẫn tận tụy với sức khỏe của cộng đông tâm sự: đối với những ca bệnh, người bác sĩ không chỉ điều trị bệnh lý mà còn điều trị tâm bệnh, không chỉ biết kiểm tra mà còn phải biết hướng dẫn, tư vấn, tâm sự chia sẻ ân tình với người bệnh giúp họ tìm ra cách giả quyết tót nhất mà vẫn giữ gìn được hạnh phúc lứa đôi.

Thế nên, bệnh nhân đến với GS.TS Hòa thường qua khám lâm sàng rất lâu, ông ân cần hỏi han cặn kẽ nhiều, qua đó để biết tâm, sinh lý của người bệnh, biết căn nguyên gây bệnh mà có cách điều trị phù hợp. Người bác sĩ giỏi phải vừa là bác sĩ chuyên khoa vừa là nhà tâm lý học.

GS.TS Vương Tiến Hòa khuyên những gia đình, nếu chồng hoặc vợ có những sai lầm thì phải biết sám hối, khi sám hối phải ăn năn và chọn lựa cách giả quyết tốt nhất để ổn thỏa, đặc biệt chú ý đến tình cảm của chị em.

Đừng cho mình được quyền tuyệt đối mà "hành hạ" đối tác. Người ta thường nói “lạt mềm buộc chặt”, đương sự cần phối hợp với bạn đời và phối hợp với bác sĩ mới cho kết quả như ý.

PGS.TS Đoàn Minh Thụy, Tổng Thư ký Hội Y học Giới tính Việt Nam cho biết: Các triệu chứng hay dấu hiệu cho biết người phụ nữ bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh thay đổi khác nhau ở mỗi người. Việc giảm sút nội tiết tố sinh dục estrogen trong suốt thời kỳ tiền mãn kinh chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề khó chịu cho phụ nữ. Họ sẽ cảm thấy sự thất thường về kinh nguyệt và xuất hiện những cơn bốc hỏa – đó là một cảm giác nóng bừng đột ngột, thường có cảm giác lan khắp vùng ngực. Đổ mồ hôi về đêm, hoa mắt chóng mặt và cảm giác ngột ngạt, nhịp tim không đều, cảm giác thiếu tập trung và nhầm lẫn trong trí nhớ. Tính khí thất thường và hay gắt gỏng. Khô da, giảm sự ham muốn tình dục và âm đạo khô rát; có dấu hiệu loãng xương, đau nhức xương khớp và có thể xuất hiện các vấn đề về tim mạch. Các triệu chứng trên có thể vẫn tiếp tục kéo dài trong vài năm đầu sau mãn kinh kèm theo một số những thay đổi về tâm lý và sinh lý.
Phạm Hằng

BẢN DESKTOP