Khám phá

Việt Nam - thiên đường của đá quý

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam là quốc gia chứa nhiều mỏ kim loại, khoáng sản quý còn ẩn sâu dưới lòng đất, chưa được khai thác. Vừa qua, tại Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam, một cuộc hội ngộ của những nhà địa chất hàng đầu Việt Nam đã được thực hiện. Họ đem đến Trung tâm nhiều kỷ vật là dụng cụ, công cụ đo đếm, khai thác tìm kiếm khoáng sản, những khối đá quý và cả những cuốn nhật ký có một không hai chứa đựng thông tin quan trọng về những mỏ khoáng sản chưa có điều kiện khai thác.
Nhật ký điền dã của GS.TSKH Phan Trường Thị.

Nhật ký điền dã của GS.TSKH Phan Trường Thị.

Những thứ quý giá của các nhà địa chất

TS Phạm Văn Quang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất và Môi trường, người dành cả cuộc đời để vẽ bản đồ địa chất, bước chân phủ kín nhiều vùng của cả nước chia sẻ, ông đã dành cuộc đời để vẽ tới hơn 50 bản đồ địa chất, vẽ cả bản đồ địa chất của Lào, Campuchia, Ấn Độ... Đây là những tấm bản đồ vô giá bởi có nó, người ta sẽ đánh thức được nhiều vùng khoáng sản bao gồm nguồn nước, mỏ kim loại quý, đá quý, đem lại nguồn lợi vô cùng to lớn cho đất nước.

PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản là một người đam mê với nghề địa chất. Ông yêu từng nét đẹp, sự kiêu sa của những viên đá quý. Ông cho biết, đá quý có rải rác ở nhiều vùng của đất nước nhưng chưa có điều kiện khai thác. Trong quá trình đi công tác đây đó, ra cả nước ngoài, ông đã tích cóp được một kho tàng đá quý có một không hai, trong đó có nhiều loại đá được phát hiện, tìm thấy ở Việt Nam vào loại độc, lạ. Theo ông, đá quý hiếm phải là những viên đá tự nhiên đẹp, hiếm và bền, đá cảnh phải có hhìn cảnh quan thiên nhiên, núi non hùng vĩ, hoặc chân dung người, các hình 12 con giáp...do thiên nhiên tạo ra.

Còn đối với GS.TSKH Phan Trường Thị, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện trưởng Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt cho hay, đối với ông, nhật ký điền dã của những nhà địa chất là những kỷ vật quan trọng nhất. Ông đã đem đến Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam một cuốn nhật ký điền dã viết vào những năm 60 bằng bút chì. “Theo luật của địa chất, các cuốn nhật ký điền dã của các nhà địa chất phải viết hoàn toàn bằng bút chì vì lỡ rơi xuống nước thì cuốn sổ sẽ không bị nhòe. Trong cuốn nhật ký này là những quan sát dọc đường, từ ngày này sang ngày khác của các nhà địa chất...”, ông nói. GS.TSKH Phan Trường Thị đã đi từ Hải Phòng đến Trường Sa, Hoàng Sa, Nha Trang; đi từ Bắc vào Nam, đi khắp các đỉnh núi cao nhất mới có các thông tin về tiềm năng khoáng sản Việt Nam. Từ cuốn nhật ký điền dã này mà người ta mới vẽ nên bản đồ địa chất để chỉ dẫn tìm kiếm các khoáng sản quan trọng.

Dụng cụ nghiên cứu của các nhà địa chất tại Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam.

Dụng cụ nghiên cứu của các nhà địa chất tại Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam.

Khám phá nhiều mỏ kim loại quý

Trong nhiều lần bay và đo, phân tích ảnh vệ tinh viễn thám, sử dụng phương pháp sa khoáng... GS.TSKH Phan Trường Thị cùng nhiều nhà địa chất đã phát hiện một số hạt kim cương trên lãnh thổ Việt Nam.

Các tài liệu nghiên cứu của ông chỉ ra, cốt lõi của phát hiện mỏ kim cương ở Việt Nam là sự nhận diện một hình thái cấu trúc địa chất được gọi là “khối lục địa cổ” với nền móng kết tinh có tuổi trước 1 tỷ năm. Trên nền móng đó là những “lớp phủ nền” hầu như nằm ngang có tuổi trẻ hơn khoảng 200 triệu năm lại đây. Trên bản đồ địa chất, khối lục địa cổ đó bao trùm hầu hết lãnh thổ Nam Việt Nam, Nam Lào, Campuchia và Thái Lan. Những khối nền cổ đó tương tự như các khối nền cổ Nam Phi, Bắc Mỹ, Siberi (Nga), Botswana (Nam Phi), châu Úc... Khối lục địa cổ trên lãnh thổ Việt Nam được gọi là “địa khối Indosini”. Có thể, phía Bắc lãnh thổ Việt Nam, Đông Bắc Việt Nam cũng thuộc một lục địa cổ như vậy. Như vậy, thiên nhiên đã ban phát hai khối lục địa cổ: Indosini (Kon Tum), Việt Bắc.  

Cũng theo bật mí của GS.TSKH Phan Trường Thị, trải qua hàng trăm năm, các đỉnh núi chứa kim cương bị nước bào mòn nên các ống nổ (ống chứa kim cương) gần như lộ thiên. Đã có những người dân nhặt được kim cương dưới suối mà không biết cho đến khi kiểm tra bằng máy móc mới khẳng định đó là viên kim cương 100% tự nhiên và tỷ lệ tinh khiết rất cao, là loại kim cương rất đẹp trên thế giới.

Gia tài của các nhà địa chất không có gì ngoài sách vở, các công trình nghiên cứu, các phát hiện địa chất quan trọng, những cuốn nhật ký điền dã, những viên đá, các tấm bản đồ... tất cả đã được họ gửi gắm tại Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam. Theo các nhà địa chất, nhật ký là bước đi đầu tiên của nhà địa chất dẫn đến sản phẩm văn hóa là bản đồ địa chất rồi mới đến nhận thức của con người. Một không gian bảo tàng chưa thể bao hàm hết cống hiến của các nhà địa chất. 22 ký ức và hiện vật của các nhà địa chất hàng đầu được trưng bày là một phần phát lộ tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP