Dinh dưỡng học đường

Vitamin A cần cho sự tăng trưởng

  • Tác giả : Hương Lan
(khoahocdoisong.vn) - Từ năm 1995 Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đã thanh toán thiếu vitamin A thể lâm sàng nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn đáng ngại.

Vitamin A là một trong 3 loại vi chất: Iốt, vitamin A, sắt quan trọng vì thiếu hụt các vi chất này đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Thiếu vitamin A gây ra một số bệnh nghiêm trọng ở trẻ như mù lòa, tiêu chảy, chậm phát triển tinh thần và vận động, nguy cơ gây thấp còi và hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nguy hiểm hơn có thể dẫn tới tử vong.

Theo BS Trần Khánh Vân, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thiếu hụt vitamin A thường do, giai đoạn ăn bổ sung trẻ được ăn nghèo thức ăn động vật, rau xanh quả chín (chứa nhiều tiền vitamin A caroten). Thiếu dầu mỡ trong khẩu phần làm giảm hấp thu vitamin A. Nhiều trẻ bị thiếu dinh dưỡng do không được bú mẹ vì sữa mẹ chứa nhiều vitamin A, thích hợp với trẻ nhỏ. Một số trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là các nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu hụt vitamin A. Đối với trẻ lớn, suy dinh dưỡng protein năng lượng nặng thường kèm theo thiếu vitamin A vì thiếu protein ảnh hưởng tới chuyển hoá, vận chuyển vitamin A trong cơ thể. Ngoài ra, thiếu các vi chất khác như thiếu kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hoá vitamin A.

Vitamin A là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ mắt, tăng cường sức khỏe ở niêm mạc và giác mạc, đồng thời chống lại các bệnh nhiễm trùng do các loại vi khuẩn hoặc virus gây ra. Vitamin A tham gia trực tiếp vào các phản ứng ở tế bào que và nón ở võng mạc. Chất này còn giúp tạo sắc tố của võng mạc để điều tiết mắt và hỗ trợ mắt nhìn tốt hơn trong môi trường thiếu ánh sáng. Thiếu vitamin A, cơ thể người sẽ mắc nhiều bệnh liên quan đến mắt như quáng gà, tăng sản sinh các tế bào vảy gây sừng hóa bề mặt, làm tổn thương và mất ổn định màn nước mắt, gây khô mắt. Đối với trẻ em, vitamin A có vai trò quan trọng cho sự phát triển chiều cao, tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường thị lực. Thiếu hụt vitamin A trẻ thường xuyên mệt mỏi, kém ăn, chậm phát triển, da khô và tóc rụng nhiều. Hệ miễn dịch và sức đề kháng yếu nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và da.

Mỗi năm có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có nguy cơ cao, bổ sung uống vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi tại 41 tỉnh mỗi năm 2 lần, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A, đồng thời việc bổ sung vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phương trong toàn quốc. Theo các chuyên gia, đối với trẻ lớn, bổ sung vitamin A nên được thực hiện thường xuyên thông qua thực phẩm. Vitamin A có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật như gan cá, dầu cá, lòng đỏ trứng, sữa… nhưng tiền vitamin A (dạng anpha hoặc bêta caroten) lại có nhiều trong thực vật như các loại rau, quả có màu đỏ, vàng như bí đỏ, gấc, ớt ngọt, cà rốt, cà chua… vì vậy, khi chế biến thực phẩm cho con các bà mẹ nên lưu ý.

Hương Lan

Hương Lan

BẢN DESKTOP