NHÌN THẲNG

Viên uống trắng da Hyeon White: “Tô vẽ” công dụng, cảnh báo vẫn... vi phạm

  • Tác giả : Thụy Bình - Bảo Anh
Dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thế nhưng tại một số website, sản phẩm viên uống Hyeon White vẫn được quảng cáo, “vẽ” công dụng giúp làm trắng da, giảm nám, cải thiện sinh lý… khiến người tiêu dùng dễ lầm tưởng sản phẩm là thuốc có thể phòng bệnh?

Phớt lờ cảnh báo… tiếp diễn quảng cáo “láo”

Ghi nhận đến ngày 17/10, sau khi Cục An toàn thực phẩm phát cảnh cáo, các bài viết về sản phẩm viên uống Hyeon White trên các website vi phạm vẫn tiếp diễn, có dấu hiệu quảng cáo “thổi phồng” quá đà về công dụng, không đúng với nội dung được cơ quan chức năng xác nhận.

Cụ thể, tại website https://123requare.com/product..., viên uống Hyeon White được quảng cáo với hàng loạt công dụng khiến hội chị em “mê mẩn” như: Làm trắng da từ sâu bên trong; khắc phục và ngăn ngừa nám - tàn nhang; cải thiện tình trạng đen và sạm da.

Bên cạnh đó, viên uống này còn có tác dụng ngăn ngừa nếp nhăn và lão hóa da; tăng độ đàn hồi, giúp da căng mịn; giúp ngủ ngon, điều hòa kinh nguyệt.

vien-uong-hyeon-white.jpeg
Viên uống trắng da Hyeon White “vẽ” công dụng, cảnh báo vẫn... vi phạm

Thậm chí, viên uống này còn được giới thiệu có khả năng điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người, như: Giúp cân bằng nội tiết tố nữ, cải thiện sinh lý, chống khô hạn đau rát, viêm nhiễm phụ khoa…

Đáng chú ý, trên trang https://www.facebook.com/vienu... còn sử dụng nhiều bài viết, video để thu hút nhiều người tương tác, chia sẻ về sản phẩm viên uống Hyeon White là: Được nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và những thành phần chất lượng tốt cho sức khỏe như Glutathione, Colagen, Sâm maca, sữa ong chúa... giúp chị em cải thiện về vấn đề khô hạn, làm trắng, làm sáng da, trị nám, tàn nhang…

Ngoài ra, tại địa chỉ https://hangtindung.com/san-ph..., một loạt tác dụng làm đẹp da trong các thành phần sản phẩm viên uống Hyeon White còn được quảng cáo, liệt kê, dễ khiến các chị em “sốt sình sịch” với các cụm từ như: “trị nám”, “chống oxy hóa”, “chống lão hóa”, “kích thích mọc tóc”, “chống bạc tóc sớm”…

Đơn cử, với các thành phần Glutathione, Pregnenolone, Collagen, Cao sâm maca, bột nhau thai cừu… viên uống Hyeon White có tác dụng kích thích sự phát triển của tuyến ngực và mô ngực, giúp ngực nở và săn chắc tự nhiên, giúp hỗ trợ cân bằng nội tiết tố, phòng ngừa khô âm đạo, chống lão hóa mạnh, kích thích mọc tóc, chống bạc tóc sớm…

Tương tự, viên uống Hyeon White cũng có tác dụng trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ da như làm trắng da, chống oxy hóa, ức chế hắc tố Melanin gây đen da, nám sạm, giảm nếp nhăn và tàn nhang, giúp trẻ hóa da, làm căng đầy vùng da bị lão hóa…

Cần xử lý Dược phẩm Oshii, Công ty Hyeon Lab Việt Nam

Không rõ những nội dung đang quảng cáo tại những website nêu trên có được cơ quan chức năng cấp phép không? Căn cứ vào đâu mà các website trên lan truyền những thông tin mang tính chủ quan như vậy? Công ty CP Thương mại quốc tế Hyeon Lab Việt Nam có chủ động đưa lên những thông tin này, hay công ty sẽ khẳng định đó lại là các trang… giả mạo? Vấn đề đặt ra ở đây là nếu các website trên thuộc đại lý bán hàng thì 2 công ty này phải liên đới chịu trách nhiệm.

172453460_144456311017226_6084690002155264223_n.jpg
Hình ảnh quảng cáo viên uống trắng da ,giảm nám ,cân bằng nội tiết Hyeon White trên Facebook.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước (Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương) cho biết, hành vi đưa, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không giống như nội dung đã được cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận là hành vi vi phạm phạm luật về quảng cáo và phải bị xử lý nghiêm từ phía cơ quan chức năng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Luật Dược số 105/2016/QH13 cùng nghiêm cấm: Việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.

198110408_1916221611875871_4733460286656187951_n.jpg

Cùng với đó, việc quảng cáo sai về công dụng của sản phẩm với nội dung đã được xác nhận cũng bị nghiêm cấm theo Luật Quảng cáo 2012.

Theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thì tổ chức, cá nhân quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đúng như nội dung xác nhận quảng cáo sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền 10 - 15 triệu đồng với cá nhân và 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức.

Mặt khác, hiện nay, pháp luật quy định xác nhận quảng cáo là cấp phép cho một cá nhân, tổ chức cụ thể để quảng cáo sản phẩm (tức là chỉ có đơn vị được xác nhận mới được quảng cáo).

Do vậy, nếu các đơn vị liên quan tự ý quảng cáo sẽ là hành vi vi phạm khi chưa xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định với các mặt hàng phải cấp phép quảng cáo. Điều này sẽ bị xử lý theo Điều 49 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về vi phạm các quy định xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, với mức phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng với cá nhân và 40 - 50 triệu đồng với tổ chức.

Ngoài ra, đơn vị vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 1 - 3 tháng đối với hành vi quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng.

Cục An toàn thực phẩm lẽ nào không “dập” được “phần tử” lũng loạn?

Theo tìm hiểu, hiện Cục An toàn Thực phẩm phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn....

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chức năng - Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC (tổ chức quản lý tài nguyên Internet quốc gia tại Việt Nam trực thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông) cần phối hợp cùng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để xử lý “phần tử” lũng loạn này.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các bài tiếp theo sau khi làm việc với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và cơ quan chức năng.

Theo quy định tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, việc quảng cáo thực phẩm chức năng dưới dạng liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Cùng đó, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: Quảng cáo thực phẩm chức năng phải khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc... Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Mặt khác, Luật Dược số 105/2016/QH13 cũng nghiêm cấm: Việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.

Thụy Bình - Bảo Anh

BẢN DESKTOP