Môi trường

Việt Nam hưởng ứng ngày Nước thế giới – không để ai bỏ lại phía sau

  • Tác giả : T. Hòa
Ngày 22/3, Bộ TN&MT tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Nước thế giới năm 2019 với Chủ đề “Nước cho tất cả – Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm cụ thể những cam kết trong Chương trình.

Nước cho tất cả

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ TN&MT, cho biết: “Tại Hội nghị LHQ về môi trường và phát triển năm 1992 tổ chức ở Rio (Brazil), Đại Hội đồng LHQ đã chọn ngày 22/3 là Ngày Nước thế giới. Mỗi năm, LHQ chọn một chủ đề nhằm tập trung giải quyết các vấn đề nóng liên quan đến tài nguyên nước mang tính toàn cầu”.

Cũng theo ông Bẩy, ngày Nước thế giới 2019 có Chủ đề “Nước cho tất cả – Không để ai bị bỏ lại phía sau” hướng đến vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch của cộng đồng nhằm thực hiện mục tiêu quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ cho công tác quản lý tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương. Để bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 – 2020.

Tuy vậy, công tác quản lý về tài nguyên nước còn những bất cập như lập quy hoạch tài nguyên nước chậm; việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi chưa thành lập được các Ủy ban lưu vực sông; thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán, chưa có cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước.

Chủ đề 2019 “Nước cho tất cả – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chủ đề 2019 “Nước cho tất cả – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

“Ăn chay” vì nguồn nước

Với Ngày Nước thế giới 22/3, tổ chức HSI đang kêu gọi người tiêu dùng ăn chế độ nhiều thực vật hơn để giúp chống lại sự gia tăng tình trạng khan hiểm nước trên toàn thế giới. An ninh nguồn nước là một trong những thách thức lớn nhất đối với hành tinh, vì vậy Ngày Nước thế giới là cơ hội lý tưởng để giải quyết một trong những nguyên nhân lớn nhất của việc sử dụng nước trong chế biến và sản xuất thịt, sữa và trứng.

Theo tổ chức này, trên toàn cầu có 2,1 tỷ người sống không có nước sạch và khoảng 4 tỷ người (gần 2/3 dân số thế giới) gặp phải tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng trong ít nhất một tháng trong năm. Theo LHQ, 700 triệu người trên toàn thế giới có thể phải di cư do khan hiếm nước dữ dội vào năm 2030.

Với hơn 83 tỷ động vật được nuôi và giết mổ trên toàn cầu cho ngành công nghiệp thực phẩm mỗi năm, ngành nông nghiệp chăn nuôi với quy mô công nghiệp đã tác động lớn đến môi trường một cách vô cùng bất lợi. Nó không chỉ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu và nạn phá rừng, mà còn sử dụng một lượng nước vô cùng lớn.

Nước đang ngày càng khan hiếm.

Nước đang ngày càng khan hiếm.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật hoặc thuần thực vật sẽ có thể làm giảm một nửa lượng nước của chúng ta, vì vậy bằng cách thay đổi chế độ ăn uống để giảm hoặc thay thế thịt, sữa và trứng bằng những thực phẩm thân thiện với nước hơn, chúng ta đã có thể giúp bảo tồn thế giới Nước.

Bà Đặng Thị Thu Trang, thuộc tổ chức HSI tại Đông Nam Á, chia sẻ: “Một cách dễ dàng để bắt đầu chuyển sang chế độ ăn thuần thực vật là tham gia chiến dịch. Mục đích là kêu gọi mọi người loại bỏ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, trứng, sữa và lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Chỉ một hành động đơn giản nhưng chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi tích cực lớn cho môi trường, sức khỏe và động vật”

Ngày 26/12/2018, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm tăng cường biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT và các địa phương sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các quy định của Luật Tài nguyên nước.

T. Hòa

BẢN DESKTOP