KINH TẾ

Việt Nam chưa sẵn sàng cho kinh tế số

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 là do các chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, với chủ đề “Trước ngưỡng cửa nền Kinh tế Số”.

85% doanh nghiệp vẫn đứng ngoài 4.0

Theo nhóm tác giả, xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội là nền tảng cho phép cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ và đang diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước. Điều này đặt ra những thách thức mới trước khả năng phá vỡ cấu trúc ngành và thị trường, cùng sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị toàn cầu.

Dựa trên con số nghiên cứu xác định vị trí của VN trong chuỗi giá trị toàn cầu, VEP kết luận, 85% doanh nghiệp công nghiệp VN vẫn nằm ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu. Việc áp dụng robot tự động hóa đã bắt đầu thâm nhập vào một số ngành công nghiệp bao gồm ô tô, máy tính và điện tử, thiết bị điện. Sớm hay muộn, những tiến bộ trong công nghệ sẽ ảnh hưởng đến VN.

Vì vậy, với mô hình tăng trưởng hiện tại của VN và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, rủi ro đối với nền kinh tế có thể diễn ra theo hai kịch bản. Thứ nhất, các công ty đa quốc gia có thể rời VN để tìm kiếm lực lượng lao động lành nghề, hoặc đặt các nhà máy sản xuất gần khách hàng. Thứ hai, các doanh nghiệp sẽ tự động hóa quá trình sản xuất, tạo ra lượng thất nghiệp đáng kể những lao động có tay nghề thấp.

Theo PSG, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trường VEPR, nghiên cứu cho thấy, VN vẫn đang đứng ở ngưỡng cửa của 4.0. Sự tham gia của VN trong chuỗi giá trị toàn cầu là rất nhỏ. Vị trí trong chuỗi âm cho thấy chúng ta ở phía hạ nguồn. VN đông dân số nhưng rất thiếu kỹ năng. Đây là “vấn đề” rất lớn. Vì vậy, chuyển đổi số là rất quan trọng với VN.

Để đạt được tiến bộ kinh tế sẽ cần phải chuyển sự tập trung để đẩy mạnh năng suất yếu tố tổng hợp ở tất cả các ngành và thoát khỏi việc là một thị trường dựa trên đầu vào và lao động giá rẻ. “Làn sóng kế tiếp của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Internet vạn vật, các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây có tiềm năng tạo bước nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và logistics và giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn. Làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho VN duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.

Hai đặc điểm quan trọng trong mô hình tăng trưởng của VN là tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu được dẫn dắt bởi các công ty đa quốc gia. VN sẽ gặp rủi ro nếu các công ty đa quốc gia rời đi, vì vậy phải nhanh chóng nâng cấp trở thành điểm quản trị toàn bộ chuỗi chứ không đơn thuần chỉ tham gia một vài khâu.

Việt Nam không là lựa chọn số 1

VEPR đưa dự báo, năm 2019, kinh tế VN có thể đạt tăng trưởng ở mức 6,5-6,9%. Lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4-5%. Báo cáo cũng lưu ý một số điểm được coi là rủi ro vĩ mô của năm 2019. VN vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Cơ cấu nhập khẩu tập trung vào các máy móc thiết bị, linh kiện và nguyên vật liệu phục vụ cho xuất khẩu. Do vậy, cần giải quyết bài toán “phát triển các ngành phụ trợ”, “nền kinh tế gia công” và những giải pháp để vượt qua “bẫy kinh tế gia công”.

Theo PSG, TS. Nguyễn Đức Thành, làn sóng các công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc là một phép thử rất rõ ràng cho VN - cầu nối giữa Trung Quốc với Đông Nam Á. Nhưng VN có được ví trí đó hay không - ông Thành "không lạc quan lắm" về điều này. Các doanh nghiệp của Mỹ hay Nhật sẽ cân nhắc rất kỹ khi tìm nơi đầu tư dài hạn. Chọn VN, Ấn Độ hay Indonesia đầu tư còn phụ thuộc vào môi trường, thể chế cũng như tiềm năng lao động. Việc Pegatron - hãng lắp ráp cho Apple đã quyết định rót 300 triệu USD vào Indonesia để tránh xung đột thương mại, thay vì chọn Việt Nam như ban đầu là một ví dụ rõ nét. Lý do hãng này đưa ra là do nguồn nhân lực tại VN không đáp ứng được nhu cầu. Điều này hàm nghĩa VN không phải là sự lựa chọn số 1.

Malaysia, Indonesia, Thái Lan... là những quốc gia có cơ sở hạ tầng tốt đối với họ từ quá khứ. Mặt khác, những nước như Ấn Độ lại nổi lên nhờ việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ song song bên cạnh tiếng bản địa cũng như lực lượng lao động khổng lồ. Do vậy, VN cũng chỉ là một trong số những ứng cử viên, thậm chí, còn có phần ít nhỉnh hơn mà sự kiện với Pegatron là minh chứng - ông Thành phát biểu.

Báo cáo của VEPR nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ định vị lại vai trò của các quốc gia tham gia chuỗi liên kết toàn cầu. Vì vậy, VN cần tận dụng tối đa các lợi thế về ví trí chiến lược trong khu vực, các ưu đãi về thuế quan, chi phí lao động khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do. Theo ông Phạm Hùng Tiến, Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại VN, Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho tương lai của các nền kinh tế năm 2018 tại Diễn đàn kinh tế thế giới, VN xếp hạng 48/100 về cấu trúc các ngành sản xuất và xếp hạng 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Báo cáo của Liên hợp quốc về chỉ số Chính phủ điện tử 2018 chỉ ra rằng, VN đã tăng 11 bậc để xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số phát triển Chính phủ điên tử.

Với xếp hạng như vậy, VN đang xếp ở nhóm “sơ khởi” nhưng lại gần nhóm “tiềm năng”, cho thấy hệ sinh thái để ứng dụng và phát triển CN4.0 của VN chưa phát triển nhưng những trụ cột chính đều đã được tạo lập khá đầy đủ. Vì vậy, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành kinh tế của Chính phủ VN những năm tới.

Chính phủ cần tập trung ưu tiên đầu tư để tiến tới tương lai nền kinh tế số, trong đó, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới công nghệ thông tin và năng lượng; phát triển an ninh mạng và quản trị dữ liệu; nâng cao năng lực số và kỹ năng số cho lực lượng lao động; triển khai Chính phủ số và dữ liệu mở; khuyến khích ứng dụng dữ liệu lớn trong thống kê kinh tế để nâng cao năng lực cảnh báo sớm, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP