Vitamin C là một trong nhiều chất tham gia hệ thống phòng thủ chống oxy hóa của cơ thể. Cùng với vitamin E, beta-caroten, vitamin C có thể chuyển các tác nhân gây oxy hóa thành những chất vô hại và thải ra nước tiểu. Vitamin C giúp thành mạch máu vững chắc, đặc biệt quan trọng đối với mạch máu nuôi tim. Nó giúp chuyển cholesterol thành acid mật bằng cách giảm tình trạng cholesterol trong máu. Chúng có thể làm giảm mức LDL-C (cholesterol có hại) và làm tăng HDL-C (có lợi). Vitamin C cần thiết cho các tế bào miễn dịch (tế bào T và bạch cầu), từ đó làm mạnh chức năng của hệ miễn dịch, làm tăng phản ứng dị ứng. Vitamin C cần cho quá trình tạo collagen từ trocollagen. Nếu thiếu vitamin C sẽ giảm khả năng tổng hợp collagen, khiến cho sẹo khó lành, vỡ mao mạch, khiếm khuyết trong quá trình hình thành xương và răng. Ngoài ra, vitamin C có hàm lượng cao trong mô não và tuyến thượng thận, vitamin C tham gia tạo các chất dẫn truyền thần kinh…
Vitamin C có nhiều trong các mô cơ thể, trong đó nhiều nhất ở huyết tương. Với cả trẻ nhỏ và người lớn, vitamin C đều tham gia vào rất nhiều hoạt động sống. Với trẻ nhỏ, vitamin C giúp duy trì và phát triển hệ xương khớp, răng, nướu, mạch máu và các dây chằng, cải thiện tỉ lệ hấp thụ canxi vào cơ thể, ngăn ngừa sự ôxy hóa vitamin A, vitamin E và các acid béo không no khác. Vitamin C giúp tăng sự hấp thu, chuyển dịch và tồn trữ sắt trong cơ thể, giúp trẻ phòng chống bệnh thiếu máu, tăng sức đề kháng cho trẻ, hỗ trợ tế bào gan trong quá trình giải độc, tham gia vào quá trình tổng hợp hormon. Vitamin C giúp hấp thu tốt chất sắt có nguồn gốc thực vật. Hỗ trợ chuyển sắt từ huyết thanh vào ferritin để dự trữ ở gan và phóng thích sắt từ ferritin vào huyết thanh khi có nhu cầu. Trẻ từ 6 tháng- 6 tuổi cần 30 mg vitamin C/ngày. Từ 7-9 tuổi cần 35 mg/ngày. Từ 10-18 tuổi cần 65 mg/ngày. Từ 19 tuổi trở lên cần 70 mg/ngày.
Trẻ thực chất không cần dùng nhiều vitamin C nhưng thiếu nó sức khỏe sẽ ảnh hưởng. Cách tốt nhất bổ sung vitamin C thông qua thực phẩm bằng cách đưa vitamin C vào khẩu phần ăn thông qua hoa quả như cam, quýt, ổi xanh, dâu tây, cà chua, khoai lang, khoai tây, bông cải xanh, ớt xanh. Quả cam chứa lượng vitamin C dồi dào, 50mg cho 100g, ngoài ra nên ăn các loại quả nhóm cam quýt như chanh, bưởi, quýt. Ổi cũng là loại quả có chứa lượng vitamin C gấp 4 lần so với quả cam. Ổi giàu lượng vitamin A, axit folic và các chất khoáng: kali, đồng, mangan, nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa, ít cholesterol và muối natri nên rất tốt cho sức khỏe. Cà chua nổi tiếng với hàm lượng lycopene và chất chống oxy hóa vô cùng phong phú nhưng cà chua là cũng là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời. Các loại rau lá xanh, đặc biệt là cải xoăn, rau bina, củ cải xanh, súp lơ xanh có chứa rất nhiều chất phytochemical, carotenoid, các chất chống oxy hóa và vitamin C, có thể giúp cơ thể chống lại nhiều bệnh tật, có khả năng giúp phòng ung thư và nhiều bệnh mãn tính khác.
Lương y Thu Hằng (Phùng Khoang, Hà Nội)