Doanh nghiệp

Vimedimex: Kỳ lạ doanh nghiệp "sống nhờ" tồn kho và "mua chịu"?

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng thuốc tân dược tồn kho của Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex) luôn chiếm quá nửa tổng tài sản, số nợ phải trả của công ty nhiều gấp 52 lần số vốn điều lệ.

Thuốc tân dược “ngâm” trong kho

Vimedimex chủ yếu phân phối thuốc nhập khẩu thông qua hệ thống đấu thầu kênh bệnh viện trên cả nước (ETC), với hơn 400 sản phẩm được nhập khẩu của 83 hãng dược phẩm trên thế giới, cùng với 623 loại thuốc sản xuất trong nước và thiết bị y tế, vật tư y tế.

Tổng tài sản của Vimedimex tính đến 30/6/2020 ước đạt 8.389 tỷ đồng, giảm 6,8% so với đầu năm. Sự lên xuống giá trị tổng tài sản của Vimedimex từ nhiều năm nay phụ thuộc chủ yếu vào lượng hàng tồn kho của công ty. Từ năm 2016 đến nay, lượng thuốc tân dược tồn kho của Vimedimex luôn dao động ở mức trên dưới 5 nghìn tỷ đồng, chiếm 52 - 57% tổng tài sản hợp nhất.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, hàng tồn kho của Vimedimex đạt giá trị 4.575 tỷ đồng, chiếm 55% tổng tài sản công ty. Trong đó, hàng tồn kho là thuốc tân dược chiếm 95%, với giá trị lên tới 4.340 tỷ đồng. Còn lại là trang thiết bị y tế và nguyên vật liệu, hàng mua đang trên đường, hàng gửi đi bán.

Tân dược tồn kho của Vimedimex trong vòng 5 năm nay không giảm, thậm chí tăng lên. Tất nhiên, có thể giải thích rằng quy mô kinh doanh của công ty mở rộng khiến tồn kho tăng, dù thuốc luôn được luân chuyển. Nhưng hạn sử dụng thuốc thường chỉ trong vòng 2 năm (số ít là 5 năm), tồn kho tăng cao khiến lo ngại tự nhiên đặt ra là thuốc đến tay người bệnh sẽ có hạn sử dụng ngắn?

Bảo quản thuốc theo quy định trong Hướng dẫn thực hành tốt bảo quản thuốc của Bộ Y tế đòi hỏi chi phí không hề nhỏ. Do đó, tại Vimedimex, chi phí thuê kho lên tới trên 2 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy công ty cần xem xét lại hoạt động khi tồn kho quá lớn kéo theo chi phí thuê kho "phình to" theo, rủi ro kinh doanh tăng cao. 

Hiện, một phần số thuốc tân dược tồn kho này của Vimedimex được dùng làm tài sản thế chấp để vay ngân hàng ANZ 308 tỷ đồng.

Tài sản rất lớn nằm trong hàng tồn kho, phần lớn số tài sản còn lại của Vimedimex lại đến từ những khoản phải thu với 3.203 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản. Nhiều khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi lên tới 96 tỷ đồng. 

Tồn kho lớn và khoản phải thu cao cho thấy chất lượng tài sản của Vimedimex là rất thấp. Tài sản hơn 8 nghìn tỷ đồng “đóng băng”, gần như không có khả năng sinh lời. Điều này phản ánh trong tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của Vimedimex chỉ đạt 0,09% vào quý 2/2020 và 0,3% trong cả năm 2019.

Đây là tỷ lệ thấp bất thường nếu so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành khác, như Dược Hậu Giang (15,21%), Dược Hà Tây (12,52%), Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (15,52%)…

Tài sản của Vimedimex không sinh lời, vốn góp của các cổ đông cũng sinh lời ít. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn bình quân (ROEA) của Vimedimex đạt 9,4%, ở mức thấp so với các công ty phân phối, kinh doanh dược khác như Công ty CP Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội (27,15%), Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 (34,29%).

Tài sản được hình thành từ nợ

Tính đến hết tháng 6/2020, nợ phải trả của Vimedimex là 8.032 tỷ đồng, cao gấp 52 lần so với vốn điều lệ của công ty (154 tỷ đồng), gấp 22 lần vốn chủ sở hữu (356 tỷ đồng).

Trong nửa đầu năm 2020, khoản nợ các nhà cung cấp của Vimedimex là 7.529 tỷ đồng, đã giảm 7,7% so với đầu năm. Có thể nói, Vimedimex đã rất biết tận dụng đòn bẩy tài chính để kinh doanh. Chỉ với hơn trăm tỷ đồng vốn góp của cổ đông, tài sản kém chất lượng nhưng Vimedimex vẫn có thể mua “chịu” thuốc và thiết bị y tế tới 7 – 8 nghìn tỷ đồng.

Có lẽ với việc mua “chịu” thuốc tân dược và trang thiết bị y tế dễ dàng như vậy trong nhiều năm qua, nên Vimedimex tích cực nhập hàng, để hàng "tồn đọng" lớn trong kho và sử dụng chính tài sản “mượn” của đối tác làm tài sản đảm bảo để đi vay tiền.

Cũng cần lưu ý, tăng tồn kho, tăng phải thu, tăng vay nợ... thường là những thủ thuật kế toán mà các doanh nghiệp hay sử dụng để giấu bớt lỗ hoặc lợi nhuận, giảm nộp thuế... 

Rõ ràng, tài sản của Vimedimex được hình thành chủ yếu bởi các khoản nợ. Về nguyên tắc, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu càng cao thì doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ, khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp càng lớn.

Hệ số thanh toán bằng tiền mặt của Vimedimex trong nhiều năm nay vẫn dừng ở mức 0,02 lần. Hệ số này cho thấy khả năng thanh toán ngay bằng các nguồn tiền sẵn có của công ty trong trường hợp có sự cố bất ngờ là rất thấp.

Trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, hệ số thanh toán bằng tiền mặt được coi là công cụ hữu ích để đánh giá tình trạng của doanh nghiệp. Hệ số này cần đặc biệt chú ý, trong điều kiện hàng tồn kho lớn và có nhiều khoản phải thu như tại Vimedimex.

Ngoài Y dược, Vimedimex cũng kinh doanh bất động sản đầu tư. Khoản đầu tư bất động sản này mang về cho Vimedimex doanh thu 34 tỷ đồng từ việc cho thuê một phần tòa nhà, quyền sử dụng đất của tòa nhà Citilight Tower 46 Võ Thị Sáu, quận 1, TPHCM và tại 246 Cống Quỳnh - trụ sở của công ty.

Cũng giống như kinh doanh phân phối Dược, Vimedimex cùng cổ đông lớn là Công ty XNK Y tế II đã huy động được gần 78 tỷ đồng từ 68 nhà đầu tư cá nhân khác, góp vốn xây dựng tòa nhà. Tổng chi phí xây dựng cơ bản của tòa nhà là 97 tỷ đồng. Có nghĩa là Vimedimex chỉ phải bỏ ra rất ít tiền để hoàn thành dự án nhà này. Lợi nhuận thu được từ kinh doanh cho thuê tòa nhà sẽ được chia cho các nhà đầu tư theo hợp đồng.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, Vimedimex dừng chi trả lợi nhuận theo hợp đồng góp vốn cho các nhà đầu tư. Theo cơ quan kiểm toán AASC, dự án xây dựng tòa nhà Citilight không đủ cơ sở pháp lý, chưa từng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định và chấp thuận. Hơn nữa, việc chủ thể đại diện Vimedimex ký các hợp đồng hồ sơ, văn bản liên quan đến tòa nhà Citilight là không phù hợp với điều lệ cũng như các văn bản nội bộ khác của Vimedimex. Các hợp đồng góp vốn của các nhà đầu tư không đủ tính pháp lý.

Với lý do vướng những vấn đề pháp lý trên, Vimedimex đã yêu cầu được hưởng toàn bộ doanh thu, lợi nhuận của tòa nhà. Và yêu cầu các nhà đầu tư phải trả lại cho Vimedimex khoản nhận khấu hao và lợi nhuận từ năm 2007 đến hết 31/12/2019.

Tuấn Thủy

BẢN DESKTOP