Khoa học & Công nghệ

Việt Nam có gần 50 loài côn trùng chữa bệnh

  • Tác giả : Bảo Khánh (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Trên thế giới có khoảng hơn 100 loài và ở Việt Nam có khoảng gần 50 loài côn trùng đã từ lâu được khai thác, sử dụng để cứu chữa các bệnh khác nhau.

Chữa bệnh bằng giòi

Hiện tại, việc khai thác côn trùng làm thuốc chữa bệnh ngày càng phát triển. Có thể kể tên một số đại diện: ho Đom đóm (Lampyriddae), họ Phengodidae, họ bọ Bổ củi (Elateridae) hay một số giống như Physodera thuộc họ bọ Chân chạy (Carabidae) và một loài của giống Buprestis thuộc họ bọ Đá qúy hay bọ Ánh kim (Buprestidae). Tất cả những loài kể trên đều thuộc bộ Cánh cứng (Coleoptera). Cũng cần kể đến ấu trùng của một số loài như ấu trùng của giống Bolitophila (Diptera: Mycetophilidae) và một vài giống thuộc bộ bọ Đuôi bật (Collembola).

Các nhà khoa học Đại học Quốc gia Bắc Carolina, Mỹ đang khôi phục một liệu pháp chữa trị vết thương trong thế kỷ 18 đến thế kỷ 21. Họ đã biến đổi gen của những con giòi tiết ra một loại kích thích tố tăng trưởng để tăng cường hiệu quả chữa trị đồng thời chúng làm sạch vết thương của con người. Tháng 6/2016, ông James Murray (45 tuổi, sống tại Louth, Lincolnshire, Anh) bị bỏng ở bàn chân vì ngủ quên trong lúc sử dụng bộ tản nhiệt. Bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2. Tổng cộng 400 con giòi sống được cho vào một cái túi lọc như túi trà rồi đặt lên vết thương của James và dùng băng gạc băng lại. Những con giòi này bắt đầu ăn các mô chết trên vết thương của James và chỉ 4 ngày sau đó, vết thương từ màu đen đã chuyển sang tình trạng tốt hơn. Kết thúc quá trình điều trị, số giòi được lấy ra khỏi chân của bệnh nhân, sau đó cứ 2 lần một tuần trong 10 tuần liên tiếp, một y tá sẽ thay băng và giữ cho vết thương được sạch sẽ.

Biện pháp giòi ruồi Nhà (Musca domestica L.) được nuôi vô trùng có tác dụng chữa lành các vết thương. Bởi vì, giòi ăn hết tất cả các vi sinh vật làm mủ và gây nhiễm trùng, có tới 92% trong số 600 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này đều dã khỏi bệnh.

Ong đốt chữa thấp khớp, tim mạch

Nhiều nơi ở Nga, Trung Quốc và cả ở Việt Nam đã sử dụng ong Mật châm đốt vào các huyệt để chữa thấp khớp, tim mạch…  Cách đây hơn 20 năm có thông tin ông “Minh Vịt” ở Giáp Bát, Hà Nội đã dùng ong Mật châm đốt các huyệt mạch chữa cai nghiện ma túy rất hiệu nghiệm. Nọc ong có giá trị thị trường đắt hơn vàng và nọc rắn, được tinh chế để chữa bệnh. Tác dụng chữa bệnh của Nọc ong được y học biết đến và áp dụng từ rất lâu. Nọc ong có khả năng làm giảm đau và lành vết thương nhanh chóng. Đến thế kỷ 18,19, nhiều thầy thuốc châu Âu đã công bố những kết quả đáng phấn khởi trong việc dùng Nọc ong chữa các bệnh thấp tim, thấp khớp. Gần đây, người ta đã dùng Nọc ong chữa khỏi nhiều bệnh như thấp khớp, viêm dây thần kinh, huyết áp cao, viêm đa khớp, hen, suy nhược thần kinh, đau cột sống, viêm mống mắt….

Các nhà khoa học đặc biệt nhấn mạnh: Nọc ong có giá trị như một nội tiết tố kiểu cortison với khả năng chống viêm, giảm tính thẩm thấu thành mạch, tăng sức đề kháng, nhưng lại tốt hơn cortison vì với liều lượng quy định hầu như không gây tai biến. Hình thức sử dụng côn trùng để chữa bệnh rất đa dạng và phong phú trong các bài thuốc cổ truyền. Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) từng dùng ngài tằm đã chế biến tán thành bột, cho uống bệnh nhân mỗi lần 8g với rượu vào lúc đói để chữa tiểu buốt do chứng lậu. Hoặc lấy bột ngài tằm trộn với mật ong bôi trong miệng, chữa trẻ em bị chứng “phong chúm miệng”, cứng lưỡi, khóc không ra tiếng.

Ấu trùng ong bò vẽ (3-5 g) sắc uống hoặc sao vàng, tán bột, uống chữa ngực bụng đau, nôn khan. Dịch chiết từ ấu trùng ong được pha chế thành dạng nước uống có tên là VAAM (Vespa amino acid mixture) có tác dụng làm tăng và bền sức rất mạnh. Thuốc được dùng cho những vận động viên chạy đường dài (marathon).

Điều đáng quan tâm hiện nay là chưa có sự kết hợp cùng nghiên cứu để khai thác côn trùng dược liệu giữa các nhà côn trùng học, các nhà y dược học, các nhà sinh hóa học. Ở Việt Nam trong thời gian qua nhiều nhà hóa học chú tâm nghiên cứu các hợp chất từ nhiên, nhưng chỉ mới quan tâm tới các hợp chất từ cây cỏ, chưa để ý đến côn trùng.

GS Bùi Công Hiển (Hội Côn trùng học Việt Nam)

Bảo Khánh (ghi)

BẢN DESKTOP