KINH TẾ

Việt Nam tìm kiếm kinh nghiệm chống gian lận xuất xứ từ quốc tế

  • Tác giả : Vân Tuyết
(khoahocdoisong.vn) - Gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp đang gia tăng tại Việt Nam và tạo nguy cơ khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá.

Gia tăng hàng “Made in Vietnam” sản xuất ở Trung Quốc

Tại "Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại", ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại với nhiều thị trường lớn, tham gia 17 Hiệp định thương mại (FTA), quy mô xuất khẩu tăng trưởng cao… khiến hàng Việt gia tăng nguy cơ bị “mượn” xuất xứ.

Ông Âu Anh Tuấn cho biết, có nhiều trường hợp hàng Trung Quốc khi chuyển về Việt Nam đã gắn tem/mác dòng chữ "Made in Vietnam" để tiêu thụ trong nước. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, có một số nhóm mặt hàng có mức tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng này có nguy cơ gian lận cao về nguồn gốc xuất xứ, phải đưa vào diện giám sát chặt chẽ. Đó là các mặt hàng về máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, sắt thép, xe đạp, gỗ, dệt may, da giày, giấy, đinh vít...

Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng nêu hàng loạt các vụ việc điển hình về gian lận xuất xứ tại Việt Nam gần đây. Cụ thể, tháng 8/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực IV phát hiện một doanh nghiệp tại TPHCM đã tạm nhập hàng từ Trung Quốc để tái xuất sang Mỹ. Theo khai báo, hàng là cáp internet Coaxial Cable, Video Cable 8 sợi làm từ sợi đồng nguyên chất... và cáp internet Network Cable. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế thì lô hàng trên là các sợi cáp mang hiệu Monster, trên bao bì sản phẩm có in sẵn dòng chữ "Made in Vietnam".

Gần đây nhất, tháng 10/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I đã phát hiện, bắt giữ lô hàng của một công ty. Theo khai báo là hàng quần áo nam nữ xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, ngoài một số sản phẩm quần áo có ghi xuất xứ Trung Quốc và không thể hiện xuất xứ, thì còn có 3.000 quần áo trên tem/mác thể hiện Made in Korea và 50kg tem/mác rời bằng giấy vải thể hiện chữ Hàn Quốc, ghi “Made in Korea".

Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản, không đáp ứng tiêu chí theo quy định, nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam nhằm đánh lừa người tiêu dùng để tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu. Ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ cho rằng, đây không phải là hiện tượng mới đối với hàng hóa Việt Nam. Bởi qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức từ năm 2000 đến 2008 đối với xe đạp, kẽm oxit, bật lửa, vòng gắn và giày mũ da... đã phát hiện nhiều sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu được "chuyển tải" từ Trung Quốc.

Đại diện USAID tại Việt Nam cho rằng, khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, hàng nhập khẩu từ quốc gia này giảm, nhưng hàng từ các nước thứ 3, trong đó có Việt Nam tăng vọt. Việc chuyển tải bất hợp pháp sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Kiểm tra xuất xứ sản phẩm.

Kiểm tra xuất xứ sản phẩm.

Cần ngăn chặn “chuyển tải” bất hợp pháp

Ông Claudio Dordi cho rằng, “chuyển tải” bất hợp pháp sẽ để lại nhiều hệ lụy, như hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu tại Mỹ, đồng thời tăng rủi ro hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn. Đặc biệt nguy cơ này là lớn với những sản phẩm của Trung Quốc phải chịu các hạn chế nhập khẩu của Mỹ.

Theo ông Claudio, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đang tăng mạnh, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam cũng tăng tương ứng. Các mặt hàng Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ và cùng lúc với tăng nhập khẩu từ Trung Quốc là nhựa, sau đó là kính mắt, hàng điện tử, sắt, thép, thuỷ sản, đồ gỗ, đồ chơi. Trong đó nhựa tăng 64,9%, kính mắt và điện tử tăng lần lượt là 53,3% và 52,8%. 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2010-2018, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 16,3% thì nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng 16,22%. Đã có những sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ tăng nhiều nhất kể từ khi Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc, như dây điện và cáp điện tăng tới 252,3%, chất dẻo nguyên liệu tăng 147,8%, đồ gỗ tăng 140%.

Ngoài ra, đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong vào Việt Nam tăng đột biến, so với cùng kỳ 2018 đầu tư từ Trung Quốc tăng 200% và từ Hong Kong tăng 394% với quy mô dự án nhỏ. Với đầu tư quy mô nhỏ thì không thể là dự án đầu tư chiều sâu. Đã có nghi ngờ đầu tư vào Việt Nam chỉ là để lập ra những cơ sở lắp ráp sản phẩm nhằm lấy xuất xứ của Việt Nam qua đó xuất khẩu sang nước thứ ba.

Từ thực tế này, ông Âu Anh Tuấn kiến nghị cần phải rà soát các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để phân tích, quyết định kiểm tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm. 

Đồng thời, Bộ Tài chính cần chủ động trao đổi với Hải quan Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, đại sứ quán các nước tại Việt Nam... để kịp thời thu thập thông tin liên quan đến số liệu thống kê mặt hàng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào các nước này và ngược lại; danh sách mặt hàng áp thuế chống bán phá giá đối với các nước và dự báo khả năng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại...

Ông Âu Anh Tuấn cho biết Tổng cục Hải quan sẽ đưa các nhóm hàng có lượng nhập khẩu tăng đột biến vào diện theo dõi và tích cực triển khai công tác đấu tranh phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đồng thời, lưu ý về một số mặt hàng có nguy cơ gian lận cao như: Hàng dệt may, da giày, hàng điện tử…

Để phòng tránh, Tổng cục Hải quan đã áp dụng biện pháp rà soát xác định các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành phân tích quyết định kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Vân Tuyết

BẢN DESKTOP