Vấn đề - Sự kiện

Việt Nam chưa hấp dẫn khách ngoại vì sao?

  • Tác giả : Tuyết Vân
Theo các chuyên gia, điểm nghẽn khiến du lịch Việt Nam chỉ là “cô gái đẹp tiềm năng” nằm ở nhiều yếu tố…

Theo Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh, mới đây, “Travelers' Choice Best of the Best 2023” của Tripadvisor do du khách khắp thế giới bình chọn đã vinh danh Hà Nội, Hội An, TP Hồ Chí Minh. Thủ đô Hà Nội đứng ở vị trí 17/25 điểm đến nổi tiếng nhất thế giới (Popular Destinations) năm 2023.

Đáng chú ý, Hà Nội đứng thứ 3/20, chỉ xếp sau Rome (Italia) và Crete (Hy Lạp) trong 20 điểm đến ẩm thực tốt nhất thế giới (Best Food Destinations) của Tripadvisor năm 2023. Trong danh sách 25 điểm đến xu hướng 2023 (Trending Destinations) do du khách bình chọn, đô thị cổ Hội An và TP Hồ Chí Minh cũng được vinh danh, xếp thứ 2 và 11.

Những điểm đến được thế giới vinh danh

Trước đó, năm 2022, Việt Nam được World Travel Awards 2022 (WTA) - Giải thưởng Oscar du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”. Hà Nội được trao giải “Thành phố hàng đầu thế giới” cho các kỳ nghỉ ngắn, Phú Quốc được giải “Điểm đến đảo hàng đầu thế giới”, Tam Đảo là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới”, Mộc Châu là “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới”. Và đặc biệt, Việt Nam được trao giải “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2022”. Các giải thưởng đạt được một lần nữa cho thấy sự yêu mến, công nhận và tôn vinh của cộng đồng quốc tế đối với sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Tam Đảo là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới”.

Tam Đảo là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới”.

Không chỉ thế, mảnh đất hình chữ S còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh làm say đắm lòng người. Trong đó phải kể đến những địa danh lọt vào top di sản được thế giới công nhận như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, danh thắng Tràng An, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn... Thành phố Hội An còn được Touropia bình chọn là một trong những nơi có kênh đào đẹp nhất thế giới chỉ sau những địa danh nổi tiếng như thành Venice của Ý, Amsterdam - Hà Lan và Bruges - Bỉ.

Hàn Quốc nỗ lực kích cầu du lịch

Trong nỗ lực thu hút khách du lịch nước ngoài và thúc đẩy nhu cầu trong nước, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc vừa cho biết nước này sẽ tạm thời miễn giấy phép du lịch điện tử và các yêu cầu về quá cảnh đối với du khách từ 22 quốc gia được miễn thị thực. Số chuyến bay quốc tế cũng sẽ được khôi phục như trước đại dịch. Hàn Quốc sẽ tăng cường tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn liên quan đến âm nhạc, mua sắm, ẩm thực và văn hóa để thu hút du khách.

Cũng theo Chủ tịch VCTC, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với nhiều di sản thế giới, văn hóa đặc sắc… nhưng chất lượng và sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn; hạ tầng, dịch vụ công cộng, thông tin chỉ dẫn du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế; giao thông cho khách quốc tế đến trải nghiệm văn hóa vùng sâu, vùng xa không thuận tiện; cơ sở dịch vụ còn hoang sơ, chưa đảm bảo an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường... Đây là những “điểm nghẽn” ngăn cản du khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam.

Làm gì để du lịch Việt Nam "lên đỉnh"?

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW và Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam hạ tầng không đồng bộ, nguồn lực phát triển còn yếu, thiếu tầm nhìn, cơ chế chính sách còn khập khiễng... Những "điểm nghẽn" này là rào cản khiến du lịch Việt Nam chưa thể “lên đỉnh”.

Hiện nay, với sự nỗ lực của Chính phủ và ngành Du lịch, những khó khăn, rào cản đang từng bước được tháo gỡ, ngày càng nhiều du khách biết đến Việt Nam “Rừng vàng biển bạc”. Tuy nhiên, Việt Nam cần một chiến lược phát triển du lịch tổng thể có tầm nhìn. Cần tập trung nguồn lực để tạo sức hút cho du lịch, cải thiện môi trường, giao thông, cơ sở lưu trú,... gắn với bảo tồn văn hóa và duy trì sinh kế cho người dân phát triển du lịch bền vững.

TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, visa là yếu tố rất quan trọng và đầu tiên cần được giải quyết để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Yếu tố quyết định lựa chọn điểm đến của du khách đầu tiên là giá trị, hình ảnh điểm đến, tiếp theo là điều kiện tiếp cận điểm đến trong đó có chính sách visa. Thứ ba là có đường bay thẳng thuận tiện đến Việt Nam hay không. Hiện nay mới chỉ có 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam với thời gian lưu trú khá ngắn. Vì vậy, muốn tháo gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy du lịch, Chính phủ cần phải bắt đầu từ visa và mở thêm nhiều đường bay thẳng. Về giá trị điểm đến, Việt Nam đã rất tiềm năng và khá hấp dẫn với du khách. Tuy nhiên, nếu không đầu tư nhiều đường bay thẳng, sẽ khó thu hút khách quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc HaLong Travel cho rằng, để phát triển du lịch, Việt Nam cần mở rộng thêm các quốc gia trong danh sách miễn thị thực, đặc biệt là các nước phát triển, có thu nhập cao, ổn định chính trị, giao thông thuận tiện tới Việt Nam. Cần tăng thời gian miễn thị thực cho du khách, nhất là các nước Châu Âu có thị thực thấp 15 ngày nhưng lại có thời gian di chuyển dài, tránh tình trạng khách đến hạn visa phải quay về, dẫn đến giảm mức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có sự thay đổi về chính sách visa, thủ tục hành chính, cải cách phần mềm, giao diện, tên miền, thời gian giải quyết và truyền thông rộng rãi về chính sách visa của Việt Nam. Được biết, theo dự kiến, Chính phủ trình Quốc hội xem xét tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày cho người nước ngoài nhập cảnh tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, diễn ra tháng 5 tới. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để kích cầu du khách quốc tế.

Thái Lan tung gói kích cầu vực dậy du lịch

Ngay đầu năm 2023, Thủ tướng Thái Lan đã ra chỉ thị thúc đẩy chiến lược “quyền lực mềm” thông qua ẩm thực, điện ảnh, thời trang, lễ hội và võ thuật nhằm gây dựng hình ảnh, kích cầu du lịch. Chỉ thị của Thủ tướng Thái Lan được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ nước này đang đặt kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sẽ là “cú huých” để kinh tế Thái Lan duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023, vốn được dự báo nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch tổ chức Lễ hội Té nước dịp Tết cổ truyền Songkran trong tháng 4 sau hơn 3 năm bị hạn chế do dịch Covid-19. Bộ Du lịch và Thể thao nước này cũng vừa đề xuất gói kích cầu du lịch 2 tỷ baht, tương đương 60 triệu USD để hỗ trợ giá vé máy bay nội địa, xe buýt liên tỉnh và phí thuê xe cho tổng cộng 2 triệu người.

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP